Đạ Tẻh triển khai 4 nghị quyết chuyên đề

08:09, 21/09/2016

Đồng chí Trương Thái Anh Quốc, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành 4 nghị quyết và 1 chỉ thị để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020...

Đồng chí Trương Thái Anh Quốc, Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Huyện ủy Đạ Tẻh đã ban hành 4 nghị quyết và 1 chỉ thị để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Đó là: Nghị quyết về phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu: Năng suất, chất lượng, hiệu quả; Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên; Nghị quyết về tăng cường thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. 
 
Dân quân địa phương giúp đồng bào DTTS  buôn Tố Lan (An Nhơn) chăm sóc tầm vông
Dân quân địa phương giúp đồng bào DTTS buôn Tố Lan (An Nhơn) chăm sóc tầm vông
Cơ sở để Huyện ủy ban hành các nghị quyết và chỉ thị trên là căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội tỉnh Đảng bộ Lâm Đồng và Chương trình hành động triển khai Nghị quyết này. Đồng thời, so với tình hình thực tế tại địa phương, Huyện ủy nhận thấy cần thiết phải ban hành các nghị quyết và chỉ thị trên để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đến tất cả các tổ chức cơ sở đảng từ xã, thị trấn đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Đối với Nghị quyết phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, thực chất từ năm 2015 trở về trước, huyện Đạ Tẻh đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Điển hình như phấn đấu đã đạt được 100 triệu đồng/ha/năm; hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên 1.600 ha; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ… Từ đó, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn cần phải đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, năng suất, chất lượng và hiệu quả để khắc phục những hạn chế mà nền nông nghiệp huyện nhà đang gặp phải, hướng đến nền nông nghiệp với nhiều vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. 
 
Về Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, đến hiện tại, huyện đã cơ bản giải quyết xong đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Diện tích đất sản xuất đã giao hiện có là gần 1.800 ha và giao khoán trồng rừng, trồng cao su với tổng diện tích hơn 400 ha. Như vậy, bình quân mỗi hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện có trên 2 ha đất sản xuất. Ngay cả việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Đến nay, các thôn đồng bào DTTS như: Tố Lan, Đạ Nha, Con Ó đã có đường nhựa đến trung tâm, có đường hạ thế điện với 98% hộ được sử dụng điện lưới. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS đã giảm từ hơn 52% năm 2011 xuống còn 19,46% năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 6,6%. Cho nên, việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là hết sức cần thiết. Mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo đến mức thấp nhất và bền vững; chăm lo thường xuyên đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS; tạo điều kiện tốt nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con; phấn đấu tất cả các buôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh để đảm bảo giữ vững an ninh. 
 
Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh cũng đã ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng. Huyện Đạ Tẻh có hơn 30 ngàn ha rừng đã được quy hoạch thành 3 loại rừng. Hiện tại, diện tích rừng này được giao cho Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh, 22 doanh nghiệp và 537 hộ gia đình quản lý, bảo vệ và trồng rừng, trồng cao su. Tuy nhiên, tình hình vi phạm lâm luật vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2010 đến 2015, trên địa bàn huyện đã xảy ra trên 1.100 vụ vi phạm. Đặc biệt, đa phần các dự án đầu tư về rừng hiệu quả thấp, không đảm bảo cam kết, tiến độ trồng rừng chậm và nhiều doanh nghiệp chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp bàn và ban hành Nghị quyết để tăng cường quản lý, bảo vệ  và phát triển rừng. Cấp ủy, chính quyền các cấp quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Địa bàn nào để xảy ra vi phạm lâm luật thì bí thư, chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Các đơn vị đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng. Ngành chức năng cũng đã yêu cầu 16 cơ sở thu mua măng rừng trên địa bàn ký cam kết ngưng thu mua để tạo điều kiện cho rừng tái sinh. 
 
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương là cần thiết nên Ban Thường vụ Huyện ủy đã tiếp tục ban hành Nghị quyết phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2015, trên địa bàn huyện đã thu hút được 9 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung chủ yếu vào các ngành sửa chữa ô tô, điện, vật liệu xây dựng. Toàn huyện hiện có 816 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc thu hút và phát triển trong lĩnh vực này còn hạn chế nên cần phải tập trung phát triển trong giai đoạn tới. Mục tiêu đặt ra là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng bền vững, nâng dần tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 4 - 5%. 
 
Còn theo Chỉ thị tăng cường sự chỉ đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về khoáng sản; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm; xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản và tăng cường sự phối hợp giữa các vùng giáp ranh.
 
Sau khi ban hành 4 nghị quyết và 1 chỉ thị, các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đã tổ chức học tập và xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Việc thực hiện tốt các nghị quyết và chỉ thị này sẽ góp phần đưa huyện Đạ Tẻh phát triển toàn diện sau 30 năm hình thành.
 
ĐÔNG ANH