Các chế độ chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục

05:04, 21/04/2017

(LĐ online) - Sáng 21/4, Đoàn Giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa 14 do bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NG, CBQLGD) giai đoạn 2010 – 2016.

(LĐ online) - Sáng 21/4, Đoàn Giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội khóa 14 do bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (NG, CBQLGD) giai đoạn 2010 – 2016. Tham dự có ông Phan Văn Đa -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở GDĐT, Sở LĐ-TB&XH và một số sở, ngành liên quan. 
 
Đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Đoàn Giám sát tại buổi làm việc
Đồng chí Phan Văn Đa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Đoàn Giám sát tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GDĐT và Sở LĐ-TB&XH đã báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ NG, CBQLGD nói chung cũng như NG, CBQLGD nghề nghiệp nói riêng. Nhìn chung, đội ngũ NG, CBQLGD của tỉnh từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu dạy học ở địa phương; việc bố trí giáo viên đúng chuyên ngành đào tạo; các chế độ, chính sách đối với đội ngũ NG, CBQLGD được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật nên đời sống tương đối đảm bảo. Cùng với đó, hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh từng bước được củng cố phát triển; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động… 
 
Qua các buổi làm việc, Đoàn Giám sát đã ghi nhận những nỗ lực của các ngành và địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ NG, CBQLGD. Đoàn cũng đã lắng nghe ý kiến, tâm tư của nhiều NG, CBQLGD về một số hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NG, CBQLGD như: việc thực hiện các chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ NG làm công tác khác (Kế toán, Văn thư, Thủ quỹ, Thiết bị, Y tế trường học…) còn thấp, đời sống khó khăn, điều kiện làm việc hạn chế nên bản thân họ chưa thực sự yên tâm công tác; các chế độ chính sách chưa đủ mạnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục; chế độ tuyển dụng giáo viên gắn với Luật Viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đối với nhà giáo; chưa có bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục học sinh khuyết tật đối với một số trường có đối tượng này học hòa nhập; một bộ phận NG, CBQLGD còn hạn chế về năng lực nên không đảm bảo điều kiện thực hiện chương trình sách giáo khoa mới cũng như đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29; nên bớt các yêu cầu xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú để phù hợp với điều kiện địa phương; thiếu giáo viên nghề giỏi vừa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, vừa có trình độ kỹ năng nghề nghiệp… 
 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Đa kiến nghị với Đoàn Giám sát một số nội dung như: các bộ, ngành Trung ương cần rà soát lại các cơ chế, chính sách pháp luật đối với đội ngũ NG, CBQLGD còn chồng chéo; việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị trường học cần phải có lộ trình; cần phải có cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục để tránh lãnh phí trong đầu tư; đặc biệt cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mục đích của việc học để nâng cao tỷ lệ và chất lượng tham gia học nghề, tránh tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ”… 
 
Kết luận buổi làm việc, bà Ngô Thị Minh đánh giá cao việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ NG, CBQLGD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010 – 2016. Đồng thời, đề nghị địa phương cần xem xét việc bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo hiệu quả trong thời gian tới cũng như quy hoạch mạng lưới trường lớp để sử dụng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục. Sau buổi làm việc, Đoàn Giám sát sẽ tổng hợp ý kiến và kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương có liên quan cùng Quốc hội, Chính phủ để chỉnh sửa các chính sách pháp luật đối với NG, CBQLGD chưa phù hợp. 
 
Tuấn Hương