Thoi thóp một luận điệu kích động gây hận thù dân tộc

04:05, 15/05/2017

(LĐ online) - Ngày 30/4/2017 đã qua trong không khí nhân dân cả nước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mốc lịch sử 30/4/1975 đánh dấu thắng lợi của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất – "sông có thể cạn, núi có thể mòn" nhưng không thể chia cắt đất nước của nhân dân Việt Nam...

(LĐ online) - Ngày 30/4/2017 đã qua trong không khí nhân dân cả nước long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mốc lịch sử 30/4/1975 đánh dấu thắng lợi của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất – “sông có thể cạn, núi có thể mòn” nhưng không thể chia cắt đất nước của nhân dân Việt Nam. Đó là dấu khép lại của một thời khói lửa chiến tranh và khép lại quá khứ, hướng tới tương lai mở ra một trang mới trong lịch sử Việt Nam - giai đoạn hòa bình, thống nhất, xây dựng đất nước.
 
Cố tình đi ngược dòng lịch sử và ra sức phủ nhận ý nghĩa, giá trị to lớn của Chiến thắng 30/4/1975 – được nhân loại và những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới ngưỡng mộ, thời điểm này, trên các trang mạng xã hội vẫn xuất hiện những bài viết đầy tâm thế hằn học, xuyên tạc, gây kích động hận thù dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận thành quả công cuộc đổi mới đất nước… Một trong những bài viết độc hại và phải được nhận diện chân tướng “chống phá” Đảng và Nhà nước ta là bài của một người (trong bài viết này tôi không tiện nói ra để giữ chút thể diện cho ông vì từng vinh dự là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam) với tít “Ngày 30 Tháng Tư” đăng trên “vandoanviet.blogspot.com” với nội dung nhìn nhận cực kỳ phiến diện, áp đặt.  
 
Không lấy gì làm ngạc nhiên về sự xuất hiện như “nấm dại sau mưa” của loại bài viết như thế song chúng ta không thể chấp nhận những con người quay lưng, phủ nhận quá khứ, lịch sử dân tộc. Đó là Linh mục Đặng Hữu Nam (Nghệ An) lấy nhà thờ làm nơi rao giảng với những ngôn từ phỉ báng và phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, đánh đồng sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả mạng sống của mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc với cái chết của những kẻ theo giặc; điều đó không đúng với chức phận sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước” của một giáo sĩ Công giáo. Linh mục tuôn lời lẽ: “Ngày 30/4 hôm nay, cũng là ngày đất nước rơi vào thảm họa đau khổ cả miền bắc lẫn miền nam. 30/4, ngày đen tối nhất của dân tộc Việt Nam. Ngày làm đất nước tan hoang, làm đất nước lạc hậu, nghèo đói; 90 triệu dân mất tất cả, mất quyền con người, mất quyền tự do. Ngày đưa đất nước mất đi cơ hội để phát triển, trở nên nghèo đói, lạc hậu. Ngày đánh dấu đất nước chuẩn bị làm nô lệ cho ngoại bang”… Cũng  cùng duộc “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”,  với cách đặt vấn đề “Vậy thực sự ngày 30 tháng tư, năm 1975 có phải là ngày nửa dải đất phía Nam của tổ quốc Việt Nam được giải phóng không?”,  tác giả bài “Ngày 30 Tháng Tư” đã thật trâng tráo khi xuyên tạc bản chất cuộc đấu tranh cách mạng 21 năm trường kỳ vượt qua gian khổ, hy sinh nhiều xương máu để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; từ đó cố tình áp đặt về bản chất, lý tưởng cao đẹp của Đảng với những lời “đổi trắng thay đen”. Ông ta viết: “… Ngày 30 tháng tư năm 1975 cả triệu người Việt Nam dù yêu nước cháy bỏng cũng phải bỏ nhà cửa, bỏ tài sản, bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước ra đi. Ngày 30 tháng tư năm 1975 mang đến mất mát uất hận lớn như vậy cho cả triệu người Việt Nam làm sao có thể gọi là ngày giải phóng!”. Không hay dựa vào tiêu chí nào mà tác giả lên giọng “bốc thơm”, ca ngợi những người sống chẳng bao giờ vì lý tưởng độc lập, hòa bình của dân tộc mà chỉ là kẻ bám víu vào đồng USD của đế quốc; quen hưởng thụ bơ, sữa phương Tây, cầm súng đàn áp, bắn giết dã man đồng bào mình bỗng chốc hóa thành “cả triệu người Việt Nam yêu nước cháy bỏng”?… Mỉa mai thay cho lòng yêu nước vong bản đến độ “bỏ cả mồ mả ông bà, bỏ nước mà trốn chạy”… Con người từng cầm súng đánh Mỹ kia biết chăng trong số những người di tản dịp 30/4/1975 có không ít những bàn tay đã nhuốm máu, ám ảnh nặng nề bởi tội lỗi đã gây ra với nhân dân, đất nước; tư tưởng bị nhiễm độc quá nặng bởi bộ máy tâm lý chiến chính quyền Sài Gòn ra rả tuyên truyền áp đặt bôi đen những người Cộng sản (trong đó có ông) và chủ nghĩa xã hội… 42 năm đất nước thống nhất, lạ thay giờ đây vẫn có kẻ thoi thóp hà hơi tiếp sức cho tiếng nói lạc lõng gây chia rẽ hận thù đã quá cũ rích bằng cách ngụy biện “trốn chạy những người nhân danh là người yêu nước nhưng chỉ biết có ý thức hệ Cộng sản, trốn chạy những người mang chuyên chính vô sản sắt máu vay mượn từ nước ngoài về nô dịch cả dân tộc”. Từng được trui rèn bản lĩnh với lời thề: "Trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" thế mà “vị đại tá” vội trở chứng, phản bội chính mình, “bán linh hồn cho quỷ dữ”, nuối tiếc và muốn trở lại một thời miền Nam tiếp tục sống trong sự nô dịch của chủ nghĩa đế quốc. Ông ta hẳn phải biết tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ từng giữ cương vị Thủ tướng giai đoạn 1965-1967 và Phó Tổng thống giai đoạn 1967-1971 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Là người từng được coi là có tư tưởng chống cộng cực đoan nhưng kể từ năm 2004, ông được nhiều ý kiến đánh giá là một trong những biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc. Kể từ năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về Việt Nam bốn lần…
 
