Học Bác để làm việc tốt hơn

08:06, 13/06/2017

Phong cách Hồ Chí Minh mang đậm tính dân tộc và quốc tế, rất mực nhân từ nhưng triệt để cách mạng; uyên bác nhưng cực kỳ khiêm tốn; nguyên tắc về chiến lược nhưng linh hoạt trong sách lược; nhìn xa trông rộng nhưng thiết thực cụ thể; vĩ đại mà khiêm nhường giản dị. 

Phong cách Hồ Chí Minh mang đậm tính dân tộc và quốc tế, rất mực nhân từ nhưng triệt để cách mạng; uyên bác nhưng cực kỳ khiêm tốn; nguyên tắc về chiến lược nhưng linh hoạt trong sách lược; nhìn xa trông rộng nhưng thiết thực cụ thể; vĩ đại mà khiêm nhường giản dị. 
 
Phong cách làm việc của Bác rất đa dạng, nhưng tựu trung một số vấn đề sau: 
 
Phong cách làm việc khoa học, khách quan, trung thực: Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm thực chất tình hình, “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”. Về phần mình, để nắm tình hình, Người không chỉ dựa vào bộ máy giúp việc, mà còn thường xuyên trực tiếp đi cơ sở. 
 
Bác không hề né tránh những sự việc tiêu cực, thường được đội danh là “nhạy cảm”, càng không cho phép lợi dụng hai chữ “nhạy cảm” để che chắn sai lầm, bưng bít sự thật, bênh che cho nhau. Người coi đó là không trong sạch về đạo đức, không minh bạch về chính trị và không trung thực về khoa học. Hồ Chí Minh làm việc gì cũng có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy. Vì làm việc có kế hoạch, dù bận trăm công nghìn việc của Đảng, Nhà nước, nhưng Người lúc nào cũng ung dung, tự tại, vẫn có thời gian học tập, đọc sách, xem văn nghệ, đi xuống địa phương, đi thăm danh lam thắng cảnh… Từ thực tế và kinh nghiệm của mình, Người dạy: trong việc đặt kế hoạch không nên tham lam, phải thiết thực vừa sức, từ thấp đến cao, “chớ làm kế hoạch cho đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được”.
 
Về phong cách làm việc luôn đổi mới: đó là phong cách không cố chấp, bảo thủ, thường xuyên đổi mới. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như những sợi dây cột chân cột tay người ta. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức khơi gợi, kích thích sự đổi mới, sáng tạo cho mỗi chúng ta.
 
Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất trong cách nói và viết của Người. Tùy theo mục đích, đối tượng, thể loại mà Người có cách viết khác nhau, theo tiêu chí mà Bác xác định là: viết cho ai? viết để làm gì?… Từ đó, Người có phong thái diễn đạt rất đa dạng, phong phú: uyên bác, hàn lâm với các chính khách phương Tây; hàm súc, “ý tại ngôn ngoại” đối với các bậc đại nho; mộc mạc, giản dị đối với đồng bào còn ít chữ. 
 
Phong cách diễn đạt của Bác là: cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực; diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao; sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể; phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng.
 
Để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, nhất là đối với những cán bộ trẻ, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan, đơn vị trong những lớp tập huấn ngắn hạn, trung hạn, các lớp quản lý nhà nước, lý luận chính trị, mỗi người phải luôn đề cao tinh thần tự học, học từ đồng chí đồng nghiệp, thường xuyên nghiên cứu nâng cao trình độ, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu công việc. 
 
Ngoài học Bác về phong cách làm việc, mỗi người cần tự trang bị những kỹ năng mềm, như kĩ năng soạn thảo văn bản; việc lên kế hoạch, sắp xếp công việc hợp lý, kỹ năng làm việc nhóm; đồng thời cần phân chia hợp lý, quản lý hiệu quả thời gian, bao gồm lập kế hoạch làm việc, danh mục việc làm...
 
Để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc, mỗi người đều có thể học từ Bác Hồ rất nhiều, trong đó có phong cách làm việc khoa học của Người, cùng với cách sắp xếp, tiết kiệm thời gian, tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm là phương pháp đơn giản, dễ học, dễ thực hiện. 
 
LƯU VĂN TUỆ