Di Linh với các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm

08:09, 27/09/2016

Ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Di Linh cho biết: "Trong giai đoạn 2011 - 2015, sau khi xác định các chương trình trọng tâm và những công trình trọng điểm, Huyện ủy Di Linh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề...

Ông Nguyễn Canh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Di Linh cho biết: “Trong giai đoạn 2011 - 2015, sau khi xác định các chương trình trọng tâm và những công trình trọng điểm, Huyện ủy Di Linh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề. Trên cơ sở đó, UBND huyện cũng đã có kế hoạch triển khai cụ thể. Tuy còn có những khó khăn và hạn chế nhất định, từ kết quả của việc thực hiện các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm đã tạo “bộ mặt” đô thị và vùng nông thôn Di Linh thêm khởi sắc”.
 
Chợ Trung tâm Di Linh, một trong những công trình trọng điểm, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2015
Chợ Trung tâm Di Linh, một trong những công trình trọng điểm, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2015

Các chương trình trọng tâm
 
7 chương trình trọng tâm đã được Huyện ủy Di Linh xác định trong 7 nghị quyết chuyên đề giai đoạn 2011 - 2015 là: Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với xã văn hóa; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề; Chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); Chương trình phát triển thị trấn Di Linh đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV và xây dựng xã Hòa Ninh trở thành thị trấn; Chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ. 
 
Trong những chương trình nói trên, Chương trình xây dựng NTM gắn với xã văn hóa được triển khai mạnh mẽ và tập trung nhiều nguồn lực nhất. Bởi vì đây là một chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả đến nay, toàn huyện đã có 3/18 xã (Tân Châu, Gia Hiệp và Hòa Bắc) đã đạt tiêu chí xã NTM. Trong năm 2016 này, huyện Di Linh phấn đấu có thêm 4 xã (Hòa Ninh, Hòa Trung, Gung Ré và Đinh Lạc) đạt tiêu chí xã NTM. Tất cả 18 xã đã tổ chức phát động xây dựng “xã văn hóa NTM” và đến nay đã có 5 xã đã được công nhận “xã văn hóa NTM”. 
 
Trong 5 năm triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, huyện Di Linh đã đào tạo nghề cho trên 12.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động nông thôn trong toàn huyện được đào tạo nghề lên gần 30%. Bằng các hình thức học nghề tại các trường, trung tâm và cơ sở dạy nghề; vừa làm, vừa học nghề tại các cơ sở, doanh nghiệp…, các ngành nghề được đào tạo chủ yếu là đan lát (mây tre, lục bình), thêu tay, móc len, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, kỹ thuật thâm canh cà phê, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, chế biến gỗ, chế biến chè, may công nghiệp… và các ngành, nghề khác theo nhu cầu của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Từ chương trình này đã giúp cho người lao động tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và làm chuyển dịch dần cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế của huyện theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Triển khai Chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS, huyện Di Linh đã giao cho 1.921 hộ dân sinh sống gần rừng (trong đó, có 1.742 hộ đồng bào DTTS) nhận 54.271 ha rừng và 9 tập thể nhận trên 3.600 ha rừng để quản lý, bảo vệ. Kinh phí chi trả QLBVR trên địa bàn huyện gần 20 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức giao cho cộng đồng dân cư DTTS (196 hộ) ở thôn Kala Tơnggu (xã Bảo Thuận) 500 ha rừng để QLBV và hưởng lợi từ rừng, với mức giao khoán quản lý, bảo vệ từ nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 200 triệu đồng/năm… Nhờ các giải pháp này, hàng năm, người dân sống gần rừng có thêm nguồn thu nhập bình quân 10 triệu đồng/ 1 hộ; góp phần đáng kể để giảm nghèo, ổn định và nâng dần đời sống; từng bước hạn chế tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Triển khai Chương trình phát triển thị trấn Di Linh đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV và xây dựng xã Hòa Ninh trở thành thị trấn, trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện Di Linh đã xây dựng và triển khai kế hoạch, lộ trình phát triển. Nhờ vậy, đến nay, thị trấn Di Linh đã đạt một số tiêu chí của đô thị loại IV và xã Hòa Ninh đã đạt một số tiêu chí của đô thị loại V. Tuy nhiên, mục tiêu của Chương trình đặt ra vẫn chưa hoàn thành, vì 2 đơn vị này vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt. 
 
