Vững chắc "nhịp cầu" nối Đảng với bà con

09:11, 15/11/2016

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các dân tộc anh em trên mảnh đất Nam Tây Nguyên đã hiến trọn sức mình trong các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các dân tộc anh em trên mảnh đất Nam Tây Nguyên đã hiến trọn sức mình trong các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Buôn làng ơn Đảng và Đảng luôn kề vai, sát cánh với sự “thay da đổi thịt” từng ngày của buôn làng. Mối tình ấy như càng thêm khăng khít bởi đội ngũ đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) - “nhịp cầu” nối giữa Đảng với bà con đang phát triển ngày càng lớn mạnh. 
 
Ngoài quan tâm phát triển đảng viên là người DTTS, lãnh đạo tỉnh còn đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống cho bà con. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trao đổi với người dân thôn 5, xã Rô Men (Đam Rông). Ảnh: N.Ngà
Ngoài quan tâm phát triển đảng viên là người DTTS, lãnh đạo tỉnh còn đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống cho bà con. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến trao đổi với người dân thôn 5,
xã Rô Men (Đam Rông). Ảnh: N.Ngà

Lâm Đồng là địa phương có khoảng 24% dân số là người DTTS, với 43 dân tộc anh em cùng chung sống. Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển đảng viên nói chung, công tác phát triển đảng viên là người DTTS càng được các cấp ủy Đảng chú trọng, quan tâm.
 
Phát triển đảng viên người DTTS vẫn còn khó khăn
 
Phát triển Đảng là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và có ý nghĩa thực tiễn mà đảng viên và tất cả các tổ chức cơ sở (TCCS) đảng đều chú tâm thực hiện. 
 
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu giúp việc về công tác tổ chức xây dựng Đảng, trong những năm qua, BTC Tỉnh ủy đã thường xuyên tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm đẩy mạnh hoạt động tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới nói chung và đảng viên mới là người DTTS nói riêng. Tập trung nâng cao nhận thức về vấn đề này cho các cấp ủy, tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên, coi đây là giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đảng viên và sức chiến đấu của TCCS đảng. Công tác này được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, khách quan. Tuy nhiên, khó khăn trong phát triển đảng viên là người DTTS hiện nay vẫn nằm ở trình độ văn hóa của bà con. Đặc biệt, là sự giác ngộ của chính bà con và chí hướng phấn đấu rèn luyện để đứng vào hàng ngũ của Đảng.
 
Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính đến ngày 30/9/2016, toàn Đảng bộ có 40.691 đảng viên, trong đó có 4.141 đảng viên là người DTTS, chiếm gần 10%. Từ năm 2010 - 2015, toàn Đảng bộ kết nạp được thêm 1.446 đảng viên là người DTTS. Tính đến hết tháng 10/2016, toàn Đảng bộ kết nạp mới 1.544 đảng viên, trong đó có 230 đảng viên là người DTTS chủ yếu là các dân tộc Cơ Ho, Mạ, Tày, Nùng…
Thực tế hiện nay nhiều bà con vùng đồng bào DTTS vẫn tồn tại suy nghĩ rằng “những người làm cán bộ mới cần vào Đảng”. Bên cạnh đó, nhận thức chưa đúng về mối quan hệ giữa Đảng và tôn giáo; một bộ phận khác có tư tưởng sống khép kín trong phạm vi dòng họ, buôn làng nên bà con vẫn còn ngại ngần. Quan trọng hơn là do đời sống còn nhiều khó khăn, bà con thường quan tâm nhiều tới việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hơn là tham gia các hoạt động chính trị, xã hội. Bởi thế, đa phần họ không quan tâm nhiều và cũng không mặn mà với việc phấn đấu trở thành đảng viên. 
 
Ghi nhận thêm từ Ban Tổ chức Huyện ủy Đức Trọng và Lạc Dương, hiện nay, hạn chế về mặt trình độ văn hóa cũng là một trong những khó khăn lớn cho việc kết nạp đảng viên người DTTS. Để làm tốt công tác này, thời gian qua, Trung ương đã có quy định riêng về trình độ học vấn cho người vào Đảng đang sinh sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và quy định cho người vào Đảng là già làng, trưởng bản, người thực sự có uy tín, đang sinh sống ở khu vực này. Tuy nhiên, việc không biết chữ, bỏ học giữa chừng, hay thất lạc bằng cấp… của nhiều người, trong đó có cả già làng, người uy tín, cũng dẫn tới việc đối tượng không đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ học vấn khi xét kết nạp Đảng.
 
Đề cập về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nhờ chú trọng quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS, nên tỷ lệ phát triển đảng viên là người DTTS của tỉnh trong 2 năm qua tăng lên vượt bậc, đạt cao so với các tỉnh Tây Nguyên. Để làm được điều đó, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo những vùng có đông đồng bào DTTS phải có bí thư hoặc chủ tịch UBND xã là người đồng bào DTTS; các địa phương phải có quy hoạch và sắp xếp, bó trí cán bộ người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS của địa phương đó. 
 
