Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên

09:01, 24/01/2017

Cả một đời vì nước, vì dân và nguyện vọng, hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, lầm than của chủ nghĩa phong kiến, thực dân; nhân dân ta được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc… Vì lẽ đó, chúng ta xiết đỗi tự hào khi UNESCO vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất Việt Nam". 

Cả một đời vì nước, vì dân và nguyện vọng, hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, lầm than của chủ nghĩa phong kiến, thực dân; nhân dân ta được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc… Vì lẽ đó, chúng ta xiết đỗi tự hào khi UNESCO vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà Văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. 
 
Không chỉ bôn ba năm châu, bốn biển để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh còn sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua 87 năm vượt qua nhiều phong ba, bão táp đưa con thuyền cách mạng cập bến vinh quang… 87 mùa xuân, Đảng ta luôn kiên định lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam” trên hành trình đưa dân tộc vững bước tiến tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo đó, “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là lý tưởng bất biến vì nhân dân. 
 
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, định danh trên bản đồ thế giới. Ngay sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc cũng như lần đầu tiên ở Đông Nam Á, mọi công dân Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, nam nữ, đảng phái, tôn giáo… được đi bỏ phiếu, dân chủ lựa chọn những đại biểu ưu tú của mình vào Quốc hội, xây dựng Nhà nước mới phục vụ nhân dân. Nhằm kiến tạo Nhà nước vì dân, quan điểm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Nhà nước quản lý xã hội, lo cho dân chứ không phải đè đầu, cưỡi cổ dân” và “lấy việc đưa lại quyền lợi cho nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình”. Ngay cả chức vụ Chủ tịch nước, Bác cũng có quan niệm rõ ràng là do nhân dân ủy thác. Chân thành, giản dị và đáng khâm phục biết bao khi trả lời các nhà báo vào tháng 1/1946, Người khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không muốn công danh phú quý một chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui”. Xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm lấy việc đưa lại quyền lợi cho nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Và Người dặn trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Trước nhân cách cao đẹp sáng ngời, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Tầm cỡ của một hiền triết chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên quả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy nghĩ và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó; vì đó mà Cụ lớn”. 
 
Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Đại hội XII của Đảng xác định: Trong những năm tới, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước”. Đồng thời trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh phải: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. 
 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nêu ra 27 biểu hiện phải được đấu tranh, khắc phục. Trong đó, có biểu hiện mà từng cán bộ, đảng viên phải thường xuyên, nghiêm túc soi rọi để tránh hiểm họa: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. 
 
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc luôn chứng minh sinh động, rõ nét nhân dân chính là người làm nên những chiến thắng. Lấy dân làm gốc, quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấm thía hơn lời Người dạy: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”.
 
LAN HỒ