Những điều tâm huyết của Bác Hồ trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"

02:10, 24/10/2016

(LĐ online) - Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" được Bác Hồ viết vào tháng 10/1947. Nhiều vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về xây dựng Đảng được đề cập trong tác phẩm quan trọng này.

(LĐ online) - Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác Hồ viết vào tháng 10/1947. Nhiều vấn đề có tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về xây dựng Đảng được đề cập trong tác phẩm quan trọng này.
 
Sinh thời, Bác Hồ luôn luôn tin tưởng ở nhân dân, đánh giá đúng vai trò của lực lượng nhân dân, đặt niềm tin vào nhân dân. Người cho rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Chúng ta phải ghi tạc cái điều chân lý này: Dân ta rất tốt”; “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”; “có lực lượng nhân dân thì việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác quần chúng, đã huy động được sức mạnh to lớn của nhân dân làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược và công cuộc đổi mới hôm nay.
 
Để Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, theo Bác phải xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, luôn phấn đấu vì nhân dân. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác viết: “Đảng không phải là tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Bác nhắc nhở mỗi đảng viên phải luôn nêu cao đạo đức cách mạng: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc. Không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Nhận thấy một số đảng viên thường mắc bệnh quan liêu, bệnh ba hoa, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, Bác thẳng thắn phê bình: “tự cao tự đại, ham địa vị, ưa người ta tâng bốc mình, ngợi khen mình”; “chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ chứ không ham công việc thiết thực”. Trên cơ sở nắm bắt tình hình, Bác nghiêm khắc cảnh cáo những người mắc bệnh “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”. Và Bác kết luận: “Những bệnh tật đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không thi hành triệt để”. Vận dụng và phát triển những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng vô sản kiểu mới do Lê nin đề ra, Bác nêu các nguyên tắc chủ yếu, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Theo Bác, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi; làm cho các tổ chức đảng luôn trong sạch, vững mạnh; để tăng cường đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng; để các tổ chức Đảng và đảng viên luôn luôn hoàn thiện mình, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Tổ quốc và nhân dân giao cho. Trong “Sửa đổi lối làm việc”, Bác phân tích sâu vấn đề tự phê bình và phê bình, coi đây là phương thức có hiệu quả nhất trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi đảng viên: Bác diễn đạt một cách dễ hiểu nhưng thật sâu sắc: “Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như giấu bệnh, không dám uống thuốc để đến nỗi bệnh mỗi ngày càng nặng, không chết cũng “la lết quả dưa”, hoặc “nơi nào sai lầm thì tập thể sửa chữa. Kiên quyết chống thói nể nang, che giấu, chống thói “trước mặt thì nể kể lể sau lưng”. Theo Bác, phê bình cũng phải đúng phương pháp, “phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thực. Mục đích là cốt sửa chữa chứ không phải để công kích, cốt giúp nhau để tiến bộ chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”. Bác thừa hiểu không phải ai cũng hiểu hết mục đích của tự phê bình và phê bình, thậm chí có người lảng tránh, vì thế Bác cũng mô tả chân dung những người sợ phê bình và chỉ trích: “sự mất oai tín của mình, không dám tự phê bình, lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của Đảng và của Chính phủ thì địch sẽ lợi dụng và công kích ta. Nói như vậy là lầm to”. Bác cho rằng, Đảng và Chính phủ cũng có sai lầm, khuyết điểm nhưng vấn đề chính là phải thẳng thắn vạch ra sai lầm, khuyết điểm, công khai nhận sai lầm, khuyết điểm mà sửa chữa. “Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình và tự sửa chữa, để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ, đảng viên”. Bác cảnh báo: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
 
Nói đến phương pháp lãnh đạo, Bác chỉ rõ: “Một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối quan hệ giữa ta và quần chúng. Nghĩa là phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của “những người không quan trọng” phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia việc gì cũng từ trên xuống dưới, từ nay việc gì cũng phải từ dưới nhoi lên”. “Không được xa rời dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc, cô độc thì nhất định thất bại”. Và, Bác khái quát: “Mỗi một khẩu hiệu, mỗi một chính sách của chúng ta phải đưa vào ý kiến và kinh nghiệm của quần chúng, phải nghe theo nguyện vọng của quần chúng”.
 
Gần 70 năm đã trôi qua, mỗi lần đọc lại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, chúng ta càng nhận rõ hơn tầm tư tưởng lớn của Người. Trong lúc Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền mới được 2 năm lại phải tập trung chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, song Bác đã sớm nhận thấy những khuyết điểm, thiếu sót về phương pháp cũng như lề lối làm việc nên đã viết tác phẩm này để cảnh báo và uốn nắn. Tác phẩm ấy vẫn còn nguyên giá trị, nhất là tình hình hiện nay đang phát sinh những vấn đề phức tạp mà Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã chỉ rõ. Tác phẩm ấy sẽ mãi mãi tỏa sáng và dẫn dắt chúng ta vững bước trên con đường đổi mới, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
 
Khuất Minh Phương