Có thể nói, những nỗ lực, sự quan tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã góp phần tạo được nhiều khởi sắc trong việc phát triển đảng viên là người DTTS. Tuy nhiên, sâu sát và hiệu quả nhất vẫn là sự linh động trong cách làm của các cấp ủy Đảng từ cơ sở. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các huyện Lạc Dương, Đức Trọng và Đam Rông là 3 địa phương làm tốt công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào DTTS.
 
Những nỗ lực từ cơ sở
 
Huyện Lạc Dương với đặc thù 73% dân số là người DTTS, nên trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển đảng viên người đồng bào DTTS”. Theo đó, trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng bộ kết nạp được 380 đảng viên, trong đó 109 đảng viên  người DTTS, chiếm 28,6%. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn Đảng bộ kết nạp được 82 đảng viên, trong đó 35 đảng viên người DTTS, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ lên 1.154 đảng viên, chiếm 4,5% dân số và tăng 349 đảng viên so với năm 2010. Đặc biệt, trong số 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện, có đến 4 xã có số đảng viên người DTTS chiếm trên 50%, gồm: Đạ Sar (77%), Đạ Nhim (58%), Đạ Chais (52%), Đưng K’ Nớ (70,5%).
 
Đồng chí Nguyễn Duy Hải - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương cho rằng: “Số lượng trên chưa cao so với tỷ lệ dân số là người DTTS ở huyện. Song đó cũng là một điểm khởi sắc đáng mừng trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở Lạc Dương. Hiện tại, ở tất cả các xã thuộc huyện đều có chủ tịch hoặc phó chủ tịch là người DTTS. Riêng xã Đạ Chais, bí thư và chủ tịch đều là người DTTS”. 
 
Theo thống kê từ Ban Tổ chức Huyện ủy Lạc Dương, 90% cán bộ chủ chốt tại các xã là người DTTS, 30% cán bộ cấp phòng và 2 ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là người DTTS. “Việc phát triển đảng viên là người DTTS hiệu quả và chất lượng hay không phụ thuộc vào chính hoạt động của chi bộ cơ sở và chính những đảng viên ở đó” - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương khẳng định.
 
Từ nghị quyết của Huyện ủy, từng địa phương trong huyện dựa vào đặc thù của mình để có hướng đi phù hợp. Đảng bộ xã Đạ Nhim (87% dân số là đồng bào DTTS) với hướng đi chú trọng phát triển đảng viên trẻ trong vùng đồng bào DTTS là một ví dụ.
 
Đồng chí Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Nhim khẳng định: “Muốn phát triển đảng viên trẻ nói chung và đảng viên trẻ là người đồng bào DTTS nói riêng, cần phát huy hết sức mạnh của Đoàn Thanh niên. Theo đó, Đảng ủy xã đã có sự chỉ đạo và hỗ trợ để Đoàn xã vào cuộc mạnh mẽ, từng bước đổi mới phương thức sinh hoạt để tăng cường khả năng thu hút thanh niên nhằm phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển Đảng”. 
 
Xác định tâm lý thanh niên muốn làm kinh tế, Đoàn xã Đạ Nhim đã tham mưu với Đảng ủy xã để có những chủ trương, chính sách hợp lý trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển sản xuất, có việc làm, thu nhập ổn định, từ đó tạo được niềm tin cho thanh niên đối với Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy xã Đạ Nhim cũng xác định, đội ngũ bí thư chi bộ là nòng cốt, góp phần quan trọng trong thực hiện công tác phát triển đảng viên. Và, việc quan tâm trẻ hóa bộ máy lãnh đạo tại các chi bộ thôn cũng đã góp phần tạo sinh khí mới, năng lượng mới cho các tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là khả năng “truyền lửa” để tạo nguồn kết nạp đảng viên.
 
Tính đến hết tháng 8/2016, Đạ Nhim đã kết nạp được 8 đảng viên, trong đó, có 7 đảng viên là người DTTS. Đến nay, xã đã cơ bản đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới, kết quả đó phần nhiều nhờ vào sức dân đã đồng lòng dưới sự gương mẫu của những “đầu tàu” là đảng viên.
 
Còn tại huyện Đức Trọng, đồng chí Phạm Thanh Quan - Bí thư Huyện ủy cho biết: “Đảng bộ huyện rất quyết liệt trong việc phát triển đảng viên là người DTTS. Bên cạnh việc ban hành chỉ thị về “tăng cường công tác phát triển đảng viên giữ các chức danh chủ chốt trong hệ thống chính trị, lực lượng cốt cán ở thôn, tổ dân phố”, Ban Thường vụ Huyện ủy còn dựa vào tỷ lệ người DTTS của từng xã để giao chỉ tiêu kết nạp cụ thể ở khu vực này”. 
 
