Hoạt động Đoàn ĐBQH tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

09:11, 21/11/2016

Tham dự tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tham gia phát biểu, góp ý tại Hội trường xoay quanh các vấn đê tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017...

(LĐ online) - Tham dự tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tham gia phát biểu, góp ý tại Hội trường xoay quanh các vấn đê tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017;  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015…
 
Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.   
 
ĐBQH Đoàn Văn Việt - tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội trường
ĐBQH Đoàn Văn Việt - tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội trường
Đồng chí Đoàn Văn Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tham gia phát biểu; tập trung vào một số nội dung chủ yếu và kiến nghị như sau: 
 
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với sự điều hành của Chính phủ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương và hệ thống chính trị các tỉnh, thành phố, ngành nông nghiệp của đất nước đã có sự chuyển biến đáng kể, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng những sản phẩm có giá trị, mở rộng quy mô sản xuất hàng hoá; nhiều mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp được hình thành và phát huy hiệu quả. 
 
Trước những tác động bất lợi về thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… nhưng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu vượt qua và có bước phát triển ổn định, thương hiệu nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định tại thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra và do nhiều nguyên nhân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại như: triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành chưa đồng bộ, đồng đều ở các lĩnh vực, địa phương; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao; gắn kết giữa xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu còn hạn chế …
 
Đối với khu vực Tây Nguyên, là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước, sản xuất hàng hóa nông nghiệp đứng thứ 2 cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long) thông qua quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu, chăn nuôi đại gia súc có sự chuyển biến mạnh mẽ từ khâu giống đến quy trình sản xuất, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng của các thị trường tiêu thụ. Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo (nhất là hộ đồng bào DTTS); góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, ổn định đời sống, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy. 
 
Tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua với phương châm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lấy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm tiền đề để thực hiện tái cơ cấu đã tập trung rà soát, hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, dần hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp. 
 
Đổi mới quan hệ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là khâu giống cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm tài nguyên nước. Tập trung thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm thông qua việc áp dụng các bộ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và thế giới.
 
Xây dựng đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, triển khai xây dựng chiến lược về phát triển thương hiệu nông sản Lâm Đồng (đang phối hợp với Tổ chức JICA Nhật Bản thực hiện, dự kiến đến giữa năm 2017 hoàn thành). Phối hợp với các địa phương là thị trường tiêu thụ chính (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ,...) và các doanh nghiệp lớn để xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản.
 
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới, tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, bổ sung một số cơ chế, chính sách sau:
 
1. Cần xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ trong chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ cần nghiên cứu để có những chính sách mạnh mẽ hơn trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo Nghị định 210/2013 của Chính phủ.
 
2. Ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học là điều kiện quan trọng đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và đây cũng chính là sự khác biệt.
 
 Lâm Đồng hiện có 16% diện tích ứng dụng công nghệ cao, nhưng giá trị sản xuất trên diện tích này lại chiếm đến 30% trong  ngành nông nghiệp của Lâm Đồng và thu nhập bình quân lên đến 145 triệu/ha (bình quân 78 triệu/ha của cả nước), trong đó, trồng rau thu nhập 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, trồng hoa thu 800 triệu tới 1 tỷ/ha/năm.
 
3. Ngoài việc chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, của chính quyền các địa phương, cần sớm có cơ chế, chính sách và lộ trình cụ thể để hỗ trợ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; 
 
Xây dựng liện kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa doanh nghiệp với hộ dân, giữa các hộ dân với nhau hoặc giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản.
 
4. Liên quan đến chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Đây là chủ trương đúng đắn và quyết liệt của Chính phủ, tuy nhiên để triển khai chủ trương trên một cách có hiệu quả tạo điều kiện cho các địa phương, các nhà đầu tư có bước chuẩn bị để giảm những thiệt hại trong đầu tư cũng như giải quyết những vấn đề bức xúc đặt ra của địa phương như giải quyết thiếu đất cho người đồng bào dân tộc thiểu số, triển khai các dự án đường giao thông, các công trình thủy điện chuẩn bị tích nước vận hành, các dự án đã triển khai theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
 
5. Nghiên cứu các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của các tổ chức tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp hơn, nhất là ưu tiên cho chương trình khởi nghiệp trong nông nghiệp, đồng thời cần có cơ chế chính sách đối với bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp. 
 
Nghiên cứu chấp nhận hệ thống nhà lưới, nhà kính hiện đại của nông dân, doanh nghiệp là tài sản thế chấp trong vay vốn để phát triển sản xuất (vì hệ thống này là khoản đầu tư rất lớn của người nông dân và doanh nghiệp).
 
