Từ một câu chuyện, nghĩ về phong cách ứng xử Hồ Chí Minh

08:05, 10/05/2017

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, là một chỉnh thể với nội dung nhiều tầng ý nghĩa, phát triển theo lôgíc đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày. Câu chuyện dưới đây thể hiện rõ nét phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người. Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta, là một chỉnh thể với nội dung nhiều tầng ý nghĩa, phát triển theo lôgíc đi từ suy nghĩ đến nói, viết và biểu hiện ra qua hoạt động sống hàng ngày. Câu chuyện dưới đây thể hiện rõ nét phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Chuẩn bị đón đoàn khách quý của Nhà nước, Bác cho gọi một số cán bộ của Trung đoàn 600 tới Phủ Chủ tịch để lựa chọn sĩ quan tùy tùng. Bác giải thích: “Đoàn khách này là khách quý của Nhà nước. Họ rất quý mến Việt Nam, ta cần tranh thủ bạn. Song, họ có cuộc sống cao, lại rành giao tiếp, vì vậy việc đón tiếp cần phải lưu ý từ những chi tiết nhỏ. Các chú đều đánh giặc giỏi, trách nhiệm bảo vệ phải cao. Nhưng trong giao tiếp ngoại giao, còn nhiều điểm chưa tìm hiểu. Nay Bác cần các chú học thêm về giao tiếp, từ cách cúi chào, bắt tay sao vừa lịch sự, lại vừa đàng hoàng, khiêm tốn, nhã nhặn. Phải học ngoại ngữ, và cả khiêu vũ nữa. Đấy là nói với các chú, còn bây giờ thời gian gấp, Bác lựa một chú, dạy cấp tốc để dăm hôm nữa vào việc”.
 
Sau đó, Bác chọn đồng chí Nhân, đại úy, Đại đội phó của Tiểu đoàn 44 - Tiểu đoàn Bảo vệ Bộ Quốc phòng là sỹ quan tùy tùng cho Bác. Sau mấy ngày học môn lễ nghi, một số từ tiếng Anh trong giao tiếp và khiêu vũ, đồng chí Nhân được Bác gọi lên kiểm tra:
 
- Chú là cán bộ quân sự, hãy đặt các tình huống để xử lí. Vậy Bác đưa ra một tình huống để chú tập: Ngày thường Bác để hộp thuốc lá ở túi. Khi hút, Bác tự lấy ra hút. Nhưng khi ra sân bay đón khách, trước nhiều khách quốc tế, các nhà báo, Bác không thể như ở nhà. Khi Bác muốn hút thuốc chỉ cần nhìn lại, sĩ quan tùy tùng phải tiến lên mở hộp để Bác lấy thuốc, chú bật lửa, động tác này phải rất khéo, lịch sự…
 
Nói xong, Bác và đồng chí Nhân tập tình huống này. Đồng chí Nhân cầm hộp thuốc lá của Bác đặt vào túi áo của mình. Bác đứng như đón khách, vừa ra hiệu. Đồng chí Nhân tiến lại bật hộp thuốc lá. Bác nhón một điếu, đặt lên môi, đồng chí Nhân bật lửa. Động tác vừa nghiêm trang vừa lịch sự, lại rất tình cảm. Nhất là khi Bác vừa nhả khói thì đồng chí Nhân dập gót chân lùi xuống một bước để quay về vị trí phía sau.
 
Bác tỏ ra hài lòng nhưng Người nói tiếp:     
 
- Chú thực hiện động tác quá tốt, nhưng đây là trong phòng, ra sân bay có nhiều khách, sẽ làm chú mất bình tĩnh. Lại có gió, mùa này, phần nhiều gió đông nam, song đôi khi đổi chiều có gió tây nam, hay gió đông bắc. Chú bật lửa mà không lựa chiều gió sẽ cháy râu Bác. Các cháu thiếu nhi nó bắt đền, chú lấy râu đâu mà đền! 
 
