Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

09:07, 18/07/2016

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội", Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng
Giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng

Triển khai chỉ thị
 
Để Chỉ thị 40 thực sự đi vào cuộc sống, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Theo đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng trực thuộc tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh với thành phần tham gia là lãnh đạo tỉnh, huyện, xã và các sở, ban, ngành trong tỉnh để triển khai thực hiện chỉ thị một cách đồng bộ.
 
Tiếp đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức quán triệt nội dung chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. 
 
Đồng chí Huỳnh Thanh Lân - Bí thư Chi bộ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các huyện, thành phố đều chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Đến nay, ngân sách tỉnh và ngân sách của 12 huyện, thành đã chuyển vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH khoảng 60 tỷ đồng. Hiện các địa phương đã tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ thoát nghèo trong giai đoạn 2012 - 2015 để làm cơ sở triển khai cho các hộ mới vay để thoát nghèo. 
 
Hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp đã được củng cố, kiện toàn kịp thời với việc bổ sung vào thêm 147 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn trong toàn tỉnh. “Điều này góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố nâng cao.Từ đó, chất lượng ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội được nâng lên rõ rệt” - đồng chí Huỳnh Thanh Lân khẳng định. 
 
Bên cạnh đó, hội, đoàn thể các cấp cũng đã thực hiện tốt nội dung ủy thác, thường xuyên củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn do cộng đồng dân cư thành lập; phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay giúp bà con biết cách đầu tư, tổ chức kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Mô hình quản lý hiện nay là sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội, và tổ tiết kiệm để vừa tiết kiệm chi phí quản lý xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu thực hiện xã hội hóa, dân chủ hóa hoạt động tín dụng chính sách, thông tin được công khai, minh bạch có sự giám sát của chính quyền, cộng đồng xã hội, tạo được lòng tin của nhân dân. Nhờ vậy, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội để tham gia vào sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
 
Tích cực xóa đói giảm nghèo
 
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống. Đây là kênh tín dụng ưu đãi lớn nhất, đáp ứng toàn diện nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 
 
Bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, với mạng lưới trên 2.700 tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn tỉnh, 147 điểm giao dịch xã, trong thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tải trên 2.153 tỷ đồng của 12 chương trình tín dụng chính sách cho hơn 146.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Hoạt động tín dụng do Ngân hàng CSXH tỉnh Lâm Đồng thực hiện đã tác động mạnh mẽ vào các nghị quyết, dự án, chương trình giảm nghèo của tỉnh; đồng thời, tác động tới các chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trong 3 năm trở lại đây, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giúp hơn 6.200 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 6.500 lao động; 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp hơn 8.600 em học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng trên 39.000 công trình nước sạch và nhà vệ sinh… Từ nguồn vốn này, một bộ phận lớn bà con vùng dân tộc thiểu số đã vươn lên tự thoát nghèo. Và, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, cùng với hoạt động của hệ thống Ngân hàng CSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội mà tỉnh Đảng bộ đề ra trong nhiệm kỳ 2010 - 2015.
 
Để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thực sự phát huy hiệu quả, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể liên quan; cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, lồng ghép giữa các chương trình, tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích có hiệu quả.
 
NGỌC NGÀ