Vấn đề then chốt của ngành tổ chức xây dựng Đảng

01:10, 12/10/2016

(LĐ online) - 8 tháng sau ngày thành lập Đảng, từ ngày 14/10 đến cuối tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời đã họp và thông qua Điều lệ Đảng, ghi rõ việc lập ra các bộ, trong đó có Bộ Tổ chức - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay. Ngày đó sau này được chọn làm Ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

(LĐ online) - 8 tháng sau ngày thành lập Đảng, từ ngày 14/10 đến cuối tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lâm thời đã họp và thông qua Điều lệ Đảng, ghi rõ việc lập ra các bộ, trong đó có Bộ Tổ chức - tiền thân của Ban Tổ chức Trung ương ngày nay. Ngày đó sau này được chọn làm Ngày truyền thống của ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
 
Hơn 85 năm qua kể từ ngày 14 tháng 10 năm 1930 Bộ Tổ chức ra đời, bộ máy của ngành Tổ chức xây dựng Đảng từ chỗ gọn nhẹ đã từng bước phát triển thành một ngành quan trọng, với một hệ thống nhiệm vụ ngày càng phức tạp, cùng một đội ngũ cán bộ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện, thử thách trong thực tiễn…đã góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Đảng nói chung và xây đắp truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức xây dựng Đảng nói riêng. Điều đó không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đặc biệt là đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, công tác tổ chức xây dựng Đảng đã bộc lộ những bất cập, thậm chí có cả những khuyết điểm, yếu kém, chưa đáp ứng kịp thời nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ mới. Từ đó, đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
 
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh: Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức là nhiệm vụ rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức là một trong những thành tố hạt nhân. Một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiệm vụ thứ nhất là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII). Từ đó đặt ra nhiệm vụ ngày càng to lớn và nặng nề đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng. 
 
Thực tiễn cho thấy, mỗi thời kỳ cách mạng công tác xây dựng Đảng đều có những thuận lợi và khó khăn. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới, trong đó khó khăn lớn nhất là làm thế nào để tham mưu cho Đảng xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong các khó khăn, thách thức đặt ra, thì khó khăn, thách thức lớn nhất là làm sao hoạch định, thiết kế được khung phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp và mở rộng hơn là nguồn nhân lực, nhân tài của đất nước và vấn đề đánh giá chính xác cán bộ để làm căn cứ cho việc sử dụng, phát huy đúng những người có đức, có tài thực sự. 
 
Có thể nói, chừng nào chúng ta chưa hoạch định, thiết kế được khung phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thì chúng ta vẫn chưa khắc phục được hạn chế trong đánh giá cán bộ và theo đó vẫn chưa thể sử dụng, phát huy đúng những người có đức, có tài. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ để góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động làm cho công tác tổ chức, cán bộ thực sự trở thành “nhiệm vụ then chốt của then chốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh. 
 
Vấn đề đặt ra lúc này là công tác tổ chức - cán bộ phải có tầm dự báo và tham mưu cho Đảng hoạch định chính xác chiến lược xây dựng và sử dụng nguồn nhân lực, nhân tài của đất nước không chỉ đáp ứng nhiệm vụ trước mắt mà cả tầm nhìn phát triển lâu dài của đất nước. Để làm được điều đó, thiết nghĩ trong bề bộn công việc, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần tập giải đáp được hai vấn có tính then chốt, đó là:
 
Thứ nhất, công tác tổ chức phải hoạch định, thiết kế được khung phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Có thể ví người cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ phải lập được “bản đồ” nhân lực, nhân tài giống như cán bộ ngành địa chất lập bản đồ tài nguyên, khoáng sản. Hoạch định đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải trên cơ sở chiến lược phát triển của đất nước, của các ngành, các cấp để dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực, đề ra các bước tiến hành nhằm đảm bảo có đủ số lượng, cơ cấu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, những kỹ năng cần thiết…đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đồng thời với hoạch định, cần thiết kế được khung phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, làm căn cứ cho việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, tuyển dụng, đánh giá, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ…Làm tốt việc hoạch định, thiết kế khung phẩm chất, năng lực sẽ khắc phục tình trạng thiếu hụt, bị động, bất cập về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tình trạng cảm tính, cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm trong đánh giá, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, không sử dụng đúng những người thực sự có đức có tài.
 
Thứ hai, phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ, một công việc hệ trọng, nhạy cảm và khó vì liên quan đến vệnh mệnh chính trị, đến việc bổ nhiệm, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ. Thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả đánh giá cán bộ phụ thuộc vào chủ quan của người đánh giá, cụ thể là các cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nhất là người đứng đầu trên cơ sở tham mưu của cơ quan, cán bộ làm công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, cán bộ được đánh giá tốt hay hay chưa tốt phụ thuộc chủ yếu vào phẩm chất, năng lực của người đánh giá, tham mưu, vào mối quan hệ giữa người đánh giá và người được đánh giá; do đó dễ dẫn đến nguy cơ không đúng, không chính xác vì sự thiên vị, cảm tính, nặng cảm tình, thậm chí có cả lợi ích nhóm. Từ đó, dẫn đến tình trạng một số kẻ xu nịnh, cơ hội, vô liêm sỉ lại luôn tìm mọi cách nịnh bợ, lấy lòng, kể cả mua chuộc…để được cấp trên “trọng dụng”, còn những cán bộ có năng lực, tính tự trọng cao, họ không tìm cách gần gũi, xu nịnh cấp trên lại không được trọng dụng, thậm chí còn bị trù úm...
 
Hai nhiệm vụ trên đây có mối quan hệ biện chứng với nhau, làm tốt công tác hoạch định, thiết kế được khung phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, sẽ là căn cứ cho việc đánh giá, tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách chính xác. 
 
Nhiệm vụ của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay hết sức nặng nề, nhưng với bản bản lĩnh, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức và truyền thống vẻ vang của mình, ngành Tổ chức xây dựng Đảng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt “nhiệm vụ then chốt của then chốt”.
                                                                 
BAN BIÊN TẬP