Tiềm năng kinh tế biển Việt Nam, truyền tải thông điệp "hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển"

09:10, 19/10/2016

(LĐ online) - Thông qua những vấn đề của Biển, đảo chúng ta đang ngày càng cho thế giới thấy rằng "Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới".

(LĐ online) - Thông qua những vấn đề của Biển, đảo chúng ta đang ngày càng cho thế giới thấy rằng “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.
 
Trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Biển Việt Nam sẽ được mãi mãi lưu truyền trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam - Nhờ có Biển chúng ta có Đường Hồ Chí Minh trên biển - Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần làm thất bại về căn bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy trên chiến trường miền Nam, cùng quân và dân miền Nam đánh thắng Chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh”; Biển trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
 
Ngày nay, với vùng biển rộng trên 1 triệu km², bờ biển dài trên 3.260 km, trung bình khoảng 100 km² đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỉ lệ của thế giới). Về mặt hành chính, chúng ta có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, là nơi tập trung 6/11 di sản thế giới (cả vật thể và phi vật thể). Chúng ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ với diện tích khoảng 1.700 km²; đặc biệt có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, 90 cảng biển lớn, nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển. Ven biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn, trữ lượng hải sản khoảng 3 triệu - 3,5 triệu tấn và hơn 6 vạn héc-ta ruộng muối biển. Biển Việt Nam còn là môi trường sống của 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, hơn 2.000 loài cá, 230 loài tôm biển... Gần đây, chúng ta đã phát hiện các sa khoáng (nguyên tố quý hiếm như titan, ziacon và xeri) ở vùng bờ Nam Trung Bộ với trữ lượng lớn có thể đứng đầu thế giới; một số mỏ cát dưới đáy biển ở Quảng Ninh và Hải Phòng với trữ lượng khoảng trên 100 tỉ tấn, đặc biệt là Biển nước ta có tiềm năng băng cháy (một hợp chất rắn, được hình thành từ sự kết hợp giữa chất khí methane, ethane, propane… và nước ở điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp) đây được xác định là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai, một loại hình tài nguyên mới của thế giới với trữ lượng rất lớn,... Do đó, chúng ta có điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế biển quan trọng như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản, khai thác tài nguyên khoáng sản. 
 
Theo ước tính hiện nay, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển nước ta bình quân đạt 47% - 48% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu ngành thuỷ sản nước ta đạt trên 4,2 tỉ USD, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động đánh cá trực tiếp, nuôi thủy sản và 50 vạn lao động dịch vụ liên quan. Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải và du lịch biển. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chúng ta có sự tăng trưởng đáng kể và thay đổi rõ rệt về ngành nghề; công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được quan tâm tốt hơn. Một số hải đảo đã có bước phát triển mới, hiện nay ở những đảo có điều kiện phát triển đều có dân cư. Quốc phòng an ninh trên biển được bảo đảm. Chúng ta đã đàm phán giải quyết phân định ranh giới về biển giữa nước ta với một số nước có biển trong khu vực, các lực lượng an ninh đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo vệ chủ quyền trên biển, ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia của người dân được nâng lên. 
 
Mặc dù có tiềm năng vô cùng to lớn của Biển, song chúng ta đang phải đứng trước những thách thức lớn về chủ quyền biển, đảo, đòi hỏi những ứng xử quyết đoán và hợp lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức gay gắt về tài nguyên và môi trường biển, về sự suy giảm các nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái biển, về ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đất nước ta sẽ trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo như tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ IV (khóa X), đó là: Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. 
 
Đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Đồng thời phải bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; cũng như môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trên tinh thần Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Nghĩa là thông qua Biển, chúng ta sẽ cho thế giới thấy rằng “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi, cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.
 
Vương Tôn Kiên