Giỗ Tổ Hùng Vương - sợi dây cố kết cộng đồng dân tộc

09:04, 05/04/2017

Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ về ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng; sợi dây cố kết các cộng đồng dân tộc Việt Nam không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.

Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ về ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng; sợi dây cố kết các cộng đồng dân tộc Việt Nam không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài.
 
Lễ vật dâng lên Giỗ Tổ Hùng Vương ở Khu Du lịch thác Prenn Đà Lạt. Ảnh: P.Nhân
Lễ vật dâng lên Giỗ Tổ Hùng Vương ở Khu Du lịch thác Prenn Đà Lạt. Ảnh: P.Nhân
Xung quanh câu chuyện về nguồn gốc Quốc Tổ Hùng Vương hết sức lý thú và có sức thuyết phục. Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống lịch sử - văn hóa, sự kết tinh của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử; thể hiện đầy đủ, nổi bật ý nghĩa triết lý về sự trường tồn, sức mạnh vật chất và văn hóa trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Đó là một dân tộc có nguồn gốc “cha rồng mẹ tiên”; là sự giao thoa, nơi hội tụ, hòa hợp của trời và đất tạo thành sức mạnh để vượt qua mọi hiểm nghèo, thử thách; đồng thời đề cao những giá trị tinh thần nhân văn: sống nhân nghĩa, tương thân tương ái, quý trọng tình người - yếu tố cốt lõi làm nên ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ. Có thể nói, giá trị bất diệt của Giỗ tổ Hùng Vương chính là ý nghĩa triết lý cao đẹp, trở thành chất keo gắn kết 54 dân tộc anh em thành một khối bền vững và dù phải trải qua vô vàn biến cố nhưng nó vẫn tồn tại gắn liền với con người và nền văn hóa đặc thù Việt Nam. Vì vậy, không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương mà bạn bè quốc tế khi đến thăm viếng Đền Hùng cũng hết sức kinh ngạc và tỏ lòng khâm phục về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. 
 
Giỗ Tổ Hùng Vương - giá trị tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng như một lẽ tự nhiên của người Việt thờ cúng tổ tiên trong gia tộc, thờ cúng vị thủy tổ của dân tộc mình. Do đó, xét về phương diện xã hội, Giỗ Tổ Hùng Vương có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm, vừa thiêng liêng vừa cụ thể của các thế hệ người dân Việt Nam; là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết dân tộc và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đó như một sợi chỉ đỏ nối kết quá khứ với hiện tại, là chỗ dựa tâm linh cho các thế hệ con người Việt Nam, nơi hòa hợp dân tộc tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước… Vì vậy, không chỉ trong tâm thức dân gian mà cả trong quan niệm của các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh, thái độ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự gặp gỡ đồng thuận sâu sắc. 
 
Rõ ràng, chính Hùng Vương - Người sáng lập ra Nhà nước Văn Lang cổ đại, với vị thế là một thủy tổ của dân tộc đã tạo nên sự đồng thuận ấy. Đồng thời, thông qua tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, có thể thấy lịch sử thời dựng nước của người Việt, của dân tộc Việt Nam là một sáng tạo tự nhiên mang tầm kiệt tác của nhân loại, mà trên thế giới khó tìm thấy có một đất nước nào có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Đúng như Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng từ tiềm thức đến hành động; đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh, niềm tin của toàn thể con dân đất Việt… Từ đó thôi thúc mọi người con đất Việt phải sống thật xứng đáng với các Vua Hùng, với tổ tiên”.      
  
Thực tế cũng đã chứng minh, trải qua mấy nghìn năm lịch sử, trước biết bao biến động thăng trầm, nhưng trong tình cảm và nhận thức của mỗi người dân Việt Nam, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu thờ phụng công đức tổ tiên và gắn kết họ thành một khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc mà không một thế lực nào có thể phá nổi. Vì thế, người Việt dù sống ở nơi đâu cũng luôn nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba. Bởi đó là một ngày lễ trọng đại, là dịp để con cháu tưởng niệm, ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc; bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ nối tiếp nhau kiên cường chống giặc ngoại xâm để gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc, để đất nước mãi mãi trường tồn.
 
Là người dân Việt Nam, câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” không chỉ là một mốc sự kiện mà còn là lời nhắn nhủ, nhắc nhở mọi người con đất Việt hãy luôn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Và thực tế, hàng năm cứ vào dịp này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài đã hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ, tham gia lễ hội. Đồng thời, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có các hình thức tổ chức ngày Giỗ Tổ một cách phù hợp; những tỉnh, thành phố đã có đền thờ Hùng Vương, chính quyền và nhân dân ở các địa phương đó đều thành kính tổ chức các nghi lễ dâng hương để tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đối với dân tộc ngay tại các đền thờ này. 
 
Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên, cách xa Đền Hùng Phú Thọ cả nghìn cây số, nhưng hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), từ sáng sớm cả ngàn người dân các huyện, thành phố trong tỉnh và khách du lịch đã hội tụ tại đền thờ Âu Lạc trong khu du lịch thác Prenn - thành phố Đà Lạt để tham gia lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Chương trình lễ hội gồm phần nghi thức dâng lễ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phần hội là các hoạt động văn hóa - thể thao dân gian truyền thống của các vùng miền diễn ra khá phong phú, hấp dẫn. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hướng về cội nguồn đất Tổ, báo công và bày tỏ sự thành kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và tỏ rõ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng đất nước nói chung, quê hương Lâm Đồng nói riêng ngày càng phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 
Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành biểu tượng cho ý chí và sức mạnh - bản sắc văn hóa và điểm tựa tinh thần - cho lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương, đất nước. Vì vậy, để không làm mất đi ý nghĩa, biểu tượng cao đẹp linh thiêng được dân tộc ta gìn giữ từ nghìn đời nay, thiết nghĩ ngày Giỗ Tổ phải thực sự trở thành ngày hoạt động truyền thống, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”, hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc; giáo dục, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống. Qua đó, tạo nên động lực tinh thần vượt lên mọi khác biệt, cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp của đất nước, để mãi mãi xứng đáng là con Lạc cháu Hồng.
 
VĂN NHÂN