Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Huoai khi chăm lo công tác xây dựng Đảng

09:10, 27/10/2016

(LĐ online) - 30 năm trước, huyện Đạ Huoai ngày nay cùng với  các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên được tách ra từ huyện kinh tế mới Đạ Huoai, cơ sở vật chất nghèo nàn và thiếu thốn, kinh tế kém phát triển. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gần đây, vùng đất "cửa ngõ" của tỉnh Lâm Đồng, "thủ phủ" sầu riêng mới được khẳng định thương hiệu đã vươn lên thoát nghèo và đang tính chuyện làm giàu từ tiềm năng, thế mạnh có nhiều lợi thế so sánh...

(LĐ online) - 30 năm trước, huyện Đạ Huoai ngày nay cùng với  các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên được tách ra từ huyện kinh tế mới Đạ Huoai, cơ sở vật chất nghèo nàn và thiếu thốn, kinh tế kém phát triển. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gần đây, vùng đất “cửa ngõ” của tỉnh Lâm Đồng, “thủ phủ” sầu riêng mới được khẳng định thương hiệu đã vươn lên thoát nghèo và đang tính chuyện làm giàu từ tiềm năng, thế mạnh có nhiều lợi thế so sánh. Không chỉ kinh tế phát triển, sự nghiệp “trồng người” nơi đây cũng gặt hái nhiều thành công bởi đã huyện và ngành đã thực sự quan tâm tới công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng trong nhà trường. 
 
Chủ tịch Công đoàn ngành (thứ nhất từ trái qua) trao đổi công viêc chuyên môn với Ban Giám hiệu trường tiểu học chuẩn quốc gia Mađaguôi
Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục huyện (ngồi thứ tư từ trái qua) trao đổi công viêc chuyên môn với Ban Giám hiệu Trường tiểu học Trần Quốc Toản thị trấn Mađaguôi

 
* TỪ 38 ĐẢNG VIÊN NHẢY VỌT LÊN 285 NGƯỜI, ĐẠT TỶ LỆ 41,6%
 
Trước ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), chúng tôi về Đạ Huoai, được Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyễn Văn Trinh cho biết: Hiện nay, ngành có 30 trường học các cấp trực thuộc. Trong đó, có 12 trường Mầm non, 10 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở (1 trường cấp 1+2). Những năm gần đây, ngành tiếp tục đạt những thành tích nổi bật trên các lĩnh vực xã hội hóa giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp cảnh quan, môi trường sư phạm, huy động và duy trì sĩ số học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà ổn định, chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng, chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ. Năm học 2015-2016, công tác huy động, duy trì sĩ số học sinh ổn định, đạt 98,98%. Hoàn thành việc duy trì và nâng cao chất lượng các chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Về chất lượng đại trà được ghi nhận: lên lớp thẳng bậc tiểu học tăng 0,19% so với cùng kỳ, hoàn thành bậc tiểu học 100%, hoàn thành chương trình bậc trung học cơ sở đạt 99,79% (tăng 0,39% so với cùng kỳ năm học trước). Toàn ngành đã hưởng ứng, triển khai thực hiện một cách đồng bộ các phong trào thi đua thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học. Có nhiều tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp khen thưởng. Tiêu biểu như trường Mầm non Đa Oai, tiểu học Trần Quốc Toản, tiểu học Thị trấn Đạm Ri, trung học cơ sở xã Mađaguôi... Phòng giáo dục hoàn thành vượt mức, đạt loại xuất sắc 17/17 lĩnh vực công tác, dẫn đầu cụm thi đua số 3. Đội ngũ cán bộ, viên chức tận tụy, yêu nghề, có ý thức tự học, tự rèn phấn đấu vươn lên thành Chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi các cấp, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao hơn mặt bằng chung theo quy định. Cũng năm học qua, ngành tư vấn và định hướng  nghề nghiệp cho 521 học sinh, phối hợp tổ chức dạy nghề cho 319 học sinh lớp 8 và 9, kết quả thi nghề đạt 100%. Tham gia Hội thi KHKT cấp tỉnh đạt 1 giải nhì và giải khuyến khích toàn đoàn; có 4 sản phẩm tham gia hội thi vận dụng kiến thức liên môn, 4 sản phẩm tham gia hội thi dạy học theo chủ đề tích hợp cấp tỉnh. Tổ chức tốt cuộc thi tiếng Anh, giải Toán qua mạng internet vòng huyện có 178 giải, tham gia vòng tỉnh có 39 học sinh đạt giải…
 
