Đam Rông: Tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

08:06, 20/06/2017

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; do đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đặc biệt là ở huyện nghèo mới vừa 12 tuổi như Đam Rông.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; do đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vừa cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đặc biệt là ở huyện nghèo mới vừa 12 tuổi như Đam Rông.
 
Tăng cường về với cơ sở cũng là một trong những phương pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở Đam Rông. Ảnh: Ngọc Ngà
Tăng cường về với cơ sở cũng là một trong những phương pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
ở Đam Rông. Ảnh: Ngọc Ngà
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
 
Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông tiến hành đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước hết từ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Theo đó, các nghị quyết chuyên đề cũng như các chương trình hành động đã được ban hành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chung chung. Đặc biệt, phong cách làm việc của các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở cũng được đổi mới. 
 
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông: Đây được xem như điểm tập trung và nổi bật nhất trong suốt quá trình thực hiện. Theo đó, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy được quy định rõ ràng, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên. Kiên quyết chống lối làm việc quan liêu, xa rời thực tế, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, chống tác phong đại khái, hời hợt, không đi sâu vào thực chất của vấn đề, của sự việc. 
 
Đảng lãnh đạo xã hội thông qua Nhà nước, vì thế Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi quy chế làm việc của cấp ủy, HĐND, UBND các cấp để phát hiện những quy định không phù hợp, những chồng chéo, bất hợp lý, từ đó kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chỉ đạo duy trì nề nếp sinh hoạt, hội họp giao ban, quy định cụ thể về chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất… Qua đó, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với mọi mặt kinh tế, xã hội, không buông lỏng cũng không bao biện làm thay. 
 
Ghi nhận thực tế tại cơ sở, đồng chí Dơng Gur Ha Jăk - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long cho biết: “Các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… của xã đều được Đảng ủy xem xét thông qua trước khi HĐND, UBND xã quyết định. Nhờ vậy luôn bảo đảm được sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong toàn hệ thống chính trị đối với các vấn đề của địa phương”.
 
Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, nên công tác kiểm tra, giám sát, đốc thúc việc thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ đã đề ra, nhất là những nghị quyết chuyên đề, vấn đề bức xúc ở cơ sở được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành các nhiệm vụ ở địa phương.
 
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả
 
Để thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu, vấn đề then chốt là phải có một đội ngũ cán bộ vững mạnh về mọi mặt. Vì thế,  công tác xây dựng bộ máy luôn được Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông chú trọng.
 
Do đặc thù là huyện mới, giai đoạn 2005 - 2010 đội ngũ cán bộ của huyện có nhiều biến động. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho địa phương trong kiện toàn bộ máy. 
 
Trong xây dựng, tổ chức bộ máy và cán bộ, Huyện ủy Đam Rông xác định quan điểm, mục tiêu hướng tới là xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực hiệu quả gắn với đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có trách nhiệm, thạo việc, tâm huyết, gắn bó với địa phương, đồng thời, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. 
 
Đến nay, toàn huyện có trên 1.500 cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của huyện. Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực, ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, trên cơ sở biên chế được tỉnh giao hàng năm, công tác cán bộ luôn được chú trọng từ nhiều nguồn, kết hợp nguồn tại chỗ với lực lượng trí thức trẻ tình nguyện ở địa phương. Đến nay, đội ngũ cán bộ huyện đã tương đối ổn định về số lượng, có bước trưởng thành về nghiệp vụ, chuyên môn và có mong muốn gắn bó lâu dài với địa phương.
 
Cụ thể, tại xã Đạ Tông, đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Lãnh đạo xã thực hiện nhiều biện pháp mạnh trong việc tuyển dụng, luân chuyển, thay đổi và giải quyết chế độ nghỉ việc cho cán bộ không đạt chuẩn. Trong 10 năm qua, đã có đến 80% số cán bộ công tác ở xã và thôn đã được thay đổi vì không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Trình độ năng lực của cán bộ công chức xã đang dần được nâng lên. Hiện toàn xã có 15 cán bộ, công chức đạt chuẩn (từ trung cấp trở lên), chiếm 62,5%. 
 
Còn tại xã Đạ Long, 23/26 biên chế của xã và 6 cán bộ bán chuyên trách đều là người địa phương. “Với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người địa phương đã mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy xã. Đồng thời, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long khẳng định.
 
Sau 12 năm, mặc dù đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn hơn nhiều, song mặt bằng chung so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn còn thấp. Đa số cán bộ có bằng cấp nhưng năng lực thực tiễn chưa sâu. Công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ có nơi chưa thực sự hợp lý, còn có biểu hiện giản đơn và rơi vào tình trạng “đông người hưởng lương, thiếu người làm việc”. Cán bộ kỹ thuật chuyên viên giỏi ở các lĩnh vực rất ít. Một số cán bộ còn mang tư tưởng làm việc cầm chừng, chờ thời nên hiệu quả công việc thấp. Đội ngũ cán bộ xã còn tồn tại tính trông chờ, ỷ lại và các địa phương vẫn chưa xây dựng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện tại địa phương. Cũng bởi những lý do trên nên công tác quy hoạch cán bộ còn gặp nhiều khó khăn và hay bị phá vỡ.
 
Từ năm 2015 đến nay, Đam Rông đã thực hiện tinh giản biên chế 21 cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ cấp xã. Trong thời gian tới, Đam Rông tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế theo kế hoạch của tỉnh, mục tiêu phấn đấu tới 2020 giảm 5% số lượng công chức hành chính, nhằm đảm bảo một đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt và có số lượng không những đủ cho nhu cầu trước mắt mà còn cho lâu dài, đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ chính trị địa phương trong từng thời kỳ cụ thể.
 
NGỌC NGÀ