Học viện Lục quân: Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

08:11, 16/11/2016

Trong những năm qua, Học viện Lục quân luôn tích cực, chủ động vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Ðảng, chỉ thị của Bộ Quốc phòng vào quá trình xây dựng quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân đội trong tình hình mới...

Trong những năm qua, Học viện Lục quân luôn tích cực, chủ động vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Ðảng, chỉ thị của Bộ Quốc phòng vào quá trình xây dựng quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân đội trong tình hình mới. Từ đó, chất lượng đào tạo của Học viện ngày càng được nâng cao.
 
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, Học viện Lục quân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung đổi mới nội dung chương trình, quy trình, tổ chức và phương pháp đào tạo.
 
Thiếu tướng Hoàng Văn Minh trao bằng Tiến sĩ cho các sỹ quan Quân đội Hoàng gia Campuchia. Ảnh: H.Túc
Thiếu tướng Hoàng Văn Minh trao bằng Tiến sĩ cho các sỹ quan Quân đội Hoàng gia Campuchia. Ảnh: H.Túc
Gắn nhà trường với chiến trường
 
Theo Đại tá, Tiến sỹ Trương Nho Tuấn - Phó trưởng Phòng Đào tạo (Học viện Lục quân), trước yêu cầu đào tạo cán bộ quân đội trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần củng cố nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân và xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Học viện Lục quân đã từng bước hoàn thiện nội dung, chương trình, quy trình tổ chức và phương pháp đào tạo. Trước hết, tập trung biên soạn lại hệ thống tài liệu, giáo trình, xây dựng hệ thống tưởng định phù hợp với phương thức và điều kiện tác chiến mới; kịp thời bổ sung giảng dạy một số môn học, thực hiện yêu cầu toàn diện và chuyên sâu theo mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ. Học viện kiên quyết cắt giảm những nội dung trùng lặp, không thiết thực, cập nhật và đưa vào giảng dạy những nội dung mới phù hợp với thực tiễn tình hình hoạt động quân sự trên thế giới và sự phát triển nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 
 
Thực hiện “ba không” trong giáo dục - đào tạo, Học viện quyết liệt thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, kiểm tra, làm luận văn tốt nghiệp, đánh giá khách quan kết quả đào tạo, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực, tạo môi trường sư phạm lành mạnh, kích thích người học phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo. 

Trong đào tạo, thực hiện phương châm gắn nhà trường với chiến trường, huấn luyện sát thực tiễn, Học viện đã tổ chức diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên 1 cấp, 1 bên 2 cấp cho học viên, nội dung diễn tập sát với địa bàn tác chiến; đồng thời đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào luyện tập, diễn tập, nhằm nâng cao năng lực tổ chức, phương pháp, tác phong chỉ huy cho học viên. Nội dung đào tạo được xây dựng theo phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu” không trùng lặp giữa các khối kiến thức, các cấp đào tạo; giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian tự học, tự nghiên cứu của học viên; tổ chức học tập ngoại khóa, hướng dẫn cho học viên nghiên cứu những nội dung bổ trợ để phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của người học.

Về quy trình đào tạo, nếu như giai đoạn trước năm 1991, thực hiện bổ túc kết hợp với đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu binh chủng hợp thành cấp trung đoàn, mục tiêu đào tạo theo học vấn là chủ yếu và thời gian đào tạo 2 hoặc 3 năm. Học viên ra trường có trình độ học vấn quân sự cao cấp, có thể đảm nhiệm chức vụ cán bộ chỉ huy cấp trung, sư đoàn, chủ nhiệm binh chủng, ngành. Giai đoạn từ 1992 - 2001, thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu binh chủng hợp thành cấp trung đoàn, mục tiêu đào tạo theo chức vụ, học vấn bậc đại học và thời gian đào tạo 2 năm (không tính thời gian 1 năm học đại học đại cương). Từ 2002 đến nay, thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu binh chủng hợp thành cấp trung, sư đoàn; mục tiêu đào tạo theo chức vụ ban đầu là chủ yếu, trình độ bậc đại học; thời gian đào tạo 2 năm (không tính thời gian 6 tháng học đại học đại cương). 
 
Với quy trình đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, năm thứ nhất học chiến thuật cấp trung đoàn, các năm tiếp theo học chiến thuật cấp sư đoàn và chiến dịch; mục tiêu đào tạo chủ yếu theo chức vụ và trình độ học vấn tương ứng. Chương trình đào tạo của các đối tượng đào tạo 2 năm được xây dựng theo các khối kiến thức với tỷ lệ thời gian có giảng viên và học viên tự học là 50/50; kiến thức khoa học xã hội nhân văn chiếm 29,25%, kiến thức các môn cơ sở ngành - chuyên ngành chiếm 67,75% và dự trữ 3%. Đối với đối tượng đào tạo 1 năm, kiến thức khoa học xã hội nhân văn chiếm 22,98%, kiến thức cơ sở ngành - chuyên ngành chiếm 74,47% và dự trữ 2,25%. Đối tượng đào tạo cấp sư đoàn bộ binh 1 năm được thiết kế với kiến thức khoa học xã hội nhân văn chiếm 24,1%, kiến thức cơ sở ngành - chuyên ngành chiếm 69% và thi, dự trữ 6,9%...
 
Trang bị kiến thức toàn diện hơn
 
Cũng theo Tiến sỹ Trương Nho Tuấn, xuất phát từ yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo trong quân đội những năm gần đây, Học viện đã tập trung nghiên cứu, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình cho phù hợp với các đối tượng đào tạo. Từ năm 2011 đến nay, Học viện đã xây dựng, bổ sung, điều chỉnh 6 chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy - tham mưu cho học viên quốc tế, 10 chương trình đào tạo ngắn hạn và hoàn thiện cán bộ chỉ huy - tham mưu, được Bộ Tổng Tham mưu đánh giá cao, nghiệm thu và đưa vào thực hiện. Từ mục tiêu đào tạo theo chức vụ, Học viện đã đổi mới chương trình đào tạo theo hướng trang bị kiến thức toàn diện hơn, tăng cường trang bị kiến thức pháp luật, quản lý nhà nước, kinh tế, đối ngoại quân sự, công nghệ thông tin, ngoại ngữ… Đổi mới nội dung đánh giá kết quả học tập, kiểm tra thường xuyên, thi tốt nghiệp, thi cuối khóa, giảm luận văn lý luận và tăng luận văn thực hành.
 
Đặc biệt, Học viện đã tích cực đẩy mạnh đổi mới tổ chức, phương pháp đào tạo, tăng cường vận dụng phương pháp dạy, học tích cực; đổi mới phương pháp luyện tập, diễn tập sử dụng phần mềm công nghệ 2D, 3D; thực hiện báo cáo quyết tâm, giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, chỉ thị bảo đảm và xử lý tình huống trên sa bàn; tổ chức diễn tập chỉ huy - cơ quan 1 bên 2 cấp trên bản đồ và thực địa cho học viên cuối khóa… 
 
Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, quy trình đào tạo tại Học viện Lục quân có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong quân đội, hướng đến đào tạo đội ngũ cán bộ vừa có đủ thời gian, điều kiện tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, vừa có thời lượng cần thiết để học tập nâng cao, hoàn thiện về lý luận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng trong tình hình mới.
 
LÊ HỮU TÚC