Đảng bộ huyện Di Linh: Đổi mới việc ban hành và thực hiện Nghị quyết

11:09, 25/09/2017

(LĐ online) - Đảng bộ huyện Di Linh có 55 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) gồm 25 đảng bộ cơ sở, 30 chi bộ cơ sở và 360 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở (trong đó có 19 đảng bộ xã, thị trấn với 207 chi bộ thôn, tổ dân phố). Toàn Đảng bộ có 3.712 đảng viên, trong đó, đảng viên người dân tộc thiểu số 652 (chiếm 17,5%), đảng viên trong các tôn giáo 259 (chiếm 7%)… 

(LĐ online) - Đảng bộ huyện Di Linh có 55 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) gồm 25 đảng bộ cơ sở, 30 chi bộ cơ sở và 360 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở (trong đó có 19 đảng bộ xã, thị trấn với 207 chi bộ thôn, tổ dân phố). Toàn Đảng bộ có 3.712 đảng viên, trong đó, đảng viên người dân tộc thiểu số 652 (chiếm 17,5%), đảng viên trong các tôn giáo 259 (chiếm 7%)… Trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn lãnh đạo địa phương hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra, nâng cao đời sống nhân dân; hệ thống chính trị được tăng cường và củng cố, tỷ lệ tổ chức đảng trong sạch vững mạnh (TSVM) tăng. Kết quả phân loại năm 2016 có 8/55 TCCSĐ đạt TSVM tiêu biểu (14,5%), TSVM 27/55 (49%), hoàn thành tốt nhiệm vụ 18/55 (32,7%), hoàn thành nhiệm vụ 2/55, không có tổ chức đảng yếu kém. Trong 8 tháng đầu năm 2017, huyện Di Linh thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả khá toàn diện: Tổng diện tích gieo trồng vụ hè thu được 2.031 ha cây hàng năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2016; cải tạo thay thế 2.256 ha cà phê già cỗi; trồng xen canh một số loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như 1.308 ha cây bơ, 545 ha cây tiêu, 546 ha cây mắc ca; sản xuất CN-TTCN được 407.235 triệu đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 95,6 tỷ đồng, đạt 74,5% dự toán năm. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Canh: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong việc ban hành chủ trương, nghị quyết và tăng cường lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng, đảng viên…   
 
Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh trao đổi công tác xây dựng Đảng với đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm trưởng đoàn
Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh trao đổi công tác xây dựng Đảng với đoàn công tác của Tỉnh ủy do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm trưởng đoàn
CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT PHẢI SÁT TÌNH HÌNH, THỰC TIỄN 
 
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh luôn xác định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là đổi mới việc ban hành chỉ thị, nghị quyết là nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các chỉ thị, nghị quyết được ban hành phải sát tình hình, điều kiện thực tiễn của huyện. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu chuẩn bị kỹ các khâu ra Nghị quyết như: tiến hành đánh giá, khảo sát những vấn đề cần ban hành chủ trương để lãnh đạo; đồng thời phát huy tính dân chủ và tổ chức tốt các hội nghị để tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo chỉ thị, nghị quyết. Chỉ ban hành nghị quyết khi cần thiết và đổi mới theo hướng ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Nội dung nghị quyết tránh sao chép “rập khuôn” theo nghị quyết cấp trên, chú trọng vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương để đảm bảo sự gắn kết giữa xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện. Ban Thường vụ đã chú trọng đổi mới việc quán triệt chỉ thị, nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân theo nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là chọn lựa những vấn đề cốt lõi, phù hợp với đối tượng để triển khai. Do vậy, qua các lớp học tập, quán triệt nghị quyết, nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ được nâng lên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương đề ra. 
 
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy; các cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu và căn cứ các văn bản quy định của cấp trên, cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở quan tâm việc ban hành, điều chỉnh, bổ sung Quy chế làm việc phù hợp với nhiệm vụ được giao. Quy chế phải xác định rõ vị trí công tác, nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ, công chức; đồng thời thực hiện tốt cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhờ vậy, việc điều hành của cấp ủy Đảng và của các cơ quan, đơn vị đã đi vào nề nếp, tránh chồng chéo, bỏ sót công việc và đảm bảo đúng nguyên tắc của Đảng, phát huy tinh thần, trí tuệ của tập thể và cá nhân. Để việc xây dựng và thực hiện Quy chế hoạt động sát với tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương, hằng năm, Ban Thường vụ chỉ đạo các TCCSĐ tiến hành rà soát, điều chỉnh hoàn thiện quy chế làm việc cho phù hợp. Các cấp ủy Đảng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết ở cơ sở đảm bảo mọi nghị quyết khi thực hiện đạt hiệu quả cao nhất; thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy Đảng nghiêm túc tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp nhằm đánh giá đúng thực chất kết quả lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở cơ sở.
 
