Nhân dân chính là người làm nên thắng lợi lịch sử

09:08, 24/08/2017

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá cho cách mạng Việt Nam trong tiến trình phát triển. Trong đó, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc và vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá cho cách mạng Việt Nam trong tiến trình phát triển. Trong đó, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là bài học có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc và vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 
 
Nhận định về thắng lợi vĩ đại và là thắng lợi đầu tiên của một dân tộc thuộc địa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền về lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc”. Sử gia Tô-mát Hót-kin (người Anh) cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
 
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là sự ghi nhận thành công của Đảng về lãnh đạo phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền cách mạng, trước hết là trong hoạch định đường lối cách mạng. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh thể hiện “chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”. Đồng thời khẳng định: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”. Cùng với hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, Đảng ta còn nhạy bén trong việc xác định rõ kẻ thù, mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm, kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng. Do vậy, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân. Thắng lợi minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc khi được Đảng khơi dậy, tổ chức tập hợp với tinh thần tự lực, tự cường. Thắng lợi cũng khẳng định trong thực tế lòng tin tuyệt đối của quần chúng nhân dân vào đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng. 
 
Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Thực tiễn cách mạng nước ta 72 năm qua là hiện thực sinh động chứng tỏ: phát huy sức mạnh toàn dân tộc là đường lối chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng, là sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm của Đảng trong điều kiện lịch sử mới. Từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã hoạch định đường lối đổi mới của đất nước, chỉ rõ 4 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó, bài học đầu tiên là: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”. Nghị quyết 8b (ngày 27/3/1990) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, trong đó nhấn mạnh quan điểm: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đến Cương lĩnh (năm 1991) nêu 5 bài học lớn, trong đó có bài học: “Chính nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử” và “không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế”… Nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng ta đã rút ra bài học: “đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đến Đại hội XII của Đảng đã đề ra phương hướng: Củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Theo đó, một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã xác định: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân… Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. 
 
Thực tế chứng minh nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi của đất nước chính là ở chỗ Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân; dân chủ “vừa là mục tiêu vừa là một động lực của công cuộc đổi mới xã hội ta”. Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận của toàn xã hội trong tiến trình xây dựng đất nước hiện nay!
 
HỒ LAN