Ðam Rông: 10 năm, nghị quyết thấm sâu ở "vùng đất khó"

08:06, 01/06/2018

10 năm là chặng đường đủ dài để Nghị quyết số 22 ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên" thấm đẫm trên "vùng đất khó" Ðam Rông. 

10 năm là chặng đường đủ dài để Nghị quyết số 22 ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng (TCCSÐ) và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên” thấm đẫm trên “vùng đất khó” Ðam Rông. Các tổ chức đảng ngày càng lớn mạnh, nhiều đảng viên được kết nạp tại các thôn, buôn và nắm giữ những vị trí quan trọng, phát huy tốt vai trò và góp sức vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
 
Nhiệm vụ then chốt
 
Theo ông Khổng Hữu Kiên - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông: Ngay khi có Nghị quyết số 22 ngày 2/2/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông đã tiến hành tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện. Đồng thời, ban hành kể hoạch và các nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện với tinh thần: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ là nhiệm vụ then chốt. 
 
Theo đó, trong 10 năm qua, nhiều giải pháp quan trọng trong công tác lãnh đạo đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông tiến hành đồng bộ như: Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng; phổ biến và quán triệt các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; duy trì nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt Đảng. Lấy chất lượng và hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị để đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên…
 
Ông Dơng Gur Ha Jak - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, nói: Trên cơ sở chỉ đạo của huyện, Đảng ủy xã đã nắm chắc mục đích, yêu cầu và các giải pháp chủ yếu để chủ động rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với địa phương. Từng bước thực hiện theo cách dễ làm trước, khó làm sau; tập trung vào những nơi có những mặt còn yếu kém, trì trệ và thông qua các nghị quyết chuyên đề để tập trung thực hiện. Đặc biệt chú trọng công tác chăm lo kết nạp đảng viên ở các thôn, buôn và những nơi còn ít đảng viên.
 
Ghi nhận tại Ban Tổ chức huyện Đam Rông, từ 2008 đến nay, toàn Đảng bộ huyện đã kết nạp được 1.069 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp trên 100 đảng viên, góp phần giảm 17 chi bộ thôn, buôn và trường học sinh hoạt ghép; xóa được 4 thôn trắng đảng viên còn tồn tại trước khi thực hiện Nghị quyết. 
 
Trong chỉ đạo xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh; Huyện ủy Đam Rông chú trọng củng cố các chi, đảng bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở về tổ chức, đi đôi với nâng cao chất lượng sinh hoạt. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ được nhiều cấp ủy chú trọng từ công tác chuẩn bị nội dung trước kỳ họp cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; sổ ghi biên bản; nắm tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị để ban hành các nghị quyết (nhất là nghị quyết chuyên đề), gắn với phân công, phân việc và kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Những vấn đề lớn ở cơ sở đã được cấp ủy các TCCSĐ chủ động tổ chức lấy ý kiến trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân, tạo nên sự đồng thuận cao trong thực hiện.
 
Qua việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, trong đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng hằng năm thì tỷ lệ TCCSĐ và đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các tổ chức đảng ngày càng được chú trọng, đổi mới theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị. Vì thế, thậm chí có một số chi, