Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời phù hợp xu thế thời đại

08:10, 05/10/2016

Tự học và học suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và chính Người là tấm gương sáng ngời để mọi người noi theo. Người chỉ rõ: "Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học hỏi ở nhân dân", "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời". 

Tự học và học suốt đời là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục và chính Người là tấm gương sáng ngời để mọi người noi theo. Người chỉ rõ: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học hỏi ở nhân dân”, “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. 
 
Một giờ Dạy và học tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch. Ảnh: VĂN BÁU
Một giờ Dạy và học tại Trường Tiểu học Phan Như Thạch. Ảnh: VĂN BÁU
 
UNESCO khuyến nghị: “Học để biết, học để làm; học để cùng chung sống; học để tự khẳng định mình”; “Cả bốn con đường kiến thức trên là một thể thống nhất, bởi vì có rất nhiều mối quan hệ liên hệ và tác động giữa chúng với nhau”. 
 
Học để biết là nắm những công cụ để hiểu; học để làm là phải có những khả năng hoạt động sáng tạo tác động vào môi trường sống của mình; học để cùng chung sống là tham gia và hợp tác với những người khác trong mọi hoạt động. Chính sự học đã giúp người ta tự tin, tự khẳng định mình, để làm người một cách đúng nghĩa. Đồng thời, việc học tập suốt đời sẽ góp phần tạo ra sự bình đẳng cho mọi người, làm cho mọi người đều có cơ hội học tập phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mình. 
 
Thực tế cho thấy, học vấn ở nhà trường chỉ trang bị những kiến thức rất cơ bản, không thể đáp ứng được tất cả mọi vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Trong khi đó, tri thức nhân loại có khối lượng khổng lồ, luôn luôn phát triển và không ngừng đổi mới. Do đó, những kiến thức, kỹ năng và tay nghề mà người học tiếp thu được trong nhà trường (kiến thức ban đầu) sẽ trở nên lỗi thời, nếu không thường xuyên, liên tục được đào tạo, tự đào tạo và tự học thì không thể đáp ứng, thích ứng với thực tiễn mới.
 
Có thể nói, tư tưởng học tập suốt đời của Hồ Chí Minh bắt gặp xu thế của thời đại khi mô hình xã hội học tập là một trong những đặc điểm và yêu cầu tất yếu của mỗi quốc gia trong nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu. Trong đó, toát lên 4 vấn đề cốt yếu là: Tại sao phải học suốt đời; ai cũng phải học; học cái gì, học như thế nào và học để làm gì?
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sở dĩ phải học suốt đời, bởi “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” (1); từ đó Bác khuyến khích, động viên và kêu gọi ai cũng phải học “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học” (2). Người nói: “anh em sẽ còn phải học nữa, học mãi khi ra làm việc” và “ai cũng phải học”; đây là luận điểm hết sức quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Vì vậy, sau khi đất nước vừa giành được độc lập, Người đã kêu gọi chống nạn mù chữ, chống nạn thất học; từ trẻ đến già, dù là đàn ông hay đàn bà, dù làm công việc gì thì ai cũng phải đi học; người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ nhằm mục đích “đồng bào ai cũng có học”. 
 
Học suốt đời là học cái gì? Theo Bác, là học những điều cơ bản, thiết thực, phù hợp với trình độ, hoàn cảnh, nhu cầu, công việc của từng người và cộng đồng; học đi đôi với hành, với xây dựng nếp sống văn hoá… Người rất chú trọng nội dung học của từng đối tượng, đối với người mù chữ thì học để biết chữ, biết đọc, biết viết; người đã thoát nạn mù chữ thì phải tiếp tục học để nâng cao trình độ văn hóa. 
 
