Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng

04:09, 13/09/2017

Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng có đổi mới. Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo có kết quả bước đầu Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng có đổi mới. Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo có kết quả bước đầu Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chủ động hơn trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch… Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triển của đất nước. Tư tưởng tích cực vẫn là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội”. Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng còn không ít hạn chế, bất cập cả về nội dung, hình thức và phương pháp tiến hành, từ đó dẫn đến những hạn chế, yếu kém, thậm chí là sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. 
 
Để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tính cấp thiết của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, kiên trì thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng.
 
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng sẽ có hiệu quả hơn khi nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên được truyền tải bằng những hình thức, phương pháp và mức độ thích hợp. 
 
Các cấp ủy, tổ chức đảng cần có sự phối hợp và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức, phương pháp cả trực tiếp, gián tiếp, cả nơi làm việc, học tập và nơi cư trú, từ sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, tổ chức đảng đến những sinh hoạt, hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị và phong trào của các đoàn thể chính trị - xã hội; gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, nhiệm vụ của các đoàn thể quần chúng… nhằm tạo sức mạnh tổng hợp nâng cao nhận thức, lập trường tư tưởng chính trị, quyết tâm và thái độ chính trị tích cực cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nghị quyết của Đảng. 
 
Đổi mới hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng sao cho vừa nghiêm túc, vừa khoa học, hiệu quả. Để thực hiện được yêu cầu này, các cấp ủy đảng cần đổi mới thực sự cách thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng vừa chuẩn hóa, vừa đa dạng hóa, khoa học và cụ thể hóa, tránh nhận thức một cách giản đơn rằng việc phổ biến, quán triệt nghị quyết của Đảng chỉ là thông tin một chiều những nội dung cơ bản của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, hoặc coi tổ chức được hội nghị quán triệt nghị quyết là xong nhiệm vụ của cấp ủy. Mỗi lần học tập, quán triệt nghị quyết phải được coi là đợt sinh hoạt học tập quan trọng, là đợt sinh hoạt tư tưởng lớn đối với cán bộ, đảng viên; học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là trách nhiệm và quyền lợi của đảng viên. Chính vì vậy, mỗi đợt học tập, quán triệt nghị quyết phải được chuẩn bị chu đáo cả nội dung, phương pháp truyền đạt. Các cấp ủy đảng cần coi tinh thần, thái độ học tập, quán triệt nghị quyết tập trung tại chi bộ, đảng bộ là một tiêu chí đánh giá ý thức trách nhiệm, thái độ của đảng viên đối với tổ chức đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rằng qua mỗi lần học tập, quán triệt nghị quyết là dịp nâng cao nhận thức, tư tưởng, củng cố thêm niềm tin, đề cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác thực hiện nghị quyết của Đảng. 
 
Đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, đảng bộ sao cho thiết thực, tạo sự hứng khởi và sự tham gia tích cực của đảng viên. Sinh hoạt Đảng phải đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Bên cạnh các buổi sinh hoạt thường kỳ, các đảng bộ, chi bộ cần tăng cường các hình thức sinh hoạt chuyên đề về học tập, sinh hoạt khoa học, đấu tranh tư tưởng, chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, tự phê bình và phê bình, gắn với những yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức đảng trong từng thời điểm cụ thể. 
 
Chú trọng làm tốt việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống... 
 
Thực tế hiện nay cho thấy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chỉ có hiệu quả thiết thực khi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tiền phong, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn tư cách, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gần dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, kịp thời thông tin, giải đáp những nhu cầu chính đáng của nhân dân. Chỉ như vậy, những lời nói, những bài viết của họ mới thấm và thuyết phục được đảng viên và quần chúng. Và, cũng chỉ như vậy, mới ngăn chặn có hiệu quả những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, khối đoàn kết thống nhất trong Đảng được củng cố, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả chống âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
 
LAN HỒ