6. Xây dựng cơ chế gắn kết giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp để cung cấp một cách kịp thời và hiệu quả về các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức để nông dân và doanh nghiệp biết và chủ động tham gia thị trường. 
 
Nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn trong việc nhập nguồn cây giống mới, kiểm dịch thực vật, giống ngoài invitro khi xuất khẩu; xuất khẩu nông sản tươi (rau) qua thị trường một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
 
7. Do điều kiện hạn hán thường xảy ra do biến đổi khí hậu, giảm diện tích rừng, hệ thống hồ đập xuống cấp… nên cần quan tâm đến đầu tư hạ tầng thủy lợi cho các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, tăng nguồn vốn cho đầu tư nâng cấp hồ đập, có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc làm hồ đập, thủy lợi nhỏ, có chính sách tín dụng trong vay vốn để thay đổi công nghệ tưới tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun...
 
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển - tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015
* Trước đó, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015. 
 
ĐBQH Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Lâm Đồng đã tham gia góp ý, tập trung  đề nghị bổ sung, thay đổi một số Điều cụ thể như sau:
 
- Tại khoản 1 Điều 9: Nhất trí bổ sung nội dung phân loại “Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện”. Tuy nhiên, đề nghị viết gọn lại, và chỉ cần bổ sung cụm từ “do cá nhân hoặc do pháp nhân thương mại thực hiện” vào trước cụm từ “được phân thành bốn loại sau đây”, cụ thể:
 
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm do cá nhân hoặc do pháp nhân thương mại thực hiện được phân thành bốn loại sau đây:
 
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm;
 
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm đến 7 năm tù;
 
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm đến 15 năm tù;
 
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
 
- Tại khoản 2 Điều 12: Đề nghị sửa theo hướng kế thừa quan điểm của Bộ luật Hình sự 1999 là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tại khoản 2 Điều 12 đã liệt kê cụ thể. 
 
- Tại điểm d và điểm đ khoản 2 và khoản 3 Điều 14:
 
+ Nhất trí như Dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm đ khoản 2. 
 
+ Về khoản 3 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung, đối chiếu với khoản 3 của Điều 14 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 thì không có sự khác nhau, đề nghị xem lại.
 
- Tại khoản 2 Điều 14 (sửa đổi) quy định: 
 
“Người chuẩn bị phạm một trong các tội sau đây thì phải chịu trách nhiệm hình sự:
 
b)…Điều 134, các khoản 3 và 4 (tội cố ý gây thương tích…).
 
c)…Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản)”. 
 
Tuy nhiên, tại khoản 3 và 4 Điều 134 (dự thảo); khoản 3 và 4 Điều 169 đều có yếu tố định lượng là tình tiết định khung, cụ thể như:
 
Khoản 3 Điều 134: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp…
 
Khoản 4 Điều 134: a) Làm chết 2 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. 
 
Khoản 3 Điều 169: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.
 
Khoản 4 Điều 169: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của 2 người trở lên mà tỷ lệ của mỗi người 46% trở lên; d) Làm chết người.
 
Nếu mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì chưa thể có tỷ lệ tổn thương cơ thể, chưa tính được trị giá tài sản chiếm đoạt và như vậy cũng chưa có căn cứ để xác định đã phạm vào khoản 3 hay khoản 4 các Điều này. Do đó, quy định phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là không có tính khả thi.
 
- Tại khoản 4 Điều 17: Viết không rõ, vì khoản 3 của Điều 17 đã nêu: “Người đồng phạm…  tham gia thực hiện tội phạm với vai trò là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục hoặc người giúp sức”. Vậy thế nào là hành vi vượt quá của người thực hành?  Do vậy, có ý kiến đề nghị sửa khoản 4 của Điều 17 như sau:
 
“4. Người đồng phạm với vai trò là người tổ chức không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.
 
- Tại khoản 4 Điều 29: Đề nghị bổ sung cụm từ “ các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình” vào trước cụm từ “điều tra, truy tố hoặc xét xử,”, cụ thể:
 
"4. Pháp nhân thương mại phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.”
 
- Tại Điều 35: về “Phạt tiền”. 
 
Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định: Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào số tiền phạt Tòa án tuyên. Có thể cứ 1 ngày tạm giữ hoặc tạm giam được trừ số tiền bằng 3 ngày lương tối thiểu. 
 
