Phát triển lực lượng sản xuất trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

05:02, 15/02/2017

Mấy năm gần đây, thế giới đang bước sang cuộc cách mạng mới - cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Mấy năm gần đây, thế giới đang bước sang cuộc cách mạng mới - cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 
 
Nếu những thập niên cuối thế kỷ XX, tại các nước phát triển, nhiều thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại được ứng dụng rộng rãi vào quá trình sản xuất cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội, khiến lực lượng sản xuất phát triển mang tính nhảy vọt. Bước phát triển đột phá đã làm xuất hiện thuật ngữ “kinh tế tri thức” hay “phát triển dựa vào tri thức”. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bước phát triển mới ở trình độ cao hơn của kinh tế tri thức. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là trí tuệ nhân tạo, số hóa, thông minh hóa các thiết bị và sự hội tụ, dung hợp nhiều công nghệ, cũng như sự kết nối, tương tác giữa chúng trên các lĩnh vực với quy mô rộng lớn, cho phép con người có thể kiểm soát mọi thứ từ xa, không giới hạn về không gian, thời gian. Nhờ đó quá trình tương tác diễn ra nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. 
 
Bước phát triển mới của kinh tế tri thức ở giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập thế giới. Trước hết là sự tác động đến phát triển lực lượng sản xuất. 
 
Như chúng ta biết, nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn đi theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ với tư duy và thể chế quản lý cũ, do vậy tốc độ phát triển kinh tế chậm, không bền vững, năng lực đổi mới sáng tạo hạn chế. Hiện nay, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, Việt Nam đang nỗ lực “đẩy mạnh công nghiệp hóa…; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa học công nghệ”. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức và tiếp cận hạ tầng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nước ta cần đầu tư cho hạ tầng công nghiệp thông tin là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển mạnh hạ tầng kết nối công nghệ thông tin, hạn chế nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu, triển khai có hiệu quả các dịch vụ viễn thông công ích, xây dựng cơ sở nền tảng kỹ thuật  - công nghệ hiện đại… Cần có hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn, tiếp nhận những công nghệ tiên tiến của thế giới. Trong giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình “rút ngắn” thông qua việc ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại vào một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. 
 
Đối với Đà Lạt - Lâm Đồng, đó là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mà hơn 10 năm qua đã tiến hành và đang tiếp tục đẩy mạnh. Qua đó, bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm; hướng dẫn nông dân sản xuất nông sản sạch, hướng tới phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu… Làm được điều này sẽ giúp Đà Lạt - Lâm Đồng vừa khai thác hiệu quả nguồn lực sẵn có, nâng cao năng lực sản xuất tại địa phương, trong nước, vừa cải thiện giá trị xuất khẩu.
 
Quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng được chiến lược phát triển “rút ngắn” phù hợp, việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra những cơ hội mới cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững! 
 
 LAN HỒ