Để chứng minh thêm, thầy Nguyễn Sĩ Hùng – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đánh giá: Nét nổi bật là các tổ chức Công đoàn cơ sở đã phối hợp với nhà trường triển khai sâu rộng kế hoạch, nội dung, tiêu chí thi đua, khen thưởng. Phát động các phong trào thi đua và các cuộc vận động: “Xây dựng trường học thân thiện”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nâng cao đời sống văn hóa của nhà giáo và người lao động”… gắn với chào mừng các ngày lễ lớn trong năm, nhiệm vụ năm học. Công đoàn cơ sở cũng xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá thi đua và cụ thể hóa nội dung thi đua trở thành nhiệm vụ thường xuyên; duy trì và phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Do vậy, phong trào thi đua “Hai tốt” tiếp tục được đẩy mạnh. Cán bộ, nhà giáo có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp, đăng ký giờ dạy tốt. Việc phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được giáo viên các trường chủ động tiến hành có hiệu quả, chất lượng giáo dục toàn diện nâng lên, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức hoạt động giáo dục trong nhà trường, dạy học tích hợp, sử dụng có hiệu quả sách và đồ dùng, thiết bị dạy học, tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường thân thiện, thu hút học sinh. Phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích được chú trọng, đầu năm học 2015-2016 có 303 đề tài được đăng ký và có 261 đề tài sáng kiến kinh nghiệm hữu ích được triển khai, có 76 đề tài được công nhận tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 49 đề tài Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở được Hội đồng khoa học huyện đánh giá. Kết thúc năm học vừa qua, UBND tỉnh công nhận 2 chiến sĩ thi đua giai đoạn 2012-2015, 5 tập thể Lao động xuất sắc; tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 11 cá nhân. UBND huyện công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho 21 tập thể, 42 Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 409 Lao động tiên tiến; tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 15 cá nhân. 
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Bước sang năm học 2016-2017, ngành giáo dục Đạ Huoai tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng, tạo điều kiện để các đoàn thể trong nhà trường hoạt động; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhằm tổ chức tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công cuộc đổi mới, phát triển giáo dục đào tạo; triển khai đồng bộ nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCHTW (khóa VIII).
 
Học trò trường tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Mađaguôi trong giờ rèn luyên thân thể để học tập tốt)
Học trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản thị trấn Mađaguôi (trong giờ rèn luyện thân thể để học tập tốt)

 
Xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, huyện Đạ Huoai có 20% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 3/10 xã, thị trấn thụ hưởng Chương trình 135, Chương trình 30a của Chính phủ. Từ vùng đất nghèo khó nhưng ở Đạ Huoai không nghèo “con chữ”, vậy nguyên nhân nào để đạt được thành quả trên? Trưởng phòng cũng là Bí thư Chi bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện trầm tư rồi khẳng định: Nguyên nhân khách quan là sự quan tâm sâu sát, cụ thể của Huyện ủy, thế nhưng yếu tố chủ quan là qua 17 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học” đã thổi “luồng gió” mới, tràn trề sinh khí vào các tổ chức cơ sở Đảng trong các trường học. Vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên được phát huy và thể hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
 