 Trên cơ sở đó, nhiều cấp ủy chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ cơ sở thường xuyên rà soát, bổ sung quần chúng ưu tú là người DTTS vào danh sách tạo nguồn phát triển đảng viên. Tính đến tháng 10/2016, Đảng bộ huyện Đức Trọng kết nạp được hơn 900 đảng viên mới (hơn 240 đảng viên là người DTTS), nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện hiện có 4.078 đồng chí, trong đó có 494 người DTTS, chiếm 12,93%.
 
Trên địa bàn Đức Trọng có khu vực đặc thù gồm 5 xã vùng Loan, đây là khu vực vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ văn hóa thấp. Tuy nhiên, Đảng bộ huyện đã có nhiều biện pháp linh động để đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên là người DTTS. Đồng chí Hồ Đăng Thành - Bí thư Đảng ủy xã Đa Quyn nói: Đa Quyn hiện có 90% dân số là người DTTS. Tuy bà con ở vùng này trước đây chỉ học hết tiểu học, hoặc gần hết THCS, nhưng họ lại không lưu giữ các giấy tờ có thể chứng minh trình độ học vấn của mình. Với sự chỉ đạo, hướng dẫn của Huyện ủy, Đảng bộ xã đã trực tiếp tham gia vào việc xác minh lý lịch, chứng nhận trình độ học vấn để tạo điều kiện thuận lợi cho các quần chúng ưu tú khi xem xét kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, Đa Quyn cũng chú trọng vào việc phát triển đảng viên trẻ. Với các chính sách đầu tư cho giáo dục như hiện nay đa phần đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ học vấn. Đồng thời, cũng tạo điều kiện động viên con em cống hiến xây dựng phát triển quê hương. 
 
Đa Quyn hiện có hơn 70 đảng viên, trong đó gần 50 đảng viên là người DTTS. Đây cũng là xã đứng đầu trong toàn huyện về công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS.
 
Thực tế tại các xã vùng sâu, vùng xa trên cho thấy, khi số lượng đảng viên là người DTTS càng lớn thì việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con càng hiệu quả. Chính vì vậy, làm tốt công tác phát triển đảng viên DTTS không những góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của TCCS đảng mà còn đóng góp tích cực trong việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, vẫn còn không ít các chi bộ Đảng trong vùng đồng bào DTTS chưa thực sự quan tâm đúng mức và làm tốt công tác này. Bởi vậy trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiều địa phương đã chú trọng đến công tác phát triển đảng viên người DTTS theo đúng tinh thần “Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng..., đặc biệt đẩy mạnh việc phát triển Đảng vào các vùng xung yếu, các cơ sở còn ít đảng viên”.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 
 
Vấn đề phát triển đảng viên người DTTS phải coi trọng cả chất lượng lẫn số lượng. Tuyệt đối không chạy theo số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn theo quy định. Kiên quyết khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, coi nhẹ tiêu chuẩn. Người được kết nạp vào Đảng phải thực sự là những quần chúng tiêu biểu, có trình độ văn hóa, có năng lực thực tiễn và đặc biệt phải là người có uy tín được bà con tín nhiệm.
 
Đồng chí Nguyễn Duy Hải - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương
 
Sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS phải có sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên là người DTTS. Lạc Dương cũng không phải là ngoại lệ. Thực tế tại các xã vùng sâu, vùng xa cho thấy, khi số lượng đảng viên là người DTTS càng lớn thì việc đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân càng hiệu quả. Vì họ không những là “hạt nhân”, “đầu tàu” gương mẫu ở thôn mà còn là người con của buôn làng. 
 
Đồng chí Bonyê Hơm - Bí thư Chi bộ thôn M’răng, xã Lạc Lâm (Đơn Dương) 
 
“Người bí thư chi bộ phải luôn có ý thức gương mẫu, xông xáo đi đầu, kiên nhẫn hay “cầm tay chỉ việc” bà con trong mọi việc. Những cống hiến cho buôn làng và niềm tin của bà con dành cho bí thư chi bộ chính là tấm gương rõ ràng và thuyết phục nhất cho các đảng viên trong chi bộ. Đồng thời, đó cũng là cách để truyền lửa cho các thế hệ thanh niên hiểu hơn về Đảng, về trách nhiệm của người đảng viên để phấn đấu, rèn luyện đứng vào hàng ngũ của Đảng.
 
Đồng chí Liêng Trang K’Sáu - Đảng viên thuộc Chi bộ thôn 4, xã Đạ Sar (Lạc Dương)
 
Thông qua việc tham gia các phong trào thanh niên và phong trào thi đua lao động sản xuất tôi đã được chi bộ thôn giúp đỡ để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Với sức trẻ và nhận thức đúng đắn, tôi vừa làm kinh tế gia đình, vừa giúp đỡ bà con về khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất. Cũng từ đó bà con hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách đầu tư vào vùng DTTS. 
N.NGÀ - N.THU
 
N.THU - N.NGÀ