Nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục

08:09, 01/09/2017

5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ủy ban Trung ương MTTQVN về tiếp xúc cử tri, tại Lâm Ðồng đã phối hợp triển khai khá tốt. Tuy nhiên, qua thực tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục.

5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ủy ban Trung ương MTTQVN về tiếp xúc cử tri, tại Lâm Ðồng đã phối hợp triển khai khá tốt. Tuy nhiên, qua thực tế cũng bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
 
Đoàn ĐBQH khóa 14 đơn vị Lâm Đồng tiếp xúc cử tri là đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: N.Thu
Đoàn ĐBQH khóa 14 đơn vị Lâm Đồng tiếp xúc cử tri là đại diện các doanh nghiệp trong tỉnh. Ảnh: N.Thu

Đánh giá về hiệu quả, chất lượng và tính thực tiễn trong công tác tiếp xúc cử tri theo quy định của Nghị quyết 525 dựa trên 6 hình thức chủ yếu: tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, tiếp xúc cử tri nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri theo đối tượng và tiếp xúc, gặp gỡ cá nhân hoặc nhóm cử tri.
 
Đối với hình thức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, trong 5 năm qua có thể thấy đây là hình thức được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tổ chức thường xuyên và đạt hiệu quả cao nhất. Trình tự, thủ tục được thực hiện đúng quy định, chặt chẽ; phạm vi, đối tượng tiếp xúc rộng, đa dạng; nội dung tiếp xúc liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Từ diễn đàn này, ĐBQH tiếp nhận được nhiều ý kiến kiến nghị, bức xúc của nhân dân tại cơ sở, tại địa bàn dân cư. Cũng tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhiều vấn đề cử tri hỏi, thắc mắc đã được đại diện lãnh đạo các ngành, chính quyền địa phương trả lời trực tiếp, có giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của nhân dân. Nổi lên nhất vẫn là những tồn đọng liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, hoặc tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là những vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của người dân nên được cử tri và ĐBQH đặc biệt quan tâm. Từ diễn đàn này, những kiến nghị sát với thực tiễn và mang tính thời sự đã được Đoàn ĐBQH tổng hợp báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các kỳ họp, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết. 
 
Ngay sau các kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề cử tri quan tâm sau khi được Chính phủ, các bộ, ngành trả lời cũng đã được Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tổ chức tiếp xúc, báo cáo về kết quả kỳ họp và những nội dung trả lời kiến nghị cử tri của các bộ, ngành trung ương.
 
Riêng hình thức tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc không được diễn ra thường xuyên, các ý kiến, kiến nghị của cử tri ít, chủ yếu phản ánh mối quan hệ giữa ĐBQH với gia đình và chính quyền địa phương, nhân dân nơi cư trú, cơ quan, đơn vị và lực lượng cán bộ, công chức nơi đại biểu công tác. Hình thức tiếp xúc này chưa được phát huy hiệu quả.
 
Đối với hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề được phối hợp thực hiện khá hiệu quả. Đại biểu Quốc hội được tiếp cận với nhiều thông tin trên nhiều lĩnh vực, nắm được những kiến nghị về thuận lợi cũng như khó khăn trong từng lĩnh vực của các sở, ngành, đơn vị. Trên cơ sở kiến nghị đó, ĐBQH sẽ tiếp thu có chọn lọc, tiếp nhận những phản ánh của cử tri là những người có kiến thức chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực. Theo đó, nhiều nội dung kiến nghị chất lượng, sát thực tiễn, mang tầm vĩ mô được ĐBQH ghi nhận, phản ánh, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng pháp luật của Đoàn, nhất là những dự án chuyên ngành như Bộ Luật Hình sự, hỗ trợ tư pháp, du lịch, lâm nghiệp…; từ đó, các ĐBQH có thể tham gia đóng góp tại các diễn đàn của Quốc hội.
 
Về hình thức tiếp xúc cử tri theo đối tượng cũng được tổ chức nhưng ít hơn, chủ yếu là ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri. Thời gian qua, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cũng đã tiếp xúc với nhóm cử tri như đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ hưu trí, sinh viên, lực lượng vũ trang, doanh nhân… Qua đó, cũng góp phần giúp ĐBQH nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị cụ thể của các nhóm cử tri trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
 
Đoàn ĐBQH và UBMTTQ tỉnh đã cùng phối hợp thực hiện và từng bước đổi mới trong công tác tiếp xúc cử tri. Đoàn thường chia làm 3 tổ để tiếp xúc nhằm tăng số lượng điểm tiếp xúc, phân công đại biểu tiếp xúc trực tiếp tại các đơn vị bầu cử, đồng thời có sự luân phiên giữa các đại biểu tại các buổi tiếp xúc ở địa bàn, giúp ĐBQH tiếp xúc được với các cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS… Do vậy, trong một nhiệm kỳ Quốc hội, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được gặp gỡ ĐBQH thông qua tiếp xúc cử tri. Thậm chí, có những đơn vị xã, phường được tổ chức tới 2 - 3 lần/nhiệm kỳ. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn bộc lộ nhiều hạn chế như công tác phối hợp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa nhịp nhàng, nhất là trong việc thống nhất về thời gian, địa điểm, chưa có nhiều ĐBQH xây dựng được chương trình, kế hoạch tiếp xúc cử tri cho riêng mình. Công tác tiếp xúc cử tri ở một vài địa phương còn chưa đúng quy định, thông tin về Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri chưa được thông báo rộng rãi, có nơi cử tri tham gia chỉ mang tính đại diện gồm bí thư, trưởng phó các đoàn thể thôn, tổ dân phố nên chưa phản ánh hết tâm tư, nguyện vọng, ý chí của đại đa số các tầng lớp nhân dân. Có nơi lại dành thời gian cho cử tri phát biểu quá ngắn nên ít cử tri được phát biểu, bày tỏ ý kiến. Cũng có nơi cử tri lại mượn “diễn đàn” để bày tỏ khiếu kiện liên quan đến các vụ việc mang tính cá nhân. Đại diện chính quyền và các cơ quan liên quan trả lời, giải trình trước cử tri có lúc, có nơi chưa thật sự thỏa đáng, chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều vấn đề cử tri nêu đi nêu lại trong nhiều cuộc tiếp xúc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, có nội dung lại trả lời chung chung, không rõ trách nhiệm, thiếu cam kết.
 
Nhằm nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri với ĐBQH, tránh tình trạng tổ chức theo kiểu “đến hẹn lại lên”, hoặc “cưỡi ngựa xem hoa”, có nhiều ý kiến kiến nghị của các ngành, địa phương được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đó là cần tăng cường giám sát thực hiện các kiến nghị của cử tri. Cần có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho các ĐBQH về công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Nêu cao trách nhiệm phối hợp tiếp xúc cử tri hướng đến mục tiêu ĐBQH phải thật sự “gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân nói” để có kiến nghị, phản hồi thỏa đáng tới cơ quan có thẩm quyền, để ĐBQH thực sự phát huy vai trò là người đại biểu dân cử, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân.
 
NGUYỆT THU