Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào đời đời bền vững

09:07, 18/07/2017

(LĐ online) - Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, cùng dựa vào dãy Trường Sơn, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố lịch sử, mối quan hệ Việt - Lào được hun đúc bằng công sức và sự hy sinh xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ, nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào; thật sự trở thành một điển hình, một hình mẫu hiếm có.

(LĐ online) - Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, cùng dựa vào dãy Trường Sơn, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều giai đoạn và biến cố lịch sử, mối quan hệ Việt - Lào được hun đúc bằng công sức và sự hy sinh xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ, nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào; thật sự trở thành một điển hình, một hình mẫu hiếm có.
 
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt, thủy chung, trong sáng
 
Cách đây 55 năm, ngày 05/9/1962, hai nước Việt Nam – Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc láng giềng Việt – Lào. Dưới sự lãnh đạo của hai Ðảng, nhân dân hai nước anh em đã luôn kề vai sát cánh, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần "hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa" đưa sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. 
 
 Năm 1975, Việt Nam hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, cũng là năm nước CHDCND Lào ra đời, bắt tay xây dựng đất nước, quan hệ Việt Nam - Lào chuyển sang giai đoạn mới: Phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện mà bằng chứng sinh động là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào được ký ngày 18/7/1977. Đây là Hiệp ước mang tính chiến lược lâu dài, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng nhằm củng cố và tăng cường tình đoàn kết, mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào; đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này một lần nữa khẳng định, hai Ðảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trước sau như một, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đổi mới đất nước; mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên trường quốc tế. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc, là quy luật phát triển và là một trong những nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước trong thời kỳ mới.
 
Có thể nói, mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một hình mẫu hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông xây dựng, vun đắp và được các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần khẳng định quyết tâm tiếp tục bảo vệ, phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trên tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi bên; đồng thời dành cho nhau ưu tiên, ưu đãi hợp lý, không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. 
 
Những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước 
 
Trải qua 55 năm hai nước Việt Nam – Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2017) và 40 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18/7/1977 - 18/7/1977), sự hợp tác toàn diện giữa hai nước đã mang lại nhiều thành tựu và kết quả tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh...Qua đó, không ngừng củng cố và phát huy truyền thống quan hệ đặc biệt, trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của mỗi nước.
 
Về chính trị, hàng năm giữa hai Bộ Chính trị đều có các cuộc gặp mặt chính thức giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng được tăng cường. Quan hệ giữa các ban, bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Hai bên đã phối hợp và biên soạn công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam từ 1930 - 2007, đúc kết bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới. Vừa qua, hai nước đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo, xây dựng hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào, ký kết 02 văn kiện quan trọng Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu vào ngày 16/3/2016.
 
Về kinh tế, theo tiến sĩ Feuangsy Laofoung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Lào cho biết, đến nay, trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Lào (khoảng 5,22 tỷ USD), thì vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là gần 4,9 tỷ USD; là quốc gia đứng đầu trong 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào tập trung có hiệu quả trong các lĩnh vực thuỷ điện, khai khoáng, giao thông vận tải, trồng cây công nghiệp…
 
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, hợp tác giáo dục, đào tạo là lĩnh vực được hai bên ưu tiên và nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển nguồn nhân lực là chương trình được ưu tiên và có tính chiến lược vì lợi ích lâu dài của hai nước, sử dụng vốn đầu tư chiếm tỷ lệ cao nhất so với tất cả các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam. Thạc sĩ Khamla Keo Ounkham, Chánh Văn phòng Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2017, Chính phủ Việt Nam giúp Lào hơn 2.200 tỷ đồng phục vụ giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; đào tạo gần 13 nghìn cán bộ và sinh viên Lào.
 
Ngoài ra, hai bên còn hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hợp tác giữa các địa phương giáp biên được chú trọng thúc đẩy, với việc hình thành các khu kinh tế và giao lưu buôn bán qua các cửa khẩu quốc tế, quốc gia. Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục duy trì tốt với mức độ tin cậy cao.
 
Không chỉ ở phương diện quốc gia, mà mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào còn thể hiện ở cấp độ các địa phương của hai nước, trong đó có mối quan hệ giữa tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Champasak - Lào. Từ năm 2008, hai tỉnh Lâm Đồng và Champasak chính thức xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Thành phố Đà Lạt cũng đã ký biên bản kết nghĩa với huyện Paksong của tỉnh Champasak (năm 2012). Tuy thời gian kết nghĩa giữa hai tỉnh chưa dài nhưng kết quả đạt được hết sức có ý nghĩa. Các chương trình hợp tác giữa hai tỉnh trong thời gian qua đã bám sát tinh thần chỉ đạo của hai Đảng, Nhà nước, trên tinh thần anh em. Ngoài việc trao đổi các đoàn công tác, giới thiệu doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã xây tặng nhân dân tỉnh bạn một trường năng khiếu trị giá hơn 14 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Champasak. Lâm Đồng cũng chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tỉnh bạn các lĩnh vực thế mạnh của mình như nuôi cá nước lạnh, trồng rau, hoa công nghệ cao. Chỉ riêng mô hình nuôi thử nghiệm cá nước lạnh, đã giúp tỉnh Champasak có thể phát triển mô hình nuôi cá Tầm và cá Hồi với quy mô từ 60 – 100 tấn cá mỗi năm…Thảo luận về hướng hợp tác phát triển tiếp theo trong giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng -Champasak đã nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác toàn diện; trong đó, chú trọng vào lĩnh vực giáo dục, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến đầu tư, du lịch, xuất khẩu…
 
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược âm mưu “diễn biến hòa bình”, tập trung chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ XHCN ở Việt Nam và chế độ dân chủ nhân dân ở Lào, phá hoại mối quan hệ đặc biệt và sự hợp toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần tăng cường hợp tác trong công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, thiết thực; phối hợp và trao đổi kinh nghiệm đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, bác bỏ luận điệu xuyên tạc quan hệ Việt Nam - Lào, bảo vệ sự trong sáng của mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào hiện nay.
 
Sự gắn bó mật thiết, truyền thống đoàn kết mẫu mực, thủy chung, trong sáng và quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước là tài sản vô giá đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp và sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường, phát triển đời đời bền vững. 
                                                                                            
BAN BIÊN TẬP