Hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai nhiệm vụ năm 2017

09:12, 28/12/2016

(LĐ online) - Trong 2 ngày (28 và 29/12), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 với sự tham dự phía đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các thủ trưởng ban, ngành của TW.

(LĐ online) - Trong 2 ngày (28 và 29/12), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2017 với sự tham dự phía đầu cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, các thủ trưởng ban, ngành của TW. Phía đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng tham dự còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan... 
 
Thủ tướng điều hành Hội nghị (chụp qua màn hình)
Thủ tướng điều hành Hội nghị (chụp qua màn hình)

Chính phủ kiến tạo và hành động, nói đi đôi với làm
 
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp cuối năm nhằm phân tích, đánh giá tình hình KT-XH năm 2016, cùng bàn thảo, đề ra những giải pháp lớn, những nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2017. 
 
Năm 2016 là năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; một năm trong nước thiên tai, nhân tai diễn ra khốc liệt, tình hình thế giới diễn biến khó lường; nhiều yếu kém trong nội tại nền kinh tế; nhiều chính sách mới được áp dụng,... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt với tinh thần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về KT-XH. Trong tầm nhìn khái quát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên 10 kết quả nổi bật và 9 tồn tại, hạn chế trong năm 2016. 
 
Một số số liệu cụ thể năm 2016 là: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP đạt gần 6,3%; thu ngân sách tăng; mặt bằng lãi suất giảm; thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Cơ cấu lại nền kinh tế đạt kết quả bước đầu. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9% so cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%). Năm 2016, lần đầu tiên có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới; thu hút hơn 10 triệu khách du lịch... Công tác an sinh xã hội; thể thao thành tích cao; công tác xây dựng pháp luật; tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chỉ đạo quyết liệt xử lý những vấn đề bức xúc... cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
 
Cùng đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại để các đại biểu TW và các tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự Hội nghị thảo luận và đưa ra các biện pháp khắc phục. Đó là: Ngành khai khoáng giảm mạnh, nhất là dầu thô; thiên tai hạn hán, lũ lụt xâm ngập mặn; sự cố môi trường biển miền Trung; các dự án nghìn tỉ thua lỗ mất vốn; các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn rủi ro cao; xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng; nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các sai phạm trong công tác cán bộ (vụ Trịnh Xuân Thanh); xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc;...
 
Thủ tướng khẳng định tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân, doanh nghiệp,... Theo tinh thần chỉ đạo này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. 
 
10 giải pháp phát triển KT-XH
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017. Dự thảo nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng cho sự phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với tăng trưởng gắn với 3 đột phá chiến lược; bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phòng, chống tham nhũng lãng phí, xây dựng nền hành chính hiện đại phục vụ người dân và DN. 
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu ba chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP 6,7%, lạm phát bình quân 4% và ngân sách phải bảo đảm cả trung ương và địa phương. Theo đó, có 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Điều hành ngân sách cần chủ động chặt chẽ, hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu, trừ những cam kết quốc tế, hạn chế ban hành chính sách tăng chi trừ trường hợp đặc biệt. Tiết kiệm chi tiêu ngân sách là quốc sách, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kỷ luật ngân sách, thu trong nền kinh tế, chi theo khả năng, vay trong năng trả nợ. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm 2017”…
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020. Phó Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên, Nghị quyết được đưa vào bàn trong hội nghị Chính phủ với các địa phương để các bộ, ngành cùng địa phương cùng nhau hiểu và cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo Phó Thủ tướng, một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh cho thấy Việt Nam ở mức trung bình. Chỉ số tốt nhất đứng thứ 60 và có những chỉ số đứng thứ 116-120. Việt Nam hiện xếp hạng thứ 82, có những thủ tục rất tốt như cấp phép xây dựng đứng thứ 24 nhưng khởi sự kinh doanh đứng thứ 121, đặc biệt thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng 167, giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125. So sánh tương quan với các nước ASEAN về môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc cải thiện các chỉ số cụ thể  để đạt được mục tiêu mức trung bình của ASEAN-4. 
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm 2014 -2016, năm đầu tiên Nghị quyết đề ra 50 nhóm giải pháp, nhiệm vụ, thực hiện được 8, đang thực hiện 17 giải pháp chưa có kết quả rõ ràng; năm 2015 có 73 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đã thực hiện được 44%, đang thực hiện 23% và chưa thực hiện 23% và năm 2016 có tới 83 nhóm giải pháp, nhiệm vụ đã thực hiện được 42% nhưng mới qua 8 tháng và nếu tính đủ 1 năm thì tỷ lệ đã thực hiện sẽ vượt 30% so với các năm trước. Thực tế này cho thấy số giải pháp được thực hiện ngày càng nhiều, đạt kết quả rõ rệt trong các chỉ tiêu. Một số bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách từ văn bản xuống đến thực tế. “Nghị quyết năm nay đưa ra khoảng 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần càng cụ thể càng tốt và giao cho từng bộ, ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói…
 
Đầu cầu trực tuyến ở tỉnh Lâm Đồng
Đầu cầu trực tuyến ở tỉnh Lâm Đồng

7 nhiệm vụ cấp bách cơ cấu lại nền kinh tế
 
Tiếp theo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Nghị quyết nêu 7 nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm. Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương, kết quả kiểm tra của Tổ công tác… Báo cáo cho biết, từ ngày 01/01/2016 đến 25/12/2016 có tổng số 10.205 nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành, địa phương; trong đó, có 6367 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 5265, quá hạn 1102); chưa hoàn thành 3838 (trong hạn 3656, quá hạn 182); số nhiệm vụ quá hạn trong năm 2016 chỉ chiếm 2,82%, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt nhiệm vụ quá hạn giảm mạnh kể từ khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. 
 
Kết thúc buổi sáng, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Dự thảo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, đồng thời lưu ý các bộ ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, điều hành, kiểm soát việc thực thi quyền lực bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài  chính, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý và sử dụng biên chế; tăng cường hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền. Kiên quyết sắp xếp lại bộ máy, đẩy mạnh xã hội hóa, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với cải cách chế độ công vụ; thực hiện đồng bộ cải cách hành chính nhà nước, tập trung rà soát, loại bỏ thủ tục hành chính phiền hà, không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở liên quan đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ như phân công, phân cấp quản lý, quy trình bổ nhiệm... tình trạng kén chọn vị trí, chức danh. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ quản lý và người đứng đầu các cấp. Tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức.
 
Ghi nhận những thành tích nổi bật của từng địa phương 
 
Vào buổi chiều ngày 28/12, theo sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phiên thảo luận được mở đầu bằng phát biểu của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; sau đó là Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Tiếp theo là đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố khác đăng ký phát biểu như: Đồng Nai, Khánh Hòa, Hà Nam, Quảng Nam, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Kon Tum, Sơn La và Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong phát biểu của mình, Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng nhất trí cao nội dung báo cáo KTXH 2016 của Chính phủ và đồng thời đề xuất một số nội dung để Chính phủ nghiên cứu xem xét…
 
Sau mỗi phát biểu của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao một số thành tích nổi bật của từng địa phương đã đạt được; ghi nhận những kiến nghị; nhấn mạnh một số đặc điểm của từng địa phương và đánh giá cao nhiều giải pháp. 
 
Thủ tướng chỉ đạo, ngày thứ 2 Hội nghị vào lúc 8 giờ 29/12, sẽ tiếp tục thảo luận của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các Phó Thủ tướng và sau đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ kết luận. Hội nghị ngày thứ nhất kết thúc vào lúc 18 giờ.  
 
MINH ĐẠO lược thuật