Đạ Nhim, đi lên từ một xã nghèo

09:08, 08/08/2017

Trước đây, Đạ Nhim là một xã nghèo thuộc huyện Lạc Dương, nhưng bằng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cộng với các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, gần đây, bộ mặt nông thôn cũng như cuộc sống của người dân đang từng bước "thay da đổi thịt".

Trước đây, Đạ Nhim là một xã nghèo thuộc huyện Lạc Dương, nhưng bằng sự nỗ lực vượt khó vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, cộng với các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, gần đây, bộ mặt nông thôn cũng như cuộc sống của người dân đang từng bước “thay da đổi thịt”.
 
Đạ Nhim trong tiếng Kơ Ho có nghĩa là “nước mắt”, là nơi sinh sống của đại bộ phận các dân tộc thiểu số gốc bản địa (chủ yếu nhóm Kơ Ho Cil) cùng 11 thành phần dân tộc khác cùng quần tụ với nhau, cuộc sống bao đời gắn bó với sông suối, núi rừng.
 
Trồng rau màu công nghệ cao đem lại thu nhập cao cho người dân Đạ Nhim. Ảnh Hoàng Yên
Trồng rau màu công nghệ cao đem lại thu nhập cao cho người dân Đạ Nhim. Ảnh Hoàng Yên
Kiên trì, bền bỉ, chung tay phát triển kinh tế
 
Được tách ra từ xã Đạ Chais cũ, trong những năm đầu mới thành lập xã, vùng đất này còn hoang sơ, giao thông đi lại và liên lạc khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số sống theo tập quán du canh, du cư, trình độ dân trí thấp kém, diện tích đất canh tác rất ít… song, với quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt dưới ánh sáng của các nghị quyết Trung ương, tỉnh, huyện cũng như phát huy năng lực sẵn có của địa phương, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tập hợp được sức mạnh đồng bộ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân chung sức chung lòng, đoàn kết phát triển mang đến sức sống mới cho Đạ Nhim.
 
Xuất phát điểm là vùng đất gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với lợi thế có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế của Đạ Nhim ngày càng có bước phát triển theo hướng tích cực. Bà con nông dân từng bước biết ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào trong sản xuất và kinh tế địa phương phát triển dần theo hướng sản xuất tập trung và đa dạng hóa ngành nghề…
 
Một thành tựu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đó là việc thực hiện có hiệu quả công tác định canh, định cư, xen canh, xen cư giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), gắn định cư định canh với việc hướng dẫn đồng bào trồng các loại cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, mạnh dạn giao đất, giao rừng cho đồng bào để rừng có chủ, có người bảo vệ, chăm sóc. 
 
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của xã, trên một số lĩnh vực như sản xuất nông, lâm nghiệp với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng theo hàng năm, cơ cấu cây trồng dần thay thế các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Cụ thể, rau, hoa có tổng diện tích gieo trồng 1.372,3/1.499,5 ha, trong đó có 13,8 ha của 59 hộ người đồng bào DTTS; cây ăn quả được trồng xen canh trên diện tích cà phê 151,2/ 157,5 ha, gồm mít cao sản, hồng, chuối, mắc ca… Các loại hình công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng khá như chế biến gỗ, kinh doanh buôn bán; ngoài ra, trên địa bàn hiện có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép đầu tư phát triển kinh tế và đã triển khai dự án đi vào sản xuất thu hút được 165 nhân công tại địa phương, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ, góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,78% theo tiêu chí mới, số hộ có thu nhập khá, giàu tăng lên. Qua đó chất lượng đời sống nhân dân dần nâng cao đã làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của một vùng đồng bào DTTS.
 
Sức mạnh đoàn kết bảo lưu giá trị văn hóa
 
Với tỷ lệ gần 90% đồng bào DTTS và 80% dân số của xã theo đạo Tin Lành, trong quá trình phát triển, nhân dân các dân tộc Đạ Nhim luôn sống gắn kết với nhau. Cùng với việc phát triển các giá trị văn hóa mới, văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc bản địa cũng được bảo tồn và phát huy, nhiều hủ tục lạc hậu từng bước được loại trừ, tệ nạn xã hội được ngăn chặn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng; toàn xã hiện có 771/869 hộ dân đạt Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 88,72%, trong đó có 11 gia đình đạt Gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2016, 5/5 thôn đạt thôn văn hóa, xã tiếp tục duy trì và giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được duy trì, tham gia nhiều hội thi do tỉnh, huyện tổ chức đạt nhiều kết quả khích lệ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ bà con nhân dân được thường xuyên tổ chức, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân trên địa bàn xã. 
 
Là xã được tỉnh chọn tổ chức thí điểm xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện theo chủ trương đã được cấp ủy đảng, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. 
 
Ngoài sự hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhiều hộ dân trong xã đã tự nguyện góp công, góp sức, hiến hàng ngàn mét đất để xây dựng hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng, đường giao thông nông thôn… giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Với sự quyết tâm, nỗ lực đó vào năm 2015 xã Đạ Nhim đã đạt chuẩn nông thôn mới. 
 
Những chủ trương, quyết sách xây dựng Đảng bộ vững mạnh
 
Trưởng thành qua nhiều kinh nghiệm với sự vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng phù hợp với tình hình địa phương, trong từng giai đoạn cụ thể có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, tập thể Đảng bộ xã luôn vững vàng, không hoang mang, dao động, vượt qua những khó khăn thử thách để giữ vững vai trò lãnh đạo. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Tạ Đức Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện, toàn Đảng bộ có 89 đảng viên, trong đó 48 đảng viên là người đồng bào DTTS, sinh hoạt tại 10 chi bộ trực thuộc đã tạo nên sức mạnh cho toàn Đảng bộ. Trong hoạt động thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, luôn lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm cơ bản, đồng thời thực hiện các nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình; quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của Đảng ủy xã. Trong công tác xây dựng Đảng, luôn xác định việc rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng, từ khi có chủ trương đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đến khi phát động các cuộc vận động qua Chỉ thị 06-CT/TW (2005), các phong trào như Chỉ thị 03-CT/TW (2011) và hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TW; thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân trong xã luôn vận dụng linh hoạt và có nhiều nhiều sáng tạo. 
 
Minh chứng sinh động cho kết quả đạt được là những việc làm hết sức thiết thực như: các cơ quan, đoàn thể, nhân dân từng thôn đã đăng ký xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp; đóng góp kinh phí bê tông hóa các con đường và lắp đèn chiếu sáng trong khu dân cư; tự đóng góp, tự làm các con đường hẻm trong thôn… và hiện nay đã có 10 con đường “40 triệu đồng” do người dân tự đóng góp, tự làm.  Qua việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm và hành động cụ thể tạo bước chuyển rất quan trọng. Đặc biệt, việc gắn học tập và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần nâng cao ý thức tu dưỡng về tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân. Từ đó, nhân dân tích cực chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, tạo sức lan tỏa trong đời sống xã hội.
 
Những thành tựu và kinh nghiệm được tích lũy đã tạo hành trang quý báu để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của Đạ Nhim phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
 
THÚY VÂN