Với Chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao, trong 5 năm qua, huyện Di Linh không phát triển thêm diện tích mà chỉ khuyến khích nông dân áp dụng các giải pháp thâm canh, tăng năng suất để tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích cà phê. Trong đó, giải pháp tái canh cà phê được xem là tối ưu. Đến nay, toàn huyện đã tái canh được 16.964 ha, chiếm gần 40% diện tích cà phê hiện có. Những diện tích tái canh đều được thay thế bằng những giống cao sản đầu dòng đã được chọn lọc, như: TS1, TS2, TR4, TR6, TR9, TR11… Để nâng cao chất lượng và giá trị cà phê, huyện Di Linh đã triển khai sản xuất cà phê “bền vững” theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified. Hiện nay, diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certified trong toàn huyện có khoảng 11.000 ha. Ngoài cà phê, trong thời gian qua, huyện Di Linh còn có các giải pháp để tăng diện tích, nâng cao năng suất và giá trị các loại cây trồng khác, như chè, lúa, bắp, cây ăn quả, dâu tằm, rau, hoa, hồ tiêu, mắc ca… và áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng các giống mới, năng suất cao. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hình thành 175 trang trại; củng cố và xây dựng một số hợp tác xã, tổ hợp tác và các tổ chức liên kết sản xuất. Các loại hình tổ chức này đã góp phần thúc đẩy đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.  
 
Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ cũng đã đem lại những kết quả đáng kể, góp phần làm khởi sắc “bộ mặt” đô thị và vùng nông thôn.
 
Những công trình trọng điểm
 
Cùng với 7 chương trình trọng tâm nói trên, trong giai đoạn 2011 - 2015, huyện Di Linh cũng đã triển khai những công trình trọng điểm nhằm tạo điểm “nhấn”, thể hiện sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong số những công trình trọng điểm đã đề ra, huyện Di Linh đã hoàn thành và đưa vào hoạt động Chợ Trung tâm Di Linh, công trình Thủy điện Đồng Nai II, Khu liên hợp thể thao (hạng mục Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã đưa vào hoạt động và hiện đang tiếp tục xây dựng thêm một số hạng mục khác). Theo ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh: “Hai công trình trọng điểm chưa triển khai là hồ cảnh quan Gung Ré (theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ, công trình này phải ngưng triển khai để bảo tồn cánh đồng sản xuất lúa nước) và tuyến đường liên xã Gia Bắc - Sơn Điền - Gia Bắc (do chưa được cấp kinh phí). Cụm Công nghiệp Tân Châu cũng là một trong số những công trình trọng điểm kêu gọi và thu hút đầu tư, nhưng trong quá trình triển khai, Cụm Công nghiệp này không có tính khả thi, nên huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi, hủy bỏ và thay vào đó là hình thành Cụm Công nghiệp Tam Bố. Huyện đã hoàn thành thủ tục và hiện đang kêu gọi, thu hút đầu tư vào Cụm Công nghiệp này”. 
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Di Linh tiếp tục triển khai các chương trình trọng tâm và những công trình trọng điểm. Các chương trình trọng tâm bao gồm: Chương trình phát triển giao thông, thủy lợi; Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; Chương trình phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với chế biến sau thu hoạch; Chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS; Chương trình tiếp tục phát triển thị trấn Di Linh đáp ứng tiêu chí đô thị loại IV và xây dựng xã Hòa Ninh đạt tiêu chí đô thị loại V. Những công trình trọng điểm bao gồm: Đường vành đai thị trấn Di Linh; các  tuyến đường liên xã: Liên Đầm - Hòa Trung, Tân Lâm - Đinh Trang Hòa, Liên Đầm - Tân Châu - Tân Thượng; các công trình thủy lợi: Đập Đạ Le (Tam Bố), đập Đạ Sar (Sơn Điền), hồ Tân Nghĩa, nâng cấp  hồ Đông và hồ Tây Di Linh; xây dựng Nhà Văn hóa Thiếu nhi và Nhà thi đấu đa năng.
 
XUÂN LONG