Hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội và thách thức

04:11, 29/11/2016

(LĐ online) - Nghị quyết số 06-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ban hành. Nghị quyết là một định hướng tầm nhìn, giúp nhận rõ thời cơ và thách thức để hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

(LĐ online) - Nghị quyết số 06-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa được ban hành. Nghị quyết là một định hướng tầm nhìn, giúp nhận rõ thời cơ và thách thức để hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
 
Trong thời đại ngày nay, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế đã và đang là xu thế của hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hoá, các nước giàu luôn có những lợi thế vượt trội, còn các nước nghèo có nền kinh tế yếu kém dễ bị thua thiệt, thường phải trả giá đắt nếu không có chủ trương đúng đắn, phương pháp linh hoạt, sáng tạo. Đứng trước xu thế phát triển tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể khước từ, mà phải chủ động hội nhập mới khai thác được những nội lực sẵn có của mình, đồng thời tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường quốc tế rộng lớn để tạo ra những thuận lợi trong phát triển kinh tế.
 
Chính vì vậy, Đại hội lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đã đề ra đường lối chiến lược: “Thực hiện đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại”. Đến Nghị quyết TW4 khóa VIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “giữ vững độc lập tự chủ, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài, xây dựng một nền kinh tế mới, hội nhập với khu vực và thế giới”. Đại hội Đảng lần thứ XII xác định: “Hội nhập kinh tế là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế”.
 
Mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đưa lại cơ hội và những lợi ích mà còn đặt nước ta trước nhiều thử thách. Nếu chúng ta không có biện pháp ứng phó tốt thì sự thua thiệt về kinh tế và xã hội có thể rất lớn. Ngược lại, nếu chúng ta có chiến lược, chính sách đúng đắn, khôn khéo thì sẽ hạn chế được thua thiệt, dành được lợi ích nhiều hơn cho đất nước.
 
Cơ hội của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế là: Góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng thu hút đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển chính thức (ODA); tạo điều kiện cho ta tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kinh doanh; duy trì hoà bình ổn định, tạo dựng môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 
 
Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đặt ra nhiều thách thức, đó là: Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn do cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, các thể chế thị trường, điều kiện về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực…vẫn còn tắc nghẽn ở một số khâu; Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa nước ngoài, bởi sự cạnh tranh gay gắt với các nước có trình độ phát triển cao hơn; trở thành bãi thải công nghệ, do các nước phát triển tìm cách chuyển giao công nghệ cũ, lạc hậu sang các nước đang phát triển; thu hút người tài gặp khó khăn do còn nhiều điều bất cập; tỷ lệ đói nghèo cao, chênh lệch thu nhập tăng lên; môi trường đang ngày càng xấu đi, ngày càng bị ô nhiễm; yêu cầu về gìn giữ độc lập – an ninh – chủ quyền và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đặt ra nhiều thách thức mới…
 
Thực trạng thời gian qua, nhất là từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng hơn, đạt được nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; đóng góp quan trọng vào việc mở rộng và đưa quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế có nơi, có lúc chưa được quán triệt kịp thời, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc; hội nhập kinh tế quốc tế còn bị tác động bởi cách tiếp cận phiến diện, ngắn hạn và cục bộ; hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hội nhập kinh tế quốc tế với hội nhập trong các lĩnh vực khác…
 
Để nắm bắt cơ hội, hạn chế cao nhất khó khăn, thách thức, nhằm đạt được mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế; đòi hỏi chúng ta cần nắm vững và quán triệt đầu đủ, nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo và 4 chủ trương, chính sách chung, 10 chủ trương, chính sách cụ thể đã nêu ra trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 06-NQ/TW), trong đó đặc biệt chú trọng một số vấn đề trọng tâm là:
 
(1) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
(2) Phải có mô hình tăng trưởng phù hợp, hài hòa với môi trường kinh doanh mới, với một chiến lược cạnh tranh và một lộ trình phát triển rõ ràng. Tập trung ưu tiên đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở nông thôn nhằm phát huy thế mạnh của nông nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập. 
 