Bác cũng chỉ rõ việc học của từng đối tượng một cách thiết thực. Đối với học sinh tiểu học thì học yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động, yêu khoa học, coi trọng của công; học sinh trung học thì học những tri thức phổ thông “chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà”, bỏ những phần không cần thiết; với sinh viên thì “kết hợp lý luận với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn kết hợp với thực tiễn nước nhà...”. Từ đó, giúp học sinh biết phân biệt phải trái, đúng sai để ủng hộ cái đúng, chống lại những gì trái với quyền lợi của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, trái với khoa học, trái với đạo đức… Đối với người lớn, cần học những gì phù hợp với  trình độ, việc làm và nhu cầu của từng người; chẳng hạn như: Cán bộ công đoàn phải học khoa học, còn người quản lý xí nghiệp thì học quản lý xí nghiệp; cán bộ văn hóa thì học nghệ thuật, nghiệp vụ, văn hóa…  
 
Để đáp ứng nhu cầu, yêu cầu học tập của các đối tượng, Nhà nước phải có một chương trình nhằm nâng cao thêm trình độ văn hoá phổ thông cho đồng bào, “tiến lên bước nữa bằng cách dạy cho đồng bào thường thức vệ sinh để dân bớt ốm đau, thường thức khoa học để dân bớt mê tín nhảm, bốn phép tính để làm ăn ngăn nắp, lịch sử và địa dư (vắn tắt bằng thơ hoặc ca) để nâng cao lòng yêu nước, đạo đức công dân để thành người công dân đứng đắn” (3)
 
Theo Bác, “học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, do đó cần quan tâm đến phương pháp học tập, trong đó đặc biệt phải coi trọng phương pháp tự học, “lấy tự học làm cốt”. Và chính Bác đã tự mình nêu một tấm gương mẫu mực về tự học và học suốt đời; Người tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi, “học trong đời sống của mình,... học ở giai cấp công nhân”, kể cả khi đã trở thành người  lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, để làm chủ được tri thức, làm phong phú sự hiểu biết của mình và có đủ trí tuệ lãnh đạo đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 
 
Về luận điểm “học để làm gì” được Hồ Chí Minh lý giải một cách đơn giản, cụ thể, thiết thực và hiển nhiên mà ai cũng hiểu được, làm theo được; đó là, học để biết phải trái, nhận rõ bạn thù, học để làm việc, để làm người, để phụng sự nhân dân.  Đối với học sinh, Người khuyên phải học để sau này làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà; học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh. 
 
Với công dân Việt Nam, Người chỉ rõ “dốt thì dại, dại thì hèn” và nếu “vì không chịu dại, không chịu hèn nên thanh toán mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng”. Đồng thời, Bác nhắc nhở công dân nước Việt Nam độc lập ai cũng “phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Với công nhân, Người phân tích “máy móc ngày một thêm tinh xảo... công nhân cũng phải có trình độ kỹ thuật rất cao không kém gì kỹ sư, phải biết tính toán nhiều”. Với nông dân, Người chỉ rõ: “Trước kia ruộng là của địa chủ, nông dân cứ cúi đầu làm lụng, gặt bao nhiêu thì nộp cho địa chủ hết, nên không cần văn hóa mà cũng không thể mong có văn hóa được. Bây giờ khác, nông dân có ruộng đất, lại có tổ đổi công cho nên nông dân phải có văn hóa, phải ghi tổ có mấy người, phải biết chia công chấm điểm”. Đối với cán bộ, Người chỉ rõ học là “để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” và học để hành. Người cảnh báo “không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau” (4). Từ đó, Người đưa ra luận điểm hết sức thuyết phục là phải học, học suốt đời. 
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời là di sản vô giá, tạo động cơ thôi thúc mọi người, mọi đối tượng đều ham học và học suốt đời. Tư tưởng của Bác về học suốt đời hết sức phù hợp với khuyến cáo của UNESCO ngày nay về 4 trụ cột của giáo dục là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người”. Tư tưởng, tấm gương của Bác về học tập suốt đời không chỉ có sức thuyết phục, thức tỉnh, động viên đối với các đối tượng khác nhau, mà còn là tư tưởng chỉ đạo, là khâu then chốt để cải cách giáo dục, là nội dung cốt lõi xây dựng xã hội học tập mà Nghị quyết XII đã đề ra. 
 
(1) HCM toàn tập, tập 4, tr.161, NXB CTQG, H.2000 
(2) HCM toàn tập, tập 12, tr.92, NXB CTQG, H.2000 
(3) HCM toàn tập, tập 5, tr.489, NXB CTQG, H.2000 
(4) HCM toàn tập, tập 10, tr.465, NXB CTQG, H.2000
 
VĂN NHÂN