Bởi vì, khi người thực hiện hành vi phạm tội bị tạm giữ, tạm giam để điều tra, sau đó Tòa án xét xử tuyên hình phạt tiền đối với người phạm tội thì thời gian tạm giữ, tạm giam không được tính làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Trong khi đó, đối với hình phạt cải tạo không giam giữ thì Bộ luật quy định thời gian tạm giữ, tạm giam được được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. 
 
- Tại khoản 3 Điều 54: Có ý kiến cho rằng cụm từ “ dưới mức” không rõ dưới mức thấp nhất là bao nhiêu, đề nghị bỏ cụm từ dưới mức.
 
- Tại Điều 134 (sửa đổi):
 
Có ý kiến cho rằng quy định tại điểm b khoản 1 sử dụng tên loại hóa chất cụ thể là a-xít sunfuric là không cần thiết, không phải đặc trưng cho hóa chất vì nhiều loại khác cũng rất nguy hiểm. Đề nghị sửa lại, gọi chung là các hóa chất nguy hiểm.
 
Đề nghị bỏ khoản 5 vì khoản 3, 4 Điều này bắt buộc phải có yếu tố định lượng về tỷ lệ tổn thương cơ thể mới có căn cứ xử lý hình sự; ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội không thể gây thương tích được, do đó không thể chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn này.
 
- Tại Điều 167: về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân”:
 
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu tách Điều này thành 3 tội là tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; tội xâm phạm quyền tiếp cận thông tin và tội xâm phạm quyền biểu tình của công dân vì đây là 3 lĩnh vực riêng biệt, hành vi khách quan của tội phạm và hậu quả của tội phạm không đồng nhất nhau.
 
- Tại Điều 175: Về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
 
Đây là loại tội phạm xảy ra rất phổ biến trong những năm gần đây, nhưng thực tế việc xử lý hình sự đối với loại tội này rất ít, vì Điều 140 BLHS hiện hành có nhiều bất cập, quy định một số tình tiết định tội rất khó chứng minh trong thực tiễn, gây khó khăn rất nhiều cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. 
 
BLHS 2015 đã sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng hơn trong việc chứng minh hành vi phạm tội. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc, bất cập sẽ gặp phải khi áp dụng vào thực tiễn, cụ thể:
 
Tại điểm a khoản 1 quy định tình tiết “dùng thủ đoạn gian dối” vẫn chưa thực sự tháo gỡ khó khăn trong việc chứng minh tội phạm, vì thực tế rất nhiều trường hợp đối tượng vay, mượn nhưng không “dùng thủ đoạn gian dối” gì cả mà vẫn chiếm đoạt, tiêu xài hết thì cũng sẽ không xử lý trách nhiệm hình sự được. Hoặc tình tiết “mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”, đây cũng là tình tiết tạo điều kiện cho đối tượng lợi dụng “lách luật”, gây khó khăn trong công tác xử lý tội phạm; vì khi chủ tài sản làm đơn tố cáo thì đối tượng đã không còn tài sản gì và thực tế phần lớn là đã tẩu tán tài sản cho người thân đứng tên. 
 
Về góc độ pháp lý ở đây nảy sinh 2 vấn đề: thứ nhất, nếu đối tượng có điều kiện, khả năng, nhưng không chứng minh được là “cố tình” thì sẽ không xử lý hình sự được, mà “cố tình” nằm trong ý thức, bộc lộ như thế nào thì xác định là “cố tình”; thứ hai, nếu chứng minh được đối tượng cố tình không trả, nhưng lại không còn điều kiện, khả năng thì cũng sẽ sẽ không xử lý hình sự được.
 
Tại điểm b khoản 1 quy định tình tiết “đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp” vẫn chưa đảm bảo tính khả thi, vì Bộ luật chưa giải thích hoặc quy định cụ thể thế nào là sử dụng vào mục đích bất hợp pháp; việc này sẽ dẫn đến các cách hiểu khác nhau và tiếp tục gây tranh cãi giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Vì vậy, đề nghị gộp các điểm a, b lại và chỉ quy định như sau: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng, đến thời hạn phải trả lại tài sản nhưng không trả lại tài sản đó”. Quy định như vậy nhằm xác định cho mọi người phải ý thức về trách nhiệm, hậu quả pháp lý ngay khi thực hiện việc vay, mượn, thuê, nhận tài sản.
 
- Tại Điều 190: về “tội sản xuất, buôn bán hàng cấm”. 
 
