"Đền ơn, đáp nghĩa" tạo điểm tựa tinh thần để đối tượng chính sách nỗ lực vươn lên, cống hiến cho đất nước

08:07, 20/07/2017

Trải qua chiến tranh vệ quốc chống Pháp và đánh Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cùng với hai lần kiên dũng bảo vệ biên cương phía Bắc và Tây Nam bộ, trên dải đất hình chữ S thân yêu đã có biết bao người con ưu tú của nước Việt đã anh dũng hy sinh trở thành các anh hùng liệt sĩ hay đóng góp một phần xương máu cho đất nước hôm nay hòa bình, phồn vinh.

Trải qua chiến tranh vệ quốc chống Pháp và đánh Mỹ giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cùng với hai lần kiên dũng bảo vệ biên cương phía Bắc và Tây Nam bộ, trên dải đất hình chữ S thân yêu đã có biết bao người con ưu tú của nước Việt đã anh dũng hy sinh trở thành các anh hùng liệt sĩ hay đóng góp một phần xương máu cho đất nước hôm nay hòa bình, phồn vinh.
 
Không chỉ tôn vinh: “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ…” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu còn căn dặn toàn dân tộc khắc ghi: “Anh em thương binh, bệnh binh cũng như gia đình liệt sĩ đó là những người đã có những cống hiến đối với Tổ quốc, thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình cho kháng chiến, gia đình liệt sĩ đã cống hiến người con, người cháu của mình cho Tổ quốc, cho kháng chiến, vì vậy chúng ta phải giúp đỡ thực sự về tinh thần lẫn vật chất”. Chính vì lẽ đó, ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL về “Chế độ hưu bổng, thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là điểm tựa chính sách để động viên nhân dân tham gia công cuộc kháng chiến và kiến quốc.     
  
Thực hiện lời dạy của Người, 70 năm qua, phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các chính sách ưu đãi đã thiết thực hỗ trợ cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ổn định đời sống, nỗ lực vươn lên. Những năm gần đây, việc triển khai các chế độ, chính sách ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ, mang lại những giá trị to lớn về chính trị và tinh thần, tô đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc.
 
Hiện cả nước có trên 9 triệu người có công, chiếm 10% dân; hàng chục ngàn con thương binh, liệt sĩ và gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng. Với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, thời gian gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu toàn diện các vấn đề tồn tại, vướng mắc, phát sinh liên quan đến người có công, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí áp dụng cho các đối tượng cụ thể và các chế độ chính sách ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện kinh tế  - xã hội đất nước trong từng thời kỳ; tiếp tục rà soát các hồ sơ tồn đọng; nghiên cứu soạn thảo trình Quốc hội ban hành Luật Người có công với Tổ quốc. Qua đó, thực hiện mục tiêu người có công phải được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đồng thời thấy rõ những vấn đề còn bất cập của chính sách, phát hiện các tiêu cực trong việc xét duyệt và thực hiện chế độ ưu đãi người có công… Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng 28.500 trường hợp kê khai là người có công chưa được hưởng chính sách. Nguyên nhân là không có căn cứ, giấy tờ, tài liệu để thiết lập hồ sơ; nhiều trường hợp đã lập hồ sơ nhưng không đủ điều kiện giải quyết…
 
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về những định hướng chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, đề ra quyết tâm phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo đảm các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Mục tiêu này cơ bản thành hiện thực sinh động và tốt đẹp song công việc “Đền ơn, đáp nghĩa” vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết thấu đáo. Cùng với thực hiện các chế độ và chính sách ưu đãi, các địa phương, các ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt việc lập và xét duyệt hồ sơ thường xuyên theo các quy định pháp luật hiện hành. Các địa phương tự tăng cường kiểm tra, rà soát ngay khi lập hồ sơ ban đầu xác nhận người có công, giải quyết chế độ ưu đãi để kịp thời phát hiện, xử lý những đối tượng không đúng, nhất là với các trường hợp không có hồ sơ gốc, kịp thời xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, đảm bảo khắc phục hạn chế, những nội dung đã lạc hậu, để phù hợp với tình hình mới.  
 
Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” chính là việc làm tri ân thiết thực tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách có nền tảng về vật chất, có điểm tựa về tinh thần nhằm tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
 
 LAN HỒ