Nhớ lời Bác dạy "Dân vận phải khéo"

10:01, 30/01/2017

Những ngày giáp Tết Ðinh Dậu 2017, trên mọi nẻo đường thôn buôn của dải đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ, những tia nắng ấm áp của mùa xuân, sức xuân đang tràn ngập khắp nơi, báo hiệu một năm mới đầy hứa hẹn.

Những ngày giáp Tết Ðinh Dậu 2017, trên mọi nẻo đường thôn buôn của dải đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ, những tia nắng ấm áp của mùa xuân, sức xuân đang tràn ngập khắp nơi, báo hiệu một năm mới đầy hứa hẹn.
 
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ vươn lên làm chủ đất nước. Từ đây, vận Nước, lòng Dân, ý Đảng luôn hòa quyện và đồng hành. Mỗi thắng lợi trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh gian khổ; mỗi thành tựu trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước đầy vất vả, gian nan, đều thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đóng góp to lớn của nhân dân. 
 
Lãnh đạo tỉnh luôn đề cao phương châm “gần dân, sát cơ sở” để lắng nghe dân nói, thấy dân làm và có hướng chỉ đạo kịp thời. Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm hộ nông dân sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: Bùi Trưởng
Lãnh đạo tỉnh luôn đề cao phương châm “gần dân, sát cơ sở” để lắng nghe dân nói, thấy dân làm và có hướng chỉ đạo kịp thời. Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận thăm hộ nông dân sản xuất hoa công nghệ cao tại huyện Bảo Lâm. Ảnh: Bùi Trưởng
Ðồng lòng làm “dân vận khéo” 
 
Mùa Xuân mở ra những khát vọng và niềm tin mới. Khi Nhân dân tin Đảng, một lòng theo Đảng thì dù khó khăn đến mấy nhất định cũng vượt qua. Với niềm xúc cảm trước mùa xuân mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và đang đoàn kết một lòng, vững tin vào Đảng, hòa nhịp bước vào năm mới với tinh thần, ý chí mới, khí thế mới, đưa đất nước, địa phương Lâm Đồng tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Với quyết tâm chính trị cao nhất, năm 2016, Lâm Đồng khép lại với kết quả kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,93%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bền vững còn 5,17%, đời sống nhân dân tiếp tục nâng lên, GDP bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm... Những kết quả mà Lâm Đồng đạt được trong năm qua là rất đáng phấn khởi, nhưng quan trọng hơn, đó là thành công của công tác dân vận trong tình hình mới. Có thể kể ra một số vụ việc như vụ chống người thi hành công vụ, gây chết người tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà; vụ bà con dân tộc thiểu số thôn 4, xã Đạ Long, huyện Đam Rông trở về làng cũ, phá rừng làm rẫy trái phép tại tiểu khu 26, 27 Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà từ năm 2013 đến nay... mới thấy được sự đồng lòng làm “dân vận khéo” của hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể trong việc tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân. Trong đó, Mặt trận tỉnh có sử dụng, phát huy vai trò của những già làng, người có uy tín tiêu biểu, chức sắc tôn giáo tham gia rất tích cực. “Lẽ tất nhiên, cũng phải khéo đặt vấn đề, thuyết phục để họ tự giác và có trách nhiệm tham gia, góp phần giải quyết ổn định tình hình” - ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh chia sẻ. 

Ngoài ra, việc phối hợp giải quyết hợp tình, hợp lý tại một số điểm nóng đã mang lại những hiệu quả tích cực như vụ việc ở tiểu khu 111A, xã Lát, huyện Lạc Dương, có khoảng 24 chòi được người dân ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà kéo đến dựng chòi để chiếm giữ đất với lý do trước đây nơi này là buôn làng của họ. Rồi câu chuyện về ông “Krang đầu bạc” ở Đạ Long mà có lẽ nhiều người biết đến là một trong những minh chứng sống động nhất cho việc nhận thức đúng đắn của người dân khi chính quyền và đoàn thể cùng làm “dân vận”. Cil Ha Krang là một trong những người luôn cương quyết trong việc phải quay trở lại làng cũ (tiểu khu 26, 27) để sinh sống. Qua các hoạt động dân vận, chứng kiến những gì các tổ chức, đoàn thể làm cho bà con mình, “Krang đầu bạc” đã đồng ý rời tiểu khu 26, 27 và hơn hết ông còn vận động những người khác cũng làm như mình. Bên cạnh đó, ông còn vận động con cháu tham gia việc thôn, việc xã. 
 