+ Tại điểm b khoản 1: Thống nhất theo phương án 2, cần quy định cụ thể định lượng hàng cấm để tránh phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời đề nghị sửa cụm từ “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài” thành “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu” cho đúng nghĩa và thống nhất với cách dùng từ ở các điều khoản phía sau.
 
+ Tại điểm e khoản 2: Thống nhất theo phương án 2, đề nghị sửa cụm từ “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.001 bao đến 4.500 bao” thành “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ trên 3.000 bao đến 4.500 bao” cho đảm bảo chặt chẽ về mặt định lượng.
 
+ Tại điểm b khoản 3: Thống nhất theo phương án 2, đề nghị sửa cụm từ “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu 4.501 bao trở lên” thành “Hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ trên 4.500 bao trở lên”.
 
- Tại Điều 191: về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
 
+ Tại điểm b khoản 1: Thống nhất theo phương án 2, cần quy định cụ thể định lượng hàng cấm để tránh phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thi hành.
 
+ Tại điểm e khoản 2: Thống nhất theo phương án 2, đề nghị sửa cụm số “3.001” thành “trên 3.000”.
 
+ Tại điểm b khoản 3: Thống nhất theo phương án 2, đề nghị sửa cụm số “4.501” thành “từ trên 4.500”.
 
- Tại Điều 220: về “Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều này chỉ quy định hành vi quản lý việc đầu tư và quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công mà không quy định hành vi sử dụng vốn đầu tư công, nên việc sử dụng từ “và” tại tên điều luật là không phù hợp, dẫn đến cách hiểu tên gọi của điều luật thì quy định hành vi phạm tội sử dụng vốn đầu tư công, nhưng trong nội dung điều luật lại không điều chỉnh hành vi này. 
 
- Tại Điều 229 về “Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai”: 
 
Có ý kiến cho rằng quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm a khoản 3 là chưa phân hóa đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
 
Có ý kiến đề nghị bỏ hình phạt cải tạo không giam giữ tại khoản 1, tăng mức hình phạt tù tại khoản 2, 3 và cho rằng, đây thực chất là hành vi biến tướng của hành vi tham nhũng.
 
- Tại Điều 235 về “Tội gây ô nhiễm môi trường”. 
 
Có ý kiến đề nghị thống nhất quan điểm xử lý tội phạm về môi trường cần căn cứ vào mức độ thiệt hại đối với môi trường do hành vi đó gây ra như gây suy giảm hoặc hủy hoại chất lượng môi trường sống, không truy cứu những hành vi vi phạm về quản lý bảo vệ môi trường chung chung, đồng thời cần phân ra hành vi cố ý và hành vi vô ý. 
 
Có ý kiến đề nghị sửa điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3, bỏ cụm từ “hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy” vì chỉ cần quy định chôn lấp, đổ thải ra môi trường chất thải nguy hại đã bao gồm cả chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm.
 
Có ý kiến đề nghị sửa khoản 3, bổ sung thêm hành vi xả nước thải được thực hiện với việc xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống hoặc đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng.
 
-  Tại Điều 243: về tội hủy hoại rừng.
 
Điểm đ khoản 1 quy định: “Gây thiệt hại về lâm sản trị giá từ trên 30.000.000 đồng đến dưới 60.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên; từ trên 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng đối với rừng sản xuất là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu”.
 
Như vậy, BLHS 2015 mới chỉ quy định tính giá trị thiệt hại lâm sản bằng tiền trong trường hợp rừng bị thiệt hại không tính được bằng diện tích rừng bị đốt, bị phá hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng không tập trung mà phân tán, rải rác trong cùng một tiểu khu hoặc nhiều tiểu khu đối với loại rừng sản xuất; chưa quy định giá trị thiệt hại lâm sản bằng tiền trong trường hợp hủy hoại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà không tính được bằng diện tích hoặc hủy hoại phân tán, rải rác. Đây là thiếu sót rất nghiêm trọng, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này.
 
- Tại Điều 260: về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.  
 
Đề nghị sửa lại tên tội danh cho phù hợp với nội dung điều luật,  nên giữ nguyên tên điều luật như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 vì như vậy mới rõ ràng, phù hợp. 
 
Kết cấu tại Điều này chưa hợp lý, hình phạt không thống nhất từ thấp đến cao, giữa cấu thành tội phạm và cấu thành định khung trùng nhau. Đề nghị xây dựng lại kết cấu của Điều này cho phù hợp, quy định khung hình phạt từ thấp đến cao.
 
Bùi Gia Quân
Đoàn ĐBQH tỉnh