Góp ý Luật Quản lý tài sản công

05:03, 28/03/2017

Sáng 28/3, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách chủ trì tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Luật Quản lý tài sản công.

* Luật được sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực nhà nước
 
Sáng 28/3, Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách chủ trì tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Luật Quản lý tài sản công.
 
Đại biểu tham gia góp ý bổ sung cho dự thảo Luật Quản lý tài sản công. Ảnh: N.Thu
Đại biểu tham gia góp ý bổ sung cho dự thảo Luật Quản lý tài sản công. Ảnh: N.Thu

 
Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Luật gồm 10 chương, 136 điều.
 
Đa số đại biểu thống nhất với bản giải trình tiếp thu chỉnh lý của Quốc hội, nhất trí đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Luật cần được sửa đổi nhằm khắc phục tình trạng quản lý, sử dụng tài sản còn manh mún, chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực nhà nước; nhằm đảm bảo việc quản lý tài sản công một cách hiệu quả, tăng cường nguồn lực phát triển đất nước và bổ sung đầy đủ các loại tài sản công theo quy định của Hiến pháp 2013.
 
Các đại biểu cũng góp ý và cho rằng quy định về khái niệm tài sản công chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa bao quát hết tất cả các loại tài sản, đề nghị bổ sung thêm nhóm tài sản công gồm “tiền thuộc ngân sách nhà nước, các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và dự trữ ngoại hối nhà nước”. Đề nghị bổ sung thêm đối tượng áp dụng là đơn vị lực lượng vũ trang. Về chế độ quản lý sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang... có ý kiến đề nghị về đầu tư xây dựng trụ sở nên áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung.
 
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật cơ chế áp dụng khoán xe công, đối tượng áp dụng, cách tính mức khoán và thời điểm áp dụng. Về thẩm quyền quy định khoán kinh phí xe không nên giao cho Bộ Tài chính mà phải là thẩm quyền của Chính phủ.
 
Có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về chế độ quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, bảo hành, chế độ tài chính, nghĩa vụ đối với nhà nước, quy định cụ thể tài sản công được phép khai thác để tránh tạo kẽ hở trong việc lợi dụng chính sách, không quy định cho thuê, liên doanh tài sản công ở đơn vị sự nghiệp công lập để tránh thất thoát tài sản nhà nước, trong phần liệt kê tài sản còn bỏ sót giá trị thương hiệu doanh nghiệp và chính sách quản lý giá trị thương hiệu, bảo toàn phát triển vốn tại doanh nghiệp, nêu cao vai trò giám sát của nhân dân trong sử dụng tài sản công…
 
Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu được Thư ký Đoàn ĐBQH tiếp thu, tổng hợp báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba sắp tới.
 
NGUYỆT THU