NGHỊ QUYẾT PHẢI ĐI VÀO CUỘC SỐNG
 
Học tập và làm theo thấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về gần dân, sát dân, 3 năm trước huyện Di Linh đã tổ chức chương trình “Ngày thứ bảy vì dân” yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở hoạt động trên các lĩnh vực có liên quan đến việc dân cần thì không nghỉ ngày thứ bảy; phải xuống cùng với chính quyền xã, thị trấn cùng giải quyết việc cho dân. Mọi phản ánh của dân về thái độ kiêu căng, hách dịch, vòi vĩnh, coi khinh việc dân đều được kiểm tra nghiêm túc và xử lý nghiêm khắc… Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, Đảng bộ huyện Di Linh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 14/6/2011 “về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Di Linh, giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Dựa vào lộ trình về đích NTM của từng xã, tháng 4/2016 Ban chỉ đạo NTM huyện tổ chức “Ngày thứ bảy vì NTM” thay thế cho chương trình “Ngày thứ bảy vì dân”. “Ngày thứ bảy vì NTM” trước hết tập trung đầu tư xây dựng NTM ở 4 xã ưu tiên xây dựng NTM: Gung Ré, Hòa Ninh, Đinh Lạc, Hòa Trung. Sau đó tiếp tục tại các xã sẽ đạt chuẩn NTM trong năm 2017. Từ khi đi vào hoạt động, tại mỗi “Ngày thứ bảy vì dân”, lãnh đạo huyện cùng với lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể về các xã bàn bạc với dân tìm giải pháp khắc phục khó khăn và định hướng, tìm nguồn lực thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Sau mỗi kỳ, đều ban hành Thông báo Kết luận cuộc họp để các xã lấy đó làm căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện. Mỗi Thông báo Kết luận đều yêu cầu các ban, ngành liên quan phải xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể để hướng dẫn, đôn đốc các xã thực hiện những tiêu chí được giao phụ trách; đặc biệt là các tiêu chí quan trọng: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, hình thức tổ chức sản xuất… Hiện nay, Di Linh có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đang tập trung hoàn thành các tiêu chí được giao theo kế hoạch (3 xã đang hoàn chỉnh hồ sơ để xét công nhận đạt chuẩn năm 2017)… Huyện tiếp tục duy trì chương trình “Ngày thứ bảy vì NTM” và các hoạt động cho đến khi huyện đạt chuẩn NTM. 
 
Di Linh có 41.690 ha cà phê (chiếm 95% diện tích cây công nghiệp lâu năm của huyện). Cà phê là cây kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế. Những năm 2005-2010 công tác tái canh, cải tạo giống cà phê chưa được chú trọng nhiều, công tác thâm canh tăng năng suất còn hạn chế nên năng suất bình quân thấp, đạt 2,3 tấn nhân/ha, sản lượng 96.000 tấn. Trước thực trạng đó, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU về phát triển nông nghiệp chất lượng cao và bền vững; trong đó tập trung công tác cải tạo giống cà phê nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015 của UBND tỉnh. Qua 6 năm thực hiện, nhận thức của người dân về tái canh cải tạo giống cà phê nâng cao. Diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh được nhân dân chủ động thay thế bằng các giống cao sản; diện tích cà phê năng suất, sản lượng thấp được ghép chồi cải tạo vườn trên diện rộng. Nếu từ năm 2005 – 2010, huyện mới chuyển đổi được 3.656 ha thì giai đoạn 2011 – 2016 chuyển đổi thêm được 14.166 ha, lũy kế đến nay chuyển đổi được 17.822 ha cà phê, chiếm 42,75% diện tích cà phê toàn huyện. Năm 2010 năng suất cà phê bình quân 2,3 tấn nhân/ha, đến 2016 đạt 3 tấn nhân/ha; sản lượng đạt 120.000 tấn (tăng 24.000 tấn so với năm 2010). Trong quá trình tái canh, cải tạo giống cà phê, xuất hiện nhiều mô hình, tiêu biểu. Trong huyện có 120 mô hình tái canh hoặc ghép cải tạo giống sau 3-4 năm, năng suất đạt trên 5 tấn nhân/ha, thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Việc thực hiện chủ trương ghép, cải tạo giống cà phê già cỗi là hướng đi phù hợp với địa phương, nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị và của nhân dân. Cùng với tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê, Di Linh đã triển khai cho nhân dân trồng xen các loại cây ăn trái (bơ ghép, sầu riêng, mắc ca) và cây tiêu trên diện tích cà phê, góp phần đa dạng hóa cây trồng và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo cây che bóng, giúp điều hòa tiểu khí hậu trong vườn, giảm chi phí sản xuất. Qua thực tế, xuất hiện 35 mô hình trồng bơ, sầu riêng; 26 mô hình trồng tiêu đạt thu nhập từ 400 triệu đồng trở lên/ha/năm. Hộ ông Vũ Văn Bằng, xã Hòa Nam trồng 18 ha sầu riêng (12 ha kinh doanh), năm 2016 cho thu nhập 13,5 tỷ đồng.     
 
Tuy đạt một số kết quả khả quan trọng đổi mới việc ban hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo qua các tổ chức đảng, đảng viên nhưng ở Đảng bộ huyện Di Linh vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là: chất lượng ban hành nghị quyết ở một số Đảng ủy cơ sở vẫn chưa được đổi mới, chưa chú trọng nhiều đến khâu nội dung, chưa chọn những vấn đề nóng, những vấn đề bức xúc của địa phương để xây dựng nghị quyết. Từ đó dẫn đến chất lượng một số nghị quyết khi ban hành chưa sát tình hình thực tế nên khó triển khai, thực hiện. Việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy cơ sở còn chậm, giải pháp nêu trong nghị quyết vẫn chung chung, khó thực hiện và hiệu quả thấp.  
    
ĐAN THANH