Đạo đức là gốc, là nền tảng của con người và xã hội

08:08, 04/08/2016

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dày công xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng ta. Trước lúc "đi xa", trong Di chúc, Người đã ân cần căn dặn: "Đảng ta là Đảng cầm quyền. 

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dày công xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng ta. Trước lúc “đi xa”, trong Di chúc, Người đã ân cần căn dặn: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương ngời sáng đạo đức cách mạng, có giá trị phổ biến đối với dân tộc Việt Nam và toàn thể cộng đồng nhân loại tiến bộ mà cốt lõi là chủ nghĩa nhân văn hành động.
 
Tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện về đạo đức, bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của đạo đức; những phẩm chất đạo đức cơ bản và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới, yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi cán bộ cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức mới, đạo đức cách mạng mang bản chất của giai cấp công nhân, đạo đức cộng sản chủ nghĩa.      
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc, là nền tảng của con người và xã hội. Đối với mỗi người, Bác nêu ra 5 điểm lớn của đạo đức mà người đảng viên phải giữ gìn cho đúng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; Ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng; Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng quyết tâm chống mọi kẻ địch, luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu; Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết; Hòa mình vào quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
 
Người từng nói: “Đạo đức cách mạng là ở bất cứ cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể. Nó phải đánh thắng và tiêu diệt đạo đức cá nhân”. 
 
Đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trên lợi ích cá nhân là chuẩn mực cao nhất mà Hồ Chí Minh yêu cầu ở mỗi đảng viên. Đây là thước đo, là tiêu chí để đánh giá phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
 
“Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do vậy, Người đã đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc nêu gương của bản thân và nêu gương người tốt, việc tốt. Có đạo đức mới có sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, mới nâng cao uy tín với nhân dân. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng hành động, nói đi đôi với làm, lý luận nhuần nhuyễn với thực tiễn, gắn tư tưởng đạo đức với hành vi và hiện thực cuộc sống. 
 
Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Đại hội XII đề ra, một định hướng giải pháp quan trọng là phải đề cao, nhấn mạnh nội dung xây dựng Đảng về đạo đức thành một mục tiêu, nội dung cơ bản, đặt ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” là phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc và mong muốn, đòi hỏi của nhân dân. “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” phải gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”; nói không đi đôi với làm…
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cùng với tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt, các  cấp ủy và từng chi bộ phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cách mạng cho cán bộ, đảng viên... Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư…”.                            
 
LAN HỒ