Xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn mới

10:12, 22/12/2016

(LĐ online) - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, được Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục quán triệt.

(LĐ online) - Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là nhân tố cốt lõi, nền tảng để đất nước ta tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, được Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục quán triệt.
 
Quan điểm của Ðảng về sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD) là sức mạnh tổng hợp, không phải đơn thuần hoặc chủ yếu là sức mạnh quân sự, mà bao gồm tổng thể các hoạt động về mọi mặt: chính trị, kinh tế, quân sự gắn với an ninh, đối ngoại, văn hóa, xã hội… nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và thời chiến, cả đối nội và đối ngoại, cả đấu tranh quân sự và đấu tranh phi quân sự. Trong quá trình đổi mới đất nước, Ðảng ta luôn nhận thức đúng đắn về lực lượng và thế trận của nền quốc phòng toàn dân; về xây dựng tiềm lực quốc phòng phải đồng bộ, nhiều lực lượng, nhiều lĩnh vực cả kinh tế, quân sự, đặc biệt là chính trị tinh thần. Trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc” (BVTQ), những quan điểm, tư tưởng về xây dựng nền QPTD của Đảng không chỉ nêu bật vai trò, vị trí của vấn đề này mà còn xác định rõ bản chất, mục tiêu và nội dung của nền QPTD toàn diện, độc lập, tự chủ, tự vệ và ngày càng hiện đại. Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là: “Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó quân đội nhân dân và công an nhân dân là nòng cốt”. Đó là những định hướng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong giai đoạn hiện nay; làm cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quán triệt và triển khai thực hiện.
 
Bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình trong nước bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, vẫn còn không ít những khó khăn và thách thức; đặc biệt các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng nước ta bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ nội bộ. Điều đó, đòi hỏi việc xây dựng nền QPTD theo tinh thần “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc” và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cần phải thực chất hơn, bằng nhiều giải pháp đồng bộ hơn; trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:
 
Một là, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn dân về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng nền QPTD đối với sự nghiệp BVTQ. Đó là nhiệm vụ do toàn dân thực hiện, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Từ đó, tạo được sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh thông qua xây dựng các tiềm lực của đất nước.
 
Hai là, xây dựng nền QPTD phải bảo đảm tính toàn diện, tập trung có trọng điểm trên từng ngành, lĩnh vực, địa bàn và cả nước. Bởi vì, sức mạnh của nền QPTD là sức mạnh của toàn dân tộc do nhiều yếu tố hợp thành: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng – an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, việc xây dựng nền QPTD phải đảm bảo toàn diện trên các mặt, nhưng cũng cần tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học - công nghệ, tiềm lực quân sự - an ninh; xây dựng lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.
 
Ba là, đẩy mạnh công tác “xã hội hóa” trong xây dựng nền QPTD, bởi đây là nhiệm vụ được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, với nhiều nội dung và diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, đẩy mạnh “xã hội hóa” xây dựng nền QPTD là việc làm cần thiết và có ý nghĩa rất lớn nhằm tăng cường nguồn lực cho sự nghiệp trọng yếu này và khi có tình huống xảy ra, thì mỗi cơ sở, mỗi cấp, mỗi ngành đều tự mình giữ được cho mình . Để làm được điều đó, cần mạnh dạn phân cấp trong tổ chức xây dựng nền QPTD cho các tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân và cơ sở kinh tế, với những nội dung, nhiệm vụ phù hợp, chẳng hạn như: giáo dục quốc phòng và an ninh; kết hợp kinh tế với quốc phòng; xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ, Dự bị động viên và khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố,... Tuy nhiên, để “xã hội hóa” nền QPTD đạt hiệu quả thiết thực, cần thực hiện từng bước, thận trọng với những nội dung, phương thức phù hợp cho từng lực lượng, ngành và lĩnh vực; tránh triển khai tràn lan theo kiểu “phong trào”. Riêng các nội dung có tính đặc thù về quân sự, quốc phòng, yêu cầu bảo mật cao, cần có hình thức, phương pháp riêng và do các lực lượng chuyên môn, chuyên trách thực hiện. 
 
Bốn là, phải xác định rõ hơn nữa phương thức dân quân tự vệ trong tình hình mới là kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh phi vũ trang với đấu tranh vũ trang, kết hợp xây dựng với bảo vệ, lấy xây dựng để bảo vệ; nhấn mạnh phương thức “phi vũ trang”, bảo vệ Tổ quốc từ xa, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cụ thể hóa quan điểm chủ động bảo vệ Tổ quốc từ xa; phát triển, hoàn thiện quan điểm “tự bảo vệ” trong điều kiện mới. Mở rộng đối tượng và phạm vi bảo vệ, thực hiện kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội; xây dựng hoàn thiện hệ thống lý luận về nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới…
 
Năm là, nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh tổng hợp của cả nước, nên cần thiết phải có sự phân rõ mối quan hệ giữa xây dựng lực lượng quốc phòng, nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân. Trong thế trận quốc phòng toàn dân, cũng cần làm rõ mối quan hệ giữa thế trận trên các lĩnh vực, các ngành như: Quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội; thế trận an ninh nhân dân; thế trận ngoại giao và thế trận trong đấu tranh quốc phòng phi vũ trang...; sự kết hợp chặt chẽ thống nhất giữa các cơ quan chức năng trong xây dựng nhiệm vụ kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, nhất là kết hợp kinh tế - xã hội với đấu tranh quốc phòng - an ninh phi vũ tranh. 
 
Sáu là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế Ðảng lãnh đạo; Nhà nước quản lý, điều hành đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nếu như trước đây việc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt chỉ xác định với quân đội nhân dân và công an nhân dân, thì nay đã áp dụng đối với cả sự nghiệp quốc phòng - an ninh. Trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ “Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh”. Đồng thời, xác định rõ và xử lý tốt mối quan hệ giữa các cấp, các ngành theo hệ thống từ trung ương đến cơ sở, nhằm đảm bảo sự phối hợp thống nhất, hiệu quả quan hệ dọc - ngang, trong chỉ huy các lực lượng tham gia bảo vệ đất nước, bao gồm: Chủ lực, địa phương, biên phòng, công an, kiểm ngư, hải cảnh; các lực lượng phòng thủ dân sự và các lực lượng bảo vệ bằng phương thức phi vũ trang…
 
Những thành tựu cơ bản đạt được về xây dựng nền QPTD trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai giai đoạn mới.
 
LINH NHÂN