Cả phòng vang tiếng cười. Câu đùa dí dỏm của Bác làm đồng chí Nhân bật ra sáng kiến và xin phép Bác cho tập lại, tự đề ra tình huống:
 
- Thưa Bác, mùa này phần nhiều là gió đông nam, cháu xin làm lại động tác. Cháu sẽ đứng trước gió, động tác bước lên là phía trái để khi bật lửa thì đứng trước Bác, râu Bác theo gió hất phía bên phải ạ!
 
Bác đồng ý, đồng chí Nhân làm lại động tác. Tập xong, Bác rất hài lòng và bảo:
 
- Đây là tập ở nhà. Ra sân bay cần phải bình tĩnh và lúc ấy, gió hướng nào phải lựa gió mà đánh lửa. (Ngọc Châu, những ngày được gần Bác, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2001).
 
Thông điệp mà Bác muốn gửi gắm cho chúng ta chính là phong cách xử lí tình huống linh hoạt, khéo léo để đạt mục tiêu, đó chính là văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh đã thâu thái được cái gần gũi tế nhị với độ sâu sắc lịch lãm, cái dung dị đời thường với tầm cao của tư duy bác học; sự hòa quyện trong phương sách ứng xử Hồ Chí Minh đã đạt tới nghệ thuật đặc trưng riêng, ít pha lẫn với mọi người.
 
Với vốn hiểu biết uyên bác, ý chí nghị lực phi thường cùng với sự giản dị, lạc quan, kinh nghiệm và tự tin kết hợp với phong cách lịch thiệp, nho nhã trong giao tiếp ứng xử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần xử lý khéo léo các tình huống phát sinh, đem lại những thành quả to lớn cho cách mạng Việt Nam. Theo Người, gặp mỗi vấn đề “phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”. Muốn quyết định đúng mọi vấn đề, trước hết phải: Điều tra nghiên cứu rõ ràng. Có nắm chắc tình hình thì đề ra chính sách mới đúng. Và mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại, phải biết tổng kết rút kinh nghiệm để làm “khuôn phép” cho những công việc khác, coi đó là chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ hoàn thiện mình hơn.
 
Thực tế, khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ còn gặp khó khăn trăm bề, thù trong giặc ngoài, thiên tai, giặc đói, giặc dốt… bản thân Người cũng phải chuyển chỗ ở nhiều nơi, luôn cải trang, có khi cần đi sớm về tối để tránh nguy hiểm, nhưng sách lược và chiến lược tài tình của Người đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi ghềnh thác. Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng triệt để những mâu thuẫn giữa Pháp và Tưởng, khi Người nhân nhượng với Pháp để đuổi Tưởng và bè lũ tay sai về nước; khi Người hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp, dành thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Đó chính là sự giải quyết tình huống linh hoạt và hiệu quả, tránh cho Việt Nam một cuộc đụng độ bất lợi, vừa đuổi được 20 vạn quân Tưởng và bè lũ tay sai, vừa bảo vệ được nền độc lập, lại có thời gian để chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
 
Năm 1946, trước khi lên đường thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành, quyền Chủ tịch nước: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật giao tiếp, lấy mục tiêu không thay đổi là độc lập, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân làm gốc, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể, tùy từng lĩnh vực và đối tượng cụ thể mà có sự vận dụng linh hoạt, uyển chuyển những phương pháp, cách thức giao tiếp khác nhau cho phù hợp. Nét đặc sắc trong nghệ thuật giao tiếp ấy, không chỉ đem lại thành quả lớn lao cho cách mạng Việt Nam, mà còn làm cho tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người mãi mãi trường tồn và tỏa sáng. 
 
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình thế giới đầy biến động và phức tạp thì bài học về phong cách ứng xử của Bác vẫn luôn có giá trị, đặc biệt là trong đối ngoại, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; trong thực hiện chủ trương cải cách hành chính, xây dựng văn hóa giao tiếp cho cán bộ, công chức Nhà nước. Nhìn nhận từ góc độ văn hóa, kế thừa và phát huy những nét đặc sắc về văn hóa trong phong cách giao tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị gắn với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng để mỗi tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh; mỗi cán bộ, đảng viên thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: cần - kiệm - liêm - chính - chí công, vô tư; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
TRẦN TRUNG HIẾU 
Phó Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh