Cử tri Lâm Đồng kiến nghị với Quốc hội

08:05, 26/05/2017

Cùng với cử tri cả nước, thông qua các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân Lâm Đồng đã gửi hơn 350 ý kiến về những vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội và tại địa phương gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ 22/5 đến 20/6/2017 tại Hà Nội. Kỳ họp lần này, ngoài việc dành thời gian cho công tác xây dựng pháp luật; xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017;… Quốc hội sẽ dành 3 ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn kiến nghị của cử tri.
 
Cử tri Lâm Đồng kiến nghị tại các buổi tiếp xúc với ĐBQH. Ảnh: H.Nguyệt
Cử tri Lâm Đồng kiến nghị tại các buổi tiếp xúc với ĐBQH. Ảnh: H.Nguyệt
Cùng với cử tri cả nước, thông qua các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân Lâm Đồng đã gửi hơn 350 ý kiến về những vấn đề nóng, nổi cộm, bức xúc trong dư luận xã hội và tại địa phương gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương.
 
Đối với Quốc hội, cử tri Lâm Đồng đề nghị tăng cường hoạt động giám sát trên các lĩnh vực mà cử tri quan tâm như: việc thực hiện chính sách pháp luật về sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là đối với việc xử lý các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Cử tri đặc biệt quan tâm và đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát đối với những kiến nghị sau giám sát mà các đoàn giám sát đã yêu cầu sửa đổi, bổ sung và thực hiện các chế tài xử lý theo quy định. 
 
Về giáo dục và đào tạo, cử tri bày tỏ băn khoăn, lo lắng và đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo cho lùi thời hạn 1 năm để thực hiện chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa mới. Vì thực tế, hiện nay còn nhiều ý kiến tranh luận, nhất là những môn khoa học xã hội và nhân văn sẽ gặp các vấn đề có tính nhạy cảm, cần nhiều thời gian để thảo luận, công tác giảng dạy thực nghiệm, đào tạo giáo viên, tổ chức việc làm sách, thẩm định sách, đổi mới quản lý, chuẩn bị hạ tầng cơ sở, thiết bị… chưa được chuẩn bị kỹ, cần phải có đánh giá tác động xã hội đối với giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhà quản lý…
 
Về chính sách đối với dân di cư tự do, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư hàng năm để giải quyết dứt điểm các dự án ổn định dân di cư. Vì trên thực tế, tổng vốn thực hiện dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2013 - 2016 của Lâm Đồng được phê duyệt là 523.548 triệu đồng nhưng mới bố trí giải ngân 98.220 triệu đồng, chỉ đạt 18% so với kế hoạch.
 
Về nông nghiệp, cử tri và nhân dân Lâm Đồng tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về giá cả mặt hàng nông sản và chăn nuôi hiện nay không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc như dưa hấu, thịt heo… Theo đó, cử tri đề nghị Nhà nước cần có chính sách quy hoạch phát triển nông nghiệp, cần sớm có cơ chế chính sách để hình thành các chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững.
 
Đối với dự án Bauxit nhôm Lâm Đồng, hiện nay dự án đã đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh được 3 năm, nhưng cử tri thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm rất lo ngại về bùn đỏ chứa chất thải nguy hại, Nhà máy Bauxit nhôm hoạt động có mùi hôi và khói bụi, hơi cay, khét. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường thường xuyên kiểm tra, quan trắc môi trường tại khu vực trên và công khai thông tin, trả lời cho cử tri biết về mức độ an toàn để người dân an tâm, ổn định đời sống sản xuất. 
 
Cử tri và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng thể hiện sự đồng tình cao đối với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tại Lâm Đồng có một số diện tích đất được người dân khai phá trồng trọt, sản xuất lâu năm nhưng đến nay chưa được phân định đất nông - lâm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xem xét giải quyết cấp giấy CNQSDĐ để người dân yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định đời sống. 
 
Về giao thông, cử tri huyện Di Linh và chính quyền địa phương đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét thống nhất chủ trương cho đầu tư, nâng cấp tuyến đường QL 28, đoạn qua thị trấn Di Linh khoảng 10 km với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách trung ương hoặc nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020, vì mặt đường quá hẹp, xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông.  
 
Những kiến nghị trên của cử tri Lâm Đồng và nhiều nội dung nổi cộm khác nữa đã được Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cử tri Lâm Đồng rất mong được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết, đáp ứng kỳ vọng và niềm tin của nhân dân.
HÀ NGUYỆT