Trước năm 1998, nhìn chung tình hình giáo dục của huyện tuy đã được quan tâm đầu tư, từng bước hình thành và phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường chưa được kiên cố hóa, một số nơi chưa có đủ điều kiện để thành lập trường, lớp. Vì vậy, điều kiện học tập, đi lại của một bộ phận học sinh còn trắc trở, đặc biệt là con em các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ đạt chuẩn của đội ngũ giáo viên vẫn thấp, một số đơn vị trường chưa có đảng viên, tỷ lệ đảng viên trong nhà trường rất thấp. Giai đoạn này, toàn ngành có 350 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 2 tổ chức cơ sở đảng (Chi bộ cơ sở Phòng Giáo dục và Chi bộ  cơ sở trường cấp 2+3), 3 Chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, thị trấn, tổng số đảng viên chỉ 38 đồng chí. Từ nhiều trường có ít đảng viên và có trường không có nhưng đến cuối năm 2013 đã giới thiệu gần 500 cán bộ, giáo viên, nhân viên đi học lớp cảm tình Đảng, kết nạp 239 đảng viên mới. Toàn ngành có 2 chi bộ cơ sở với 24 Chi bộ trực thuộc, 277 đảng viên, chiếm 37,6%. So với năm 1998, tăng 21 Chi bộ, tỷ lệ đảng viên tăng lên gần 27%. Có được kết quả này là do Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cấp ủy cơ sở các xã, thị trấn điều chuyển đảng viên đến các trường ít hoặc chưa có đảng viên để đủ điều kiện thành lập tổ đảng, thực hiện công tác phát triển đảng viên mới. Trong thời gian tiếp theo, các cấp ủy cơ sở và ngành đề ra nhiều biện pháp tích cực phát triển thêm đảng viên mới, hình thành các tổ đảng ở các trường học và nâng cấp thành chi bộ trực thuộc Đảng ủy. Hầu hết các chi bộ, tổ đảng thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Tập trung lãnh đạo công tác chính trị tư tưởng, thường xuyên coi trọng công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ, tổ đảng gắn với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng của các tổ chức quần chúng trong trường học. Duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ hằng tháng, xây dựng quy chế hoạt động, có sự  trao đổi thống nhất giữa Bí thư Chi bộ với Ban Giám hiệu và Chủ tịch Công đoàn nhà trường về những chủ trương, nhiệm vụ của đơn vị. Từ đó, Chi bộ ra nghị quyết về những vấn đề lớn, quan trọng để tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị. Các Chi bộ trường học tổ chức cho đảng viên, cán bộ, công nhân viên tham gia học tập đầy đủ đường lối, chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Chăm lo xây dựng, định hướng nội dung hoạt động cho Công đoàn nhà trường, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong. Thực hiện tốt việc quản lý và phân công công tác cho đảng viên, quan tâm đến công tác quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên; có mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy cấp trên trực tiếp và cấp ủy địa phương nơi đảng viên cư trú. Nhiều Chi bộ trường học trở thành nòng cốt tham mưu lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tạo nguồn phát triển đảng viên mới cho các Đảng ủy cơ sở.
 
Theo đánh giá kết quả xếp loại hằng năm số Chi bộ đạt TSVM trên 90%, còn lại hoàn thành nhiệm vụ, không có chi bộ, tổ đảng yếu kém. Năm 2013 có 25/26 tổ chức Đảng TSVM, 1 tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ; có 45 đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (16,3%), 228 đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ (82,3%), 4 đảng viên hoàn thành nhiệm vụ (1,4%), không có đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy những thành quả trên, đến năm học 2026-2017 hiện nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo Đạ Huoai có 685 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhưng đã có 285 đảng viên (chiếm tỷ lệ 41,6%). So với tình hình phát triển đảng trong ngành giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố trong tỉnh thì Đạ Huoai là một trong những “điểm sáng” của ngành giáo dục và đào tạo Lâm Đồng. Đến nay, 26 đơn vị trường học trong huyện đã có chi bộ cơ sở và chỉ còn 4 chi bộ ghép nguyên do các trường này tuy có tới 5 – 6 đảng viên và đủ điều kiện tách song vẫn ghép vì bên y tế chưa đủ đảng viên.
 
Chăm lo công tác phát triển đảng và chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng trong trường học đã tạo sức mạnh cho ngành giáo dục huyện Đạ Huoai góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
(Kỳ sau: Giữa rừng hoa đẹp)
 
Phóng sự điều tra: NGUYỄN THANH ĐẠM