Đổi mới, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng

09:08, 03/08/2016

Qua 6 năm thực hiện Kết luận 72-KL/TW, ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã nhận thức đúng đắn và triển khai có hiệu quả Kết luận 72-KL/TW, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương.

Qua 6 năm thực hiện Kết luận 72-KL/TW, ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trong toàn Đảng bộ đã nhận thức đúng đắn và triển khai có hiệu quả Kết luận 72-KL/TW, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát tại địa phương.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: P.NHÂN
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến tặng Bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc
trong công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: P.NHÂN

Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 19 Đảng bộ trực thuộc, với 40.090 đảng viên; trong đó, đảng viên nữ chiếm 35,08%, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 10,17%, đảng viên theo các tôn giáo chiếm 8,7%. Căn cứ Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Tỉnh ủy, ngay từ đầu các năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng Chương trình công tác kiểm tra, giám sát; trong đó, tập trung vào những nội dung, lĩnh vực trọng tâm có nhiều bức xúc được dư luận quan tâm như: quản lý đất đai, tài chính, xây dựng, công tác cán bộ… Trong nhiệm kỳ 2010-2015 và 6 tháng đầu năm 2016, công tác kiểm tra đã phát hiện và kết luận một số đảng viên, tổ chức đảng vi phạm và xử lý kỷ luật: tổng số đảng viên do cấp ủy và chi bộ thi hành 837 đảng viên, xử lý thi hành kỷ luật 19 tổ chức. Qua đó đã có tác dụng giáo dục, răn đe, ngăn chặn vi phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
 
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, hướng dẫn của Ủy ban kiểm tra (UBKT) đối với hoạt động kiểm tra, giám sát, thời gian qua, Tỉnh ủy còn phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì các cuộc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức đảng và các đồng chí cấp ủy viên thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công theo chương trình kế hoạch hàng năm. Thông qua các hội nghị giao ban, Thường trực Tỉnh ủy nghe các ban xây dựng Đảng và các sở, ngành liên quan báo cáo việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBKT với các cơ quan liên quan để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật theo đúng chức năng, nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tổ chức và cá nhân chấp hành chưa tốt, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
 
Trước yêu cầu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo việc thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa UBKT với các cơ quan thuộc Khối Nội chính và các ban Đảng, Đảng đoàn, Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy một số ngành liên quan; giữa UBKT Đảng ủy Quân khu 7 và UBKT Tỉnh ủy, UBKT Đảng ủy Công an Trung ương và UBKT Tỉnh ủy… Việc triển khai quy chế phối hợp đã có tác động tích cực trong thực hiện nhiệm vụ  kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian tới, các cấp ủy phải luôn xác định công tác kiểm tra, giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy và UBKT các cấp. Phải biết huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các ban, ngành có liên quan, từ đó tăng cường nắm bắt tình hình để phối hợp đồng bộ, có hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp phải thường xuyên, bám sát và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng phải gắn với kiểm tra, giám sát trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, đúng theo nguyên tắc, phương pháp; phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra với giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”, “không có vùng khoảng cấm, khoảng trống”, gắn việc giáo dục, phòng ngừa với xem xét, xử lý nghiêm minh khi có vi phạm. Thường xuyên kiện toàn bộ máy UBKT các cấp đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ tinh xảo, có phương pháp và đạo đức nghề nghiệp, đủ sức hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…
 
Có thể nói, qua 6 năm thực hiện Kết luận 72-KL/TW, nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát có nhiều chuyển biến tích cực, giám sát được mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; UBKT các cấp đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, tập trung kiểm tra, giám sát các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tiêu cực; đồng thời, chủ động xây dựng chương trình công tác hàng năm, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng theo đúng Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp ủy giao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ ngày càng đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh và tăng cường sự đoàn kết thống nhất; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm và xử lý nghiêm minh những sai phạm của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
HỒNG HẢI