       
Chiều 15/1/2004, trong chuyến lần đầu trở về Việt Nam kể từ năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ đã có buổi trò chuyện với giới báo chí trong và ngoài nước. “Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam sau 30 năm, còn hai tuần nữa tôi bước sang tuổi 75” - ông Kỳ mở đầu câu chuyện và tiếp tục: “30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy TP.HCM từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương”, ông Nguyễn Cao Kỳ đã khóc khi nhắc lại câu chuyện này. Ông Kỳ cũng thừa nhận, chuyến về của ông gây nhiều dư luận: đồng tình và không đồng tình đều có. “Những nhóm người hải ngoại ở Mỹ quen sống “kiểu Mỹ” cho nên vấn đề gì họ cũng có thể có ý kiến chống đối. Tôi sống gần họ nên tôi hiểu đa số người Việt Nam trầm lặng ở hải ngoại họ rất thông cảm và chấp nhận những gì mà tôi đã nói và đề cập về quê hương. Những nhóm chống đối đó chỉ là thiểu số và bản thân tôi cũng chẳng bao giờ thèm để ý. Tôi cũng muốn nói thêm rằng những người mà giờ phút này, sau 30 năm khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á. Thế mà lại có những kẻ vẫn muốn quay về chuyện dĩ vãng. Chuyện không tưởng”… Chưa hết, xin thêm một nhân chứng nữa là có viên trung tướng thời chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, định cư ở nước ngoài và gần đây trở lại, chứng kiến sự đổi thay tích cực, tiến bộ của đất nước, xã hội Việt Nam đã từng than: Cũng may là Cộng sản giải phóng Sài Gòn, chứ chúng tôi (chính quyền Sài Gòn) mà chiếm được Hà Nội thì với bản chất ngụy quân, ngụy quyền sẽ không tưởng tượng nổi đã gây ra tang thương, cảnh nồi da nấu thịt như thế nào!...  
 
Không chịu “quay đầu là bờ” và chìm đắm trong cõi u mê nên “vị đại tá” mới xàm ngôn: “Từ 30 tháng tư năm 1975, người Việt Nam bị chia rẽ đau đớn và sâu sắc nhất chưa từng có trong lịch sử hiển hách bốn ngàn năm dựng nước của dân tộc Việt Nam”. 
 
Dù cố gắng đánh bóng bản thân cao đạo nhưng “cái đuôi” của tác giả cũng lòi ra khi tự nhận mình là “những người Việt Nam chân chính” và “phải nhận lấy nỗi buồn lịch sử, phải nhận lấy trách nhiệm lịch sử: Đấu tranh đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nô dịch Cộng sản và giành lại những mảnh đất thiêng liêng của tổ tiên người Việt đã bị mất mát, sang nhượng cho bành trướng Đại Hán dưới thời Cộng sản”. Huỵch toẹt tư tưởng kích động gây hận thù dân tộc và rắp tâm xuyên tạc, chống phá mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đến mức này thì đã đến lúc pháp luật sớm ra tay. 
 
Trên thế giới và nhất là những năm gần đây với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản, nhân loại không lạ gì những luận điệu lợi dụng truyền thông, mạng xã hội nhằm gây hận thù (hate speech), kích động lật đổ, bạo loạn, gây rối an ninh chính trị, trật tự xã hội ở nhiều quốc gia… Theo Ủy ban châu Âu (EC), có thể hiểu “hate speech” gồm các hình thức phát ngôn gieo rắc hoặc ủng hộ sự thù hận sắc tộc, bài ngoại, cũng như những phát ngôn sỉ nhục, kỳ thị do thiếu khoan dung đối với sự khác biệt… Theo nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%)… Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 16/12/1996), tại khoản 2, Điều 20 nêu rõ: “Mọi chủ trương gây hận thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm”… EC cho rằng, mỗi quốc gia cần đưa ra các đạo luật nhằm hạn chế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những phát ngôn đi quá giới hạn vì chúng được coi là “lạm dụng” quyền tự do ngôn luận. Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản cũng vừa thông qua luật ngăn chặn phát ngôn thù hận (bao gồm sự bôi nhọ hoặc đe dọa người khác trên mạng xã hội). Tại khoản 1, Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng các hành vi bị nghiêm cấm có quy định không được “Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: a. Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo…”. 
 
Dựa trên Công ước quốc tế và Nghị định Chính phủ Việt Nam ban hành, chúng ta cần có biện pháp đấu tranh kiên quyết, triệt để và phải xử lý bằng pháp luật những người, những luận điệu gây kích động hận thù dân tộc và chống phá Nhà nước như tác giả bài “Ngày 30 Tháng Tư” đã xàm ngôn trên vandoanviet.blogspot.com!
 
ĐÀ VĂN