70 năm sau tác phẩm "Đời sống mới" vẫn còn nguyên giá trị

10:05, 15/05/2017

(LĐ online) - Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng, Nhà nước và Hồ Chủ tịch đã phát động phong trào "Xây dựng đời sống mới". Ngày 3/4/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau (20/3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Đời sống mới" với bút danh là Tân Sinh để chỉ đạo và động viên phong trào. Ngày nay, tác phẩm Đời sống mới của Bác vẫn còn nguyên giá trị. 

(LĐ online) - Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng, Nhà nước và Hồ Chủ tịch đã phát động phong trào "Xây dựng đời sống mới". Ngày 3/4/1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau (20/3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Đời sống mới" với bút danh là Tân Sinh để chỉ đạo và động viên phong trào. Ngày nay, tác phẩm Đời sống mới của Bác vẫn còn nguyên giá trị. 
 
Tác phẩm "Đời sống mới" được Ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947. Với dung lượng gần 5.800 từ, ngoài lời tựa, tác phẩm được kết cấu thành 19 phần, đánh thứ tự theo chữ số La mã từ I đến XIX; trình bày bằng hình thức hỏi – đáp một cách vắn tắt, thiết thực, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Đọc lại tác phẩm này, chúng ta càng thấm thía hơn những điều Bác dạy. 
 
Trong lời tựa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. Và Người “mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới. Như thế, chúng ta nhất định sẽ tiến bộ hơn".
 
Nội dung tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề cơ bản về đời sống mới như: mục đích, nội dung, phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới, gắn với từng nhóm đối tượng và môi trường cụ thể.       
 
Trước hết, Người khẳng định: “Chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; đồng thời giải thích rõ “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới; mà “cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Và mục đích của đời sống mới là làm cho đời sống của nhân dân “vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Về thực hành đời sống mới, Người chỉ rõ “việc đầu hết” (đầu tiên) là “Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, ở, mặc, đi lại” (các trang sau thêm điều “làm việc”); đời sống mới gồm hai thứ: “đời sống mới riêng, từng người” và “đời sống mới chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhà máy, các trường học, các công sở, v.v..”. Rồi Bác lưu ý “Việc tăng gia sản xuất cũng như mọi việc khác, đều rất quan hệ với đời sống mới”…
 
Đề cập đến vấn đề nào, Bác đều giải thích và đưa ra những ví dụ cụ thể, chẳng hạn: “Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần. Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm. Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm. Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính”,v.v. Khi nói về thực hành đời sống mới dễ hay khó, thì Bác trả lời: “Nói dễ thì dễ. Nói khó thì khó. Tục ngữ có câu: “Việc đời không gì khó, chỉ sợ chí không bền”; rồi lý giải vì sao lại dễ và vì sao lại khó một cách thuyết phục.
 
Thứ hai, toàn bộ tác phẩm toát lên quan niệm của Bác về đời sống mới bao gồm cả “đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới”. Ba nội dung ấy, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu, “là nhen lửa cho đời sống mới”. Đạo đức gắn liền với lối sống và nếp sống. Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. 
 
Theo Bác, người có đạo đức, nhất là cán bộ, công chức phải sống Cần, Kiệm, Liêm, Chính, “Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”; “phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân”... Người đề nghị trường học “phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”; “phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại”. Về phong tục, Bác yêu cầu “phải cấm nạn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ". Còn xây dựng lối sống mới là phải trên cơ sở kế thừa truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc ta và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; đồng thời là quá trình làm cho lối sống mới dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành phong tục tập quán của cả một cộng đồng và rộng ra là trên phạm vi cả nước, được gọi là nếp sống mới hay nếp sống văn minh. 
 
Ngoài ra, xây dựng đời sống mới còn yêu cầu phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc” và cách ăn, mặc, ở không phụ thuộc vào những thứ dùng để ăn, mặc, ở nhiều hay ít, sang trọng hay đơn giản, mà lại phụ thuộc vào lối sống có hay không có văn hóa của mỗi con người. 
 
Thứ ba, gia đình là tế bào của xã hội nên trong tác phẩm dành một phần để nói về văn hóa gia đình. Theo Bác, thực hiện đời sống mới trong gia đình cần phải: Về tinh thần thì trên thuận, dưới hòa; về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải có kế hoạch, có ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm; trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng; phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ hàng xóm…và mong mỗi gia đình cần cố gắng để trở thành một gia đình kiểu mẫu trong làng. 
 
Thứ tư, Hồ Chí Minh nhấn mạnh việc phải coi trọng công tác “tuyên truyền, giải thích và làm gương”. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên, tại mỗi nhà, mỗi làng, bộ đội, công xưởng… để “mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào”. Nguyên tắc tuyên truyền là phải từ từ, từng bước; nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần. Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi. Nói thì phải nói một cách đơn giản, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; “để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta”. 
 
Khi tuyên truyền xây dựng “Đời sống mới”, Bác kêu gọi, cổ vũ, động viên mỗi người dân Việt Nam phát huy những phẩm chất, giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc: “Sốt sắng yêu Tổ quốc”, “việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh”, “sẵn lòng công ích”, “chớ kiêu căng”, “chớ nịnh hót”, “chớ tham lam”, “chớ bủn xỉn”, làm việc “siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách”, “làm đến nơi đến chốn”, “tẩy sạch óc kiêu ngạo, tụ phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại”… để thực hành đời sống mới, làm cho đời sống mới lan rộng, ăn sâu, bén rễ trong đời sống của nhân dân khắp mọi miền đất nước. 
 
Phát huy tư tưởng “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm gần đây phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng nông thôn mới, được gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần tạo nên một bầu không khí mới, nguồn sinh lực mới tại các cộng đồng dân cư. Phong trào đã thực sự đi vào lòng dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân vào việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, sạch đẹp; tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư một cách sâu nặng, cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những trường hợp gặp khó khăn, hoạn nạn…
 
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đời sống mới” từ 70 năm trước (1947-2017) đã tạo động lực to lớn cho cuộc kháng chiến, kiến quốc thành công. Ngày nay, lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị, trở thành những nguyên tắc, phương pháp luận cho việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
VĂN NHÂN