Thấu hiểu và làm theo tư tưởng dân vận khéo của Bác

11:10, 13/10/2016

(LĐ online) - Cách đây 67 năm, Báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949 đã đăng bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo đã đề cập và giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng và trở thành cẩm nang về công tác dân vận của các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên. 

(LĐ online) - Cách đây 67 năm, Báo Sự Thật số ra ngày 15/10/1949 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo đã đề cập và giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia cách mạng và trở thành cẩm nang về công tác dân vận của các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên. 
 
Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Và Bác đã nhắc lại bốn vấn đề cốt tử: Nước ta là nước dân chủ; dân vận là gì?; ai phụ trách dân vận? dân vận phải thế nào? Đó là những nguyên lý cơ bản nhất trong công tác dân vận của Đảng.
 
Trong phần I, Bác nêu:“Nước ta là nước dân chủ”, “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.    
 
Phần II, “Dân vận là gì?”, Bác đã chỉ ra 4 bước nhất thiết phải làm trong công tác Dân vận, đó là: (1) Phải tìm mọi cách giải thích cho người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. (2) Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân thi hành. (3) Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. (4) Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng.
 
Ở phần III, “Ai phụ trách dân vận?”, Theo Bác: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân… đều phải phụ trách dân vận”; phải “cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu” và “đi sát với dân, thiết thực bày vẽ cho dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, ủ phân, làm cỏ”.
 
Cuối bài báo, Người kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 
 
30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, theo tư tưởng dân vận khéo của Hồ Chí Minh, công tác dân vận tiếp tục phát huy tác dụng và đạt được những thành quả to lớn, thiết thực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thời cuộc, tác động của mặt trái kinh tế thị trường, cùng với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, công tác dân vận nhiều nơi, nhiều lúc không đáp ứng được nhu cầu; tình trạng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không đến được với nhân dân một cách đầy đủ; cán bộ không hiểu, không nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân; tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội ở một số nơi nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, yếu kém,…Có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó nguyên nhân rất quan trọng là do công tác dân vận yếu kém. Đúng như lời Bác Hồ nói ”Dân vận kém thì việc gì cũng kém”. 
 
Thấu hiểu và làm theo  quan điểm, tư tưởng “Dân vận khéo” của Bác trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
 
Trước hết, cán bộ đứng đầu các cấp, ngành, đoàn thể phải quán triệt và thấm nhuần sâu sắc quan điểm, tư tưởng “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối dân vận của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; thực sự coi trọng và tiến hành công tác dân vận bài bản, cụ thể và phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị; không để tình trạng xảy ra "điểm nóng" về chính trị, xã hội; cử cán bộ có năng lực, có tâm huyết làm công tác dân vận và tạo điều kiên thuận lợi cho họ hoạt động.  
 
Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tiến hành công tác dân vận. Tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy đảng ở cơ sở phải đề ra chủ trương, biện pháp cụ thể trong từng thời gian nhất định, giao trách nhiệm dân vận cho từng cán bộ, đảng viên; lãnh đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng tiến hành công tác dân vận một cách nhịp nhàng, đồng bộ; thử nghiệm xây dựng các mô hình “dân vận khéo”, tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình...
 
Ba là, có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Đảng, Ban dân vận các cấp với chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình triển khai tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như việc giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa nhân dân với chính quyền. Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức về phương pháp “Dân vận khéo”; xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, tinh thần phục vụ nhân dân vô điều kiện…
 
Bốn là, muốn làm tốt công tác dân vận phải kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, bởi nó đã xói mòn dần niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Nếu để tình trạng tham ô, tham nhũng xảy ra như hiện nay thì khó mà thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân. Như Bác Hồ vẫn thường nói, muốn nhân dân nghe theo, cán bộ phải làm gương cho nhân dân. 
 
Năm là, thực sự coi trọng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, đảm bảo chế độ chính sách thỏa đáng để họ có điều kiện bám sát cơ sở, gần dân, hiểu dân, học dân... Có thể nói, cốt lõi thành công trong công tác dân vận là ở người cán bộ làm công tác dân vận. Người cán bộ dân vận cần nhận thức đúng về vai trò của công tác dân vận, tự nguyện, tâm huyết với công việc; gần gũi, gắn bó, đồng cảm với người dân; có trình độ nhất, sự hiểu biết rộng, nhạy cảm về chính trị và khả năng ứng xử các tình huống diễn ra trong thực tế…để giải thích cho nhân dân hiểu rõ vấn đề một cách thấu tình đạt lý. 
 
 Thời gian trôi qua nhưng quan điểm, tư tưởng và sự chỉ dẫn cụ thể của Bác về“Dân vận khéo” vẫn còn nguyên giá trị. Bởi để phát triển kinh tế - xã hội thì cần  phải có sự đồng thuận xã hội, mà muốn có sự đồng thuận xã hội thì phải coi trọng công tác dân vận. Từ đó, đòi hỏi các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên cần phải luôn luôn thấu hiểu lời dạy của Bác: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, từ đó cố gắng làm tốt hơn chức trách của mình.
 
Linh Nhân