Đam Rông: Kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở

01:08, 18/08/2017

Được thành lập muộn nhất ở tỉnh Lâm Đồng, Đam Rông hình thành với trăm bề thiếu thốn, nhất là nguồn nhân lực. Gần 12 năm hình thành và phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở của huyện dần được kiện toàn. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Đam Rông ngày càng khởi sắc.

Được thành lập muộn nhất ở tỉnh Lâm Đồng, Đam Rông hình thành với trăm bề thiếu thốn, nhất là nguồn nhân lực. Gần 12 năm hình thành và phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở của huyện dần được kiện toàn. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp Đam Rông ngày càng khởi sắc.
 
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với người dân Thôn 5, xã Rô Men (Đam Rông). Ảnh: Ngọc Ngà
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với người dân Thôn 5, xã Rô Men (Đam Rông). Ảnh: Ngọc Ngà
“Nhiệm vụ chính trị đặt ra cấp bách cho Đam Rông từ những ngày đầu là phải đẩy mạnh công tác củng cố kiện toàn hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn song song với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo”. Đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông.
Là một trong những người thuộc thế hệ cán bộ được điều động, tăng cường vào Đam Rông từ những ngày đầu thành lập huyện, đồng chí Trần Minh Thức - Bí thư Huyện ủy Đam Rông nhớ lại: “Giai đoạn đầu khi mới thành lập huyện, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, nhiều nơi phải chắp vá hụt hẫng và không đồng bộ. Nhiều thôn, buôn, trường học chưa có tổ chức Đảng và đảng viên; đặc biệt, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng này lại càng mỏng hơn; đời sống của bà con còn vô vàn khó khăn, nạn đói giáp hạt mỗi năm kinh hoàng đầy ám ảnh...”.
 
Chúng tôi tìm gặp đồng chí Trần Phước Mênh - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh, người làm việc tại địa bàn Liêng Srônh từ những năm 1996, từng là Chủ tịch xã này. “Những ngày đầu huyện thành lập, lực lượng cán bộ của xã còn yếu lắm. Toàn xã có khoảng 17 cán bộ, 25 đảng viên, bao gồm cả đảng viên tại chỗ và đảng viên tăng cường. Chừng đó cán bộ làm việc trên địa bàn có hơn 25 ngàn ha diện tích đất tự nhiên, với hơn 7.000 dân số; trong đó, có 78% là người dân tộc thiểu số, nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Cùng với Nghị quyết và những chỉ đạo sát sao từ huyện và nỗ lực của địa phương, đội ngũ cán bộ của xã dần được kiện toàn qua từng năm. Trên cơ sở đó, lãnh đạo huyện luôn quan tâm tới việc đào tạo lại đội ngũ cán bộ có sẵn, đồng thời tuyển dụng thêm lực lượng cán bộ mới với những yêu cầu nhất định về trình độ. Đến nay, hệ thống chính trị từ xã đến tận các thôn, buôn đã được đảm bảo và đạt chuẩn. Riêng đội ngũ đảng viên đã tăng lên 97 người với 11 chi bộ” - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Sronh Trần Phước Mênh nói.
 
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Huyện ủy, Đam Rông khởi đầu với hơn 400 đảng viên. Thời điểm đó, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tập trung về cơ sở, tăng cường thực hiện các hoạt động đào tạo nguồn, luân chuyển cán bộ nòng cốt của huyện về làm bí thư, chủ tịch các xã. Huyện ủy đã ban hành nghị quyết cũng như các văn bản chỉ đạo cụ thể cho từng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh việc vận dụng tối đa những điều kiện có sẵn, huyện đặc biệt chú trọng tới lực lượng người có uy tín tại các địa phương. Bởi đó là một trong những nhân tố quan trọng trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị tại các địa phương. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp ủy cơ sở cũng kiên quyết xử lý đối với các trường hợp tiêu cực, vi phạm kỷ luật, năng lực yếu, chây ỳ… cho thôi việc gắn với tinh giản biên chế để thay thế cho những nhân tố trẻ, tích cực, có trình độ và triển vọng phát triển làm nguồn kế cận.
 
Nhờ nỗ lực trong kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội của Đam Rông ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Ngà
Nhờ nỗ lực trong kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, tình hình kinh tế - xã hội của Đam Rông
ngày càng khởi sắc. Ảnh: Ngọc Ngà

Là một trong những phó bí thư xã trẻ nhất của Đam Rông, từng là cán bộ thuộc Đề án 30A - đưa trí thức trẻ tình nguyện về các xã vùng sâu, đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, Đạ Tông đã thay thế gần 50% cán bộ của xã nhằm từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở. Đó là một trong những yếu tố đóng vai trò tiên quyết cho nhiều kết quả tích cực ở xã như giảm nghèo, xây dựng NTM… Bên cạnh đó, hàng năm xã đều tập trung phát triển đảng viên về cả số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quần chúng nhân dân. Hiện Đảng bộ xã Đạ Tông có 124 đảng viên, trong đó có 70% là người dân tộc tại chỗ. Điều đó góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp trong nhân dân toàn xã”.
 
Những năm qua, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Đam Rông được chăm lo cả về số lượng và chất lượng, dần đảm bảo được các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội của huyện đã có bước phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn miền núi đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, Đảng bộ huyện Đam Rông có 33 tổ chức cơ sở đảng với gần 1.500 đảng viên. 56/56 thôn đã có đảng viên tại chỗ và thành lập được chi bộ độc lập. Lực lượng đảng viên là người dân tộc tại chỗ dần đảm nhiệm các vị trí cốt cán tại địa phương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị khắp các địa bàn dân cư ngày càng vững chắc. Cũng chừng ấy thời gian Đam Rông đã sắp xếp, kiện toàn, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm lại cho hơn 200 lượt cán bộ. Việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được chú trọng và dần theo kịp được với các địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, 170/186 cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, 93/95 công chức cấp xã đạt chuẩn ngạch công chức…
 
Nhờ vậy các nhiệm vụ phát triển của Đam Rông dần có sự khởi sắc. Không chỉ chấm dứt gần như hoàn toàn nạn đói giáp hạt mà số hộ nghèo trên địa bàn cũng giảm nhanh. Nếu như số hộ nghèo đầu năm 2011 chiếm tỷ lệ 52,22% thì đến 6 tháng đầu năm 2017, số hộ nghèo của huyện (theo tiêu chí mới) là 35,21%. 
 
Tuy nhiên, Đam Rông hiện nay vẫn là huyện khó khăn, vùng sâu, vùng xa, là huyện nghèo của cả nước. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tuy đã dần được kiện toàn song vẫn chưa mạnh, chưa đồng bộ. Lãnh đạo huyện Đam Rông thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chậm đổi mới. Nhiều việc ở cơ sở chưa tự giải quyết được, còn đùn đẩy, trông chờ vào cấp trên. Đó là những khó khăn nội tại kéo dài, đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 
 
NGỌC NGÀ