(3) Phải đào tạo con người một cách toàn diện, từ đạo đức cho đến kỹ năng, kỹ thuật và ngoại ngữ, đảm bảo nhân sự đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tập trung cho khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ là một mũi đột phá trong phát triển kinh tế, đầu tư cho khoa học là hướng rút ngắn cho giai đoạn phát triển theo chiều sâu; phát triển công nghệ đi đôi với bảo vệ môi trường là một vấn đề thiết yếu cho sự phát triển bền vững.
 
(4) Hội nhập kinh tế quốc tế, phải trên cơ sở tăng cường quốc phòng, an ninh, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đặc biệt là xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Giữ vững và không ngừng phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tỉnh táo trước sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai, sự lai căng về văn hoá gây hậu quả xấu về tư tưởng đạo đức của các tầng lớp dân cư; bởi truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc và  bản sắc văn hóa dân tộc đóng vai trò nền tảng, là động lực đảm bảo hội nhập thành công. Nâng cao cảnh giác, nhận thức rõ âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế để tiến hành chiến lược "diễn biến hoà bình" “tự diễn biến” chống phá cách mạng nước ta. 
 
(5) Bản thân các doanh nghiệp, lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế, cần nhận thức rõ thời cơ, thách thức trong hội nhập; tìm kiếm cơ hội để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và có sức cạnh tranh hơn. Đồng thời, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế hợp lý, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ, tăng năng lực tài chính, cũng như có thêm cơ hội trang bị trang thiết bị, máy móc hiện đại…để rút dần khoảng cách về trình độ sản xuất với các nước trong khu vực. 
 
(6) Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; vai trò của các tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế.  Đặc biệt, với cơ chế thị trường tự do, người lao động rất dễ bị chèn ép, do vậy ta phải bảo vệ người lao động thông qua luật pháp và sức mạnh của tổ chức Liên đoàn lao động.    
 
Tỉnh Lâm Đồng quán triệt và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của hội nhập nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chủ trương hội nhập của Đảng, Nhà nước đạt được nhiều kết quả nổi bật; có sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Đến nay, đã có quan hệ với 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, 12 tổ chức quốc tế; thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 6 địa phương nước ngoài; thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn phi chính phủ trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế, lao động và dạy nghề, khoa học công nghệ; quan tâm hỗ trợ doanh nhân, trí thức kiều bào về đầu tư và làm việc tại tỉnh… góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đã cử 114 lượt CB, CC, VC đi làm việc, học tập tại nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời tiếp nhận 1.129 đoàn với 6.045 lượt người đến nghiên cứu, khảo sát và làm việc tại địa phương; tổ chức 101 hội nghị, hội thảo quốc tế, trong đó, có một số hội nghị hợp tác quan trọng như: Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Châu Á Thái Bình Dương về Thống kê Nông nghiệp; hội nghị “Nhóm tư vấn Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á” (AIPA Caucus 5) lần thứ 5…Các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế và nhân dân đã tạo môi trường thuận lợi để hội nhập quốc tế, huy động nguồn lực phát triển và nâng cao vị thế của tỉnh. Bộ máy và cán bộ làm công tác đối ngoại được củng cố, đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động về hội nhập quốc tế. Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh được thành lập, đã triển khai các nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp báo cáo các nhiệm vụ liên quan đến công tác hội nhập trên địa bàn tỉnh…
 
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, du lịch và sự đa dạng về văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 06 của BCH Trung ương khóa XII là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng khai thác, phát huy thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững. Điều đó, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng về hội nhập; xây dựng thể chế và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; rà soát lại các văn bản, quy định của Trung ương để ban hành tại địa phương phù hợp thực tiễn, đáp ứng theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn mới; triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động về hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 của Trung ương và của tỉnh; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Lâm Đồng khi tham gia sâu rộng vào Cộng động kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương… 
 
Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng đi lên từ nông nghiệp, trình độ phát triển chưa cao, hội nhập kinh tế quốc tế sẽ mở ra thời cơ, nhưng cũng phải đương đầu với thách thức lớn; từ đó cần phải tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về hội nhập quốc tế, nhất là lĩnh vực kinh tế. Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thỏa thuận quốc tế. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chủ động, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế...đảm bảo sự thành công. 
 
VĂN NHÂN