Ðạ Tông sau 5 năm xây dựng nông thôn mới

08:12, 20/12/2017

Ðược chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, Ðảng ủy xã Ðạ Tông (huyện Ðam Rông) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Sau 5 năm triển khai, những "quả ngọt" đầu tiên đã kết tinh trên vùng đất khó. Song vẫn còn nhiều điều khó đòi hỏi Ðảng ủy, chính quyền và nhân dân Ðạ Tông phải tiếp tục vượt qua trong hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ðược chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), Ðảng ủy xã Ðạ Tông (huyện Ðam Rông) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện. Sau 5 năm triển khai, những “quả ngọt” đầu tiên đã kết tinh trên vùng đất khó. Song vẫn còn nhiều điều khó đòi hỏi Ðảng ủy, chính quyền và nhân dân Ðạ Tông phải tiếp tục vượt qua trong hành trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
 
Từ xây dựng NTM, bà con xã Đạ Tông đã có sự chuyển biến trong cách sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Ảnh: N.Ngà
Từ xây dựng NTM, bà con xã Đạ Tông đã có sự chuyển biến trong cách sản xuất,
từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Ảnh: N.Ngà

Những thách thức ban đầu
 
Đạ Tông là một trong ba xã thuộc vùng Đầm Ròn - Rốn nghèo của Nam Tây Nguyên. Đây là xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 30a của Chính phủ. 100% các thôn của xã thuộc Chương trình 135. 98% dân số của xã là người DTTS. Đa phần trình độ dân trí của bà con thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu. Bởi thế đời sống bà con ở Đạ Tông còn nhiều khó khăn.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, UBND huyện Đam Rông đã lựa chọn Đạ Tông là một trong hai xã điểm của huyện để đầu tư, rút kinh nghiệm và nhân rộng. “Đây là thuận lợi song cũng là thách thức lớn của Đạ Tông”, đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã khẳng định. 
 
Theo lãnh đạo xã Đạ Tông, thời điểm bắt tay vào xây dựng NTM (2012), xã vẫn còn những khó khăn như: Xuất phát điểm thấp, nhiều ngành nghề chưa phát triển. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 4,5 triệu đồng/năm. Hơn 59% dân số là hộ nghèo. Toàn xã mới chỉ có 5% đường giao thông được cứng hóa… Thời điểm đó, Đạ Tông mới đạt 3/19 tiêu chí NTM. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Đạ Tông đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề có liên quan đến phát triển nông, lâm nghiệp, cải thiện đời sống của nhân dân. Đặc biệt là Nghị quyết số 22 “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn xã giai đoạn 2012 - 2020”.
 
Sau khi ban hành Nghị quyết chuyên đề, Đảng ủy xã đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã và triển khai xuống tất cả 21 thôn, buôn. Đồng thời, MTTQVN xã cũng phối hợp xây dựng chương trình kế hoạch tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của xã. “Tất cả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, các nội dung, công việc liên quan đến NTM, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các thôn, buôn đều được xã quán triệt, phổ biến rộng rãi thông qua các hội nghị thôn, loa truyền thông; hệ thống pano, áp phích trên đường giao thông xã. Trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, nội dung xây dựng NTM được đề cập thường xuyên. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về NTM đã tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong các thôn, buôn, từng bước tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện nhiệm vụ lớn của xã”, ông Rơ Jê Ha Ni - Bí thư Chi bộ thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông nói.
 
Xã nghèo chuyển mình
 
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ xã và các chi bộ, tất cả các hoạt động đều khuyến khích đảng viên đi trước thực hiện mô hình thí điểm để bà con học tập. Đơn cử như đảng viên Rơ Ông Ha Lip với mô hình trồng rau xanh, đảng viên Cil Ka Mai với mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản hiệu quả, đảng viên Đa Cát Ha Tư với mô hình trồng sầu riêng xen cà phê cho thu nhập cao… Từ đó nhận thức của bà con dần chuyển biến, nên đã chủ động thâm canh sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, một số hộ đã phát triển kinh tế trang trại. Việc nhiều đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất và tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng đã tạo sự chuyển biến trong tư tưởng nhân dân”, đồng chí Nguyễn Văn Huy phấn khởi nói.
 
Theo kết quả thống kê của Đảng ủy xã, qua 5 năm triển khai Nghị quyết 22, bà con trong xã đã hiến gần 9.000 m 2 đất xây dựng các công trình hạ tầng, trên 6.000 ngày công tu sửa hệ thống giao thông nội đồng… Cũng thời gian này nhân dân chung sức xây dựng trên 25 km đường bê tông, kiên cố hóa gần 17 km, cấp phối 21 km. Hiện nay hệ thống đường trục xã và đường liên thôn đã kiên cố hóa 100%. Riêng đường nội đồng đã kiên cố hóa 50%. 70% hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa. 99% dân số có điện sử dụng và 85% người dân có nước sạch sử dụng...
 
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song Đạ Tông vẫn còn nhiều tiêu chí quan trọng chưa đạt được. Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 21 triệu đồng/người/năm (thấp hơn 2 triệu so với yêu cầu). Và kết quả rà soát hộ nghèo vẫn trên 7%... Đảng ủy xã Đạ Tông thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế trên có phần do nhiều cán bộ phụ trách mảng NTM còn lúng túng trong phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kế hoạch xây dựng NTM chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy hết nội lực trong nhân dân, bởi chủ trương xây dựng NTM chưa thực sự đi sâu vào đời sống và ăn sâu vào nếp nghĩ của bà con. 
 
Tính đến cuối năm 2017, Ðạ Tông đã đạt 15 tiêu chí NTM. Xã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 đạt 17 tiêu chí và sẽ về đích NTM trong năm 2019 với việc đạt hai tiêu chí khó khăn nhất gồm thu nhập và hộ nghèo. 
 
Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, Đảng ủy xã Đạ Tông đã rút ra một số bài học kinh nghiệm để áp dụng vào thực hiện trong thời gian tới, trong đó tập trung chú trọng vào khâu đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách nhiệm vụ này có tâm, có tầm bởi “cán bộ nào phong trào nấy”. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM trên cơ sở “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết. Việc sử dụng nguồn lực vào thực hiện phải có sự bàn bạc dân chủ và thống nhất của người dân, có giám sát cộng đồng đảm bảo công khai minh bạch”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông nói.
 
NGỌC NGÀ