Nâng cao đạo đức nhà báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh

11:06, 19/06/2017

(LĐ online) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo là di sản vô giá của nền báo chí cách mạng, có nội dung phong phú và sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo các thế hệ nhà báo Việt nam đủ đức và tài, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. 

(LĐ online) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo là di sản vô giá của nền báo chí cách mạng, có nội dung phong phú và sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo các thế hệ nhà báo Việt nam đủ đức và tài, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. 
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nghề báo nói chung và nhà báo nói riêng rất toàn diện, phong phú, nhưng tựu trung là: (1) Đạo đức nghề báo được hiểu đó là phẩm chất tốt đẹp nhất, là “cái gốc”, là lương tâm và phương châm hành nghề của những người làm báo cách mạng; nó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. (2) Hoạt động báo chí là hoạt động chính trị - xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy; nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng với nhân dân. (3) Người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và xã hội; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân; một lòng, một dạ phục vụ nhân dân; nếu không nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm chuyên môn thì khó hoàn thành được sứ mệnh cao cả của báo chí.  (4) Coi trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động báo chí. Điều này đã trở thành quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. (5) Do đặc trưng của hoạt động báo chí nên hơn nghề nào hết, người làm báo lại càng phải học tập một cách thường xuyên, phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. (6) Nhà báo là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, cần phải nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình và không chỉ phê bình trong nội bộ mà còn cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết. 
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo cho thấy đạo đức nghề nghiệp là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng của hoạt động báo chí, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn cả nghiệp vụ báo chí. Từ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác về đạo đức nghề báo có ý nghĩa rất lớn; đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là trách nhiệm và nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết đối với đội ngũ nhà báo hiện nay. 
 
Việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành (ngày 15/12/2016) và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo một mặt khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, mặt khác tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Mục tiêu của bộ Quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Từ ý nghĩa rất tích cực này, Bộ Quy định sẽ được lan tỏa trong đời sống báo chí và tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam”. Từ đó, góp phần “xây dựng một nền báo chí lành mạnh, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân”.
 
10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, là sự vận dụng và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà báo và Luật Báo chí 2016, bao gồm các nội dung: (1) Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. (2) Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác. (3) Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật. (4) Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. (5) Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. (6) Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật. (7) Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp. (8) Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. (9) Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. (10) Cam kết thực hiện những quy định trên là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.
 
Để 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo sớm đi vào thực tiễn hoạt động báo chí, thiết nghĩ tổ chức hội Nhà báo các cấp, các hội viên cần thực hiện nghiêm túc Chương trình hành động của Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TƯ (Khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ”; trong đó cần tập trung vào một số nội dung chính sau đây: 
 
Thứ nhất, tổ chức cho toàn thể hội viên và người làm báo học tập nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII). Chú trọng phân tích, thảo luận, liên hệ thực tế địa phương, cơ quan, đơn vị mình; chú ý những điểm mới, những vấn đề thường gặp, dễ mắc sai phạm trong tác nghiệp báo chí.
 
Thứ hai, từng cơ quan báo chí, từng tổ chức hội căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của mình, tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội quy, quy chế hoạt động cho phù hợp với các quy định vừa mới ban hành; cần thiết phải có quy ước hoặc quy định riêng trong việc thực hiện 10 Quy định chung về đạo đức nghề nghiệp…
 
Thứ ba, các cấp hội, các cơ quan báo chí cần triển khai ngay việc thực hiện Quyết định số 533/QĐ-HNBVN và 534/QĐ- HNBVN ngày 30/3/2017 của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về việc thành lập Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cũng như Quy chế làm việc của Hội đồng. Đây là công việc quan trọng và có tính chất quyết định, giúp cho việc thực hiện Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp đạt hiệu quả cao.
 
Thứ tư, công tác thông tin tuyên truyền, đề cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phải được đẩy mạnh, tiến hành thường xuyên và xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2017. Tiến hành tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho phóng viên, hội viên; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nhằm điều chỉnh, ngăn chặn và xử lý những sai phạm, đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, chính xác…
 
Thực trạng thời gian qua cho thấy, việc Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo là hết sức cần thiết và có ý nghĩa. Hi vọng việc triển khai thực hiện 10 quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo sẽ góp phần củng cố niềm tin, nâng cao uy tín của báo chí nói chung, nhà báo nói riêng.
 
KHÁNH LINH