Góp ý Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

03:05, 15/05/2017

(LĐ online) - Mới đây, tại TP Đà Lạt, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

(LĐ online) - Mới đây, tại TP Đà Lạt, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo góp ý cho Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
 
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV đơn vị tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Ủy ban Pháp luật nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời cũng là để cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay. 
 
Theo đó, qua thảo luận, tại Ủy ban Pháp luật còn có hai loại ý kiến về việc tán thành quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự luật chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành. Nhóm còn lại cho rằng Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung thêm hình thức tố cáo khác nhau, như: tố cáo qua fax, email, điện thoại, qua mạng internet… Việc bổ sung hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng tán thành quan điểm của Chính phủ trong việc thể hiện ở dự thảo Luật kế thừa của Luật hiện hành là không quy định về giải quyết với đơn tố cáo nặc danh. Số thành viên còn lại có ý kiến khác là nhất trí nguyên tắc không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng Luật cần quy định rõ trách nhiệm xem xét với đơn thư tố cáo nặc danh có kèm chứng cứ, nội dung rõ ràng…
 
Tại hội thảo lần này, các Đại biểu Quốc hội; thành viên Tổ tư vấn chính sách, pháp luật; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Công an, Thanh tra, Sở Nội vụ, Viện Kiểm sát, Tòa án, Cục thi hành án dân sự, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh đã đóng góp trên 20 bản tham luận cùng nhiều ý kiến tập trung vào 8 vấn đề trọng tâm của dự án Luật. Nổi bật là phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật; Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo… Đặc biệt là vấn đề bảo vệ người tố cáo; khen thưởng, xử lý hành vi vi phạm. 
 
Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), gồm 9 chương, với 64 điều quy định rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật; áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tố cáo; chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và cả những hành vi bị nghiêm cấm.
 
Thụy Trang