Nhớ lại bài học trong công tác cứu hộ vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo tại huyện Lạc Dương đã thành công trọn vẹn với 12 công nhân bị mắc kẹt được giải thoát an toàn sau 4 ngày với hàng ngàn người và hàng trăm loại thiết bị hiện đại được huy động. Đạ Dâng đã thực sự trở thành nơi ghi dấu tình người, tình giai cấp, nơi thể hiện tinh thần đoàn kết “người trong một nước phải thương nhau cùng” của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Đây cũng là một bài học gần dân, có trách nhiệm với dân của Đảng ta, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, doanh nghiệp cùng làm “dân vận” trong tình hình mới.  
 
Điều khiến cho nhiều người thấy an lòng và xúc động khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên đã đích danh viết một bức tâm thư gửi vào bên trong để khích lệ tinh thần cho 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong hầm. 
 
Bức thư viết: “Thân gửi 12 anh chị em trong hầm! Ban chỉ đạo Phòng, chống cứu nạn đang tập trung toàn lực để giải cứu các anh chị với lực lượng, máy móc hiện đại nhất cùng hàng trăm nhân lực của Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế, Công Thương, Xây dựng, Tập đoàn Than - Khoáng sản và tỉnh Lâm Đồng. Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách phải bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng. Ở ngoài này, mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh, chị”.
 
 Và để những nạn nhân vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo đọc được, lực lượng cứu hộ đã đưa cả một bóng điện nhỏ theo đường ống vào trong. Sau đó, một sáng kiến cũng được áp dụng là đưa cả giấy, bút để anh em liên lạc ra bên ngoài. Việc liên lạc đã làm cho cả người mắc kẹt lẫn người cứu hộ thêm tự tin hơn. Nguồn động viên kịp thời và quý giá, không gì đong đếm được. Bởi khi ấy, tình người, tinh thần dân tộc của tất thảy mọi người chứng kiến đều được thể hiện rõ nhất.
 
Làm dân vận là phải khéo, khéo ở đây là muốn nói đến “công nghệ”, đến phương pháp làm dân vận, tức là phải khéo tổ chức lực lượng, bài binh bố trận, nguồn lực, kể cả cơ chế, chính sách; khéo tuyên truyền, vận động, thuyết phục trên tinh thần dân chủ, công khai theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”.
 
Tạo sức lan tỏa sâu rộng
 
Kết quả nổi bật nhất của phong trào này, đó là xây dựng được các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, với công tác vận động có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung, có địa chỉ và cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương; tập hợp và đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 
 
Tại Lâm Đồng, tình trạng vận động chung chung đã từng bước được khắc phục, thay vào đó bằng việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, với công tác vận động có trọng tâm, trọng điểm, có nội dung, có địa chỉ và cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, huy động được nhiều nguồn lực, nhiều lực lượng thực hiện phong trào một cách có hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng. Nhiều vấn đề bức thiết, khó khăn đã được kịp thời giải quyết, đem lại lợi ích cho từng địa phương, đơn vị, cho các tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội. 
 
“Những năm gần đây, Lâm Đồng đã khẳng định thành quả lớn nhất trong việc đưa phong trào “Dân vận khéo xây dựng nông thôn mới” đi đến thành công nhất định. Qua 8 năm thực hiện, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.615 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội” - bà Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.   
 
Qua phong trào “Dân vận khéo”, Lâm Đồng đã rút ra được những cách làm sáng tạo, hiệu quả, những kinh nghiệm hay trong công tác vận động quần chúng để tổng kết, nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tạo tiền đề để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
 
Nhìn lại hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cả về thành tựu và hạn chế, khuyết điểm, Đảng ta rút ra 5 bài học quan trọng, trong đó có bài học “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “Dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. “Đây là bài học sâu sắc, là sự kế thừa ý thức “dân là gốc” của ông cha ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ, nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại” - ông Đường Anh Ngữ nhấn mạnh. 
 
Với Bác Hồ kính yêu, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã tổng kết và đưa ra những quan điểm nổi tiếng về công tác dân vận: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”. Bài học ấy đã và đang được Đảng ta tiếp tục thực hiện theo đúng tâm nguyện của Người và để lại nhiều bài học giá trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, địa phương.
 
HÀ NGUYỆT