"45 năm đời tôi có Ðảng"

08:09, 13/09/2017

Ðó là tâm sự của đảng viên Phạm Hồng Phi trong ngày vinh dự được nhận uy hiệu 45 năm tuổi Ðảng. Bao nhiêu năm tuổi Ðảng cũng là bấy nhiêu thời gian ông sống với những ký ức đau thương mà oanh liệt của những tháng ngày chiến đấu trong mùa hè đỏ lửa ở chiến trường Quảng Trị - nơi ông đã vinh dự được kết nạp vào Ðảng ngay tại chiến trường.

Ðó là tâm sự của đảng viên Phạm Hồng Phi trong ngày vinh dự được nhận uy hiệu 45 năm tuổi Ðảng. Bao nhiêu năm tuổi Ðảng cũng là bấy nhiêu thời gian ông sống với những ký ức đau thương mà oanh liệt của những tháng ngày chiến đấu trong mùa hè đỏ lửa ở chiến trường Quảng Trị - nơi ông đã vinh dự được kết nạp vào Ðảng ngay tại chiến trường.
 
Cầm những danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng trên tay, người đảng viên 45 năm tuổi Đảng Phạm Hồng Phi bồi hồi nhớ về những ký ức không thể nào quên trong quá khứ. Ảnh: H.My
Cầm những danh hiệu cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng trên tay, người đảng viên 45 năm tuổi Đảng Phạm Hồng Phi bồi hồi nhớ về những ký ức không thể nào quên trong quá khứ. Ảnh: H.My

Sinh năm 1951 tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có 5 anh chị em, chàng trai Phạm Hồng Phi ngày ấy thi đậu vào Khoa công nghiệp nhẹ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1969. Những năm 1970, nhiều trường đại học ở Hà Nội phải sơ tán tránh bom ở các tỉnh lân cận. Và, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ngày đó nhiều thế hệ sinh viên trong đó có Phạm Hồng Phi đã sẵn sàng xếp bút nghiên tình nguyện xung phong lên đường vào chiến trường chiến đấu. 
 
Ông Phạm Hồng Phi vẫn nhớ như in: “Tháng 8/1970, tạm biệt mái Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ và được phân về Trung đoàn 2 Hải Hưng để huấn luyện 6 tháng, sau đó nằm trong diện bổ sung quân cho chiến trường thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Đây là sư đoàn được mệnh danh là “quả đấm thép”, chuyên canh giữ bảo vệ phía Tây Hà Nội. Tháng 2/1971, tôi có mặt trong đoàn quân của Sư đoàn 308 tiến vào chiến dịch Đường 9 Nam Lào, kết thúc chiến dịch thì rút quân ra Bắc. Tiếp đến mùa hè đỏ lửa năm 1972 với 81 ngày đêm đầy oanh liệt trong Thành cổ Quảng Trị, đơn vị lại chiến đấu anh dũng để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”. 
 
Nhắc tới mảnh đất Quảng Trị, bao ký ức dường như lại hiện về rõ mồn một. Không kìm nén nổi cảm xúc, đôi mắt người đàn ông đã đi qua những năm tháng chiến tranh ác liệt lại ngấn lệ khi nhớ về 81 ngày đỏ lửa ấy.
 
Ký ức của mấy chục năm về trước giờ như một thước phim quay chậm trong tâm trí ông Phạm Hồng Phi. Ông chậm rãi kể với chúng tôi như đang sống lại ký ức của chính mình. “Khi mở màn vào giải phóng Quảng Trị, tôi lúc đó làm nhiệm vụ chiến sỹ thông tin truyền đạt (truyền thông tin bằng công văn trực tiếp, bằng miệng). Có hôm 11h đêm nhận lệnh đưa công văn là kế hoạch tác chiến từ trung đoàn xuống tiểu đoàn. Hôm ấy đêm tối, trời mưa, đi được 2/3 chặng đường thì chiếc đèn pin cũ bị ướt nước, chập điện, hỏng. Trời xung quanh tối đen như mực. Việc chuyển thông tin không thể chậm trễ dù chỉ một giây nên phải tiếp tục mò mẫm để di chuyển, vừa đi tôi vừa bắt được một nắm đom đóm để có chút ánh sáng dẫn đường. Bom pháo của địch vẫn bắn liên hồi trên đường đi nhưng lúc ấy dường như tôi chỉ đinh ninh một điều dù có chuyện gì xảy ra cũng phải đưa mệnh lệnh xuống tiểu đoàn kịp thời, chậm một giây cũng không được, nên cứ thế đi trong màn đêm. Đưa được mệnh lệnh tới tiểu đoàn kịp thời tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc chiến đấu ở Tích Tường - Như Lệ có những ngày tôi và đồng đội phải quấn vũ khí trang bị vào ni lông làm phao bơi qua sông Thạch Hãn hàng chục lần. Bởi đơn vị ở bắc sông mà công sự ở nam sông. Bom nổ, pháo bắn liên hồi, nước bắn lên che hết cả mắt người nhưng không che được cảnh nhiều đồng đội trúng đạn hy sinh, máu loang mặt nước, chìm xuống đáy sông".
 
Xúc động trước cảnh nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn, bất chợt ông Phạm Hồng Phi ngâm 4 câu thơ: Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm. Cũng tại Tích Tường - Như Lệ có thời điểm ông được cử làm văn thư của tiểu đoàn chuyên theo dõi, ghi chép chiến sỹ bị thương, hy sinh và nhận tân binh bổ sung. 
 
Trên chiến trường đổ nát ác liệt ấy của Thành cổ Quảng Trị, chiến sỹ Phạm Hồng Phi lúc đó vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 17/6/1972. “Đứng dưới cờ Đảng thiêng liêng lúc đó tôi tự nhủ lòng mình phải sống sao cho xứng đáng với biết bao thế hệ cha anh và đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành và giữ độc lập Tổ quốc, tô thắm lá cờ Đảng và màu cờ Tổ quốc”, người đảng viên 45 năm tuổi Đảng nhớ lại. 
 
Kết thúc chiến dịch tại Quảng Trị, năm 1973 sư đoàn kéo quân ra Bắc, tháng 9 năm này Phạm Hồng Phi được cử đi học tại Học viện chính trị. “Trong số 45 sinh viên khoa công nghiệp nhẹ Đại học Bách khoa Hà Nội lên đường nhập ngũ năm ấy, chỉ còn có 5 người trở về nguyên vẹn như tôi”, ông nói. Tháng 9/1977 ông được điều về công tác tại Học viện Lục quân. Giữ lời thề dưới cờ Đảng hôm nào, đảng viên Phạm Hồng Phi đã có nhiều nỗ lực, từ là giáo viên môn triết học rồi tiếp đến là Chủ nhiệm bộ môn triết học, rồi Phó Chủ nhiệm khoa Mác Lê Nin. Ông vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2002, có học vị tiến sỹ và học hàm phó giáo sư năm 2007. Các con trai, gái, dâu, rể của ông cũng đều là tiến sỹ, thạc sỹ. Và, Kỷ niệm chương Chiến sỹ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị; Huân chương Chiến công hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng là những tài sản vô giá trong cuộc đời của ông.
 
Đã nghỉ hưu chính thức từ năm 2012, song ông nhận lời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Ông hiện là Trưởng bộ môn khoa học cơ bản, giảng dạy các môn khoa học chính trị tại Đại học Yersin. Giờ đây khi đã 66 tuổi dời, 45 năm tuổi Đảng ông vẫn ngày ngày đứng trên bục giảng, để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nhà giáo: lái con đò tri thức qua sông.
 
HOÀNG MY