Học và làm theo gương Bác phải xuất phát từ chữ "Tâm"

08:07, 07/07/2017

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng thêm".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt… ngày càng thêm”.
 
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, nhưng đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người chân chính, bình thường, ai cũng có thể học theo, làm theo để trở thành một người lãnh đạo tốt, một cán bộ tốt, một đảng viên tốt, một người công dân tốt. “Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta đã có sẵn trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu trung với nước, hiếu với dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính chúng ta đã học từ thời cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không còn khó nữa” (Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc - tháng 8/1948).
 
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải xuất phát từ “chữ Tâm”. Điều đó trước hết là xuất phát từ tấm lòng yêu kính Bác, một con người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân, cho chính chúng ta. 
 
Mục đích của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác còn vì mục đích là để “làm người”, để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, toàn tâm, toàn ý “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
 
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay là chặn đứng và xóa bỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội, trước hết trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Học tập và làm theo gương Bác sẽ góp phần tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
 
Vì vậy, học tập và rèn luyện theo gương Bác không phải chỉ ở những thử thách lớn lao, những công việc trọng đại sống còn... mà còn ngay trong những hoạt động, sinh hoạt nhỏ nhặt đời thường nhất như Bác thường dạy chúng ta: “Muốn đi xa, trước hết phải đặt chân từ trong nhà”. Chính vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, mỗi chúng ta dù ở chức danh, địa vị nào xin chớ vội nghĩ đến những gì to tát, cao xa mà trước hết hãy bắt đầu ngay từ những gì nhỏ bé nhất, đời thường nhất.
 
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc tăng cường quản lý, giữ nghiêm kỷ luật, ghép mình vào tổ chức đối với cán bộ, đảng viên. Người kết luận: “Tất cả cán bộ, đảng viên phải giữ tính kỷ luật, tính tổ chức. Nhớ rằng không có việc gì làm ngoài tổ chức, ngoài kỷ luật mà thành công”. Người cũng rất kiên quyết với những cán bộ, đảng viên mắc bệnh kiêu ngạo, công thần, tự cao, tự đại mà không sửa chữa. Nếu không tăng cường giáo dục và kỷ luật, không đấu tranh chống tư tưởng tự do vô tổ chức, vô kỷ luật thì một số cán bộ, đảng viên dần dần sẽ “mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại, tự cho mình có đặc quyền, đặc lợi và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân”.
 
Nói xuất phát từ “chữ Tâm” khi học tập và làm theo Bác còn bởi vì tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng luôn phải đối đầu với “kẻ địch nguy hiểm” của đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân. Theo Bác, vì chủ nghĩa cá nhân mà nhiều người mắc bệnh tự phụ, tự cao tự đại... cho mình đã là người tốt rồi, tài giỏi hơn người rồi, tự cho mình là “cách mạng già”, “cách mạng cũ”, hoặc “biết mình có khuyết điểm nhưng không chịu sửa”, hoặc chỉ chú trọng về hình thức, nặng về phong trào thuần túy... thì khó có thể học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có hiệu quả. Hãy xuất phát từ “chữ Tâm” để thật sự khiêm tốn đánh giá lại mình, lắng nghe lời phê bình chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè, của nhân dân…để “sửa mình” và ghép mình vào tổ chức, tuân thủ kỷ luật triệt để “hoàn thiện mình”..., đó là một cách học tập “có chất lượng” bài học đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Tư tưởng  “phụng công thủ pháp” là nguyên tắc hoạt động mà người cán bộ, công chức, viên chức... phải ghi nhớ và thực hành triệt để, góp phần vào việc giữ vững “kỷ cương” của đơn vị...; không nên quá coi trọng “cái tôi” mà nhiều lúc sống theo suy nghĩ chủ quan, vi phạm các nguyên tắc chung của xã hội, của tổ chức và cần nghiêm túc khắc phục, sửa chữa, xứng đáng hơn nữa với tấm gương của Bác từ những việc làm thiết thực hàng ngày như Bác từng dừng lại vài chục giây trước đèn giao thông hay tự giác cởi dép khi vào chùa… Nếu xuất phát từ chữ “Tâm” thì việc tuân thủ một cách nghiêm túc “luật lệ”, kỷ luật, kỷ cương sẽ trở thành một thói quen bình dị, tự nhiên, không khiên cưỡng… từ những hành động “nhỏ” như “đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy” hoặc “vào cổng xuống xe” khi đến cơ quan theo qui định...; đến việc chấp hành nghị quyết của tổ chức, chỉ thị, kết luận của lãnh đạo, của tổ chức, của Đảng... Từ đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ trở thành việc làm tự giác và thiết thực nhất.
 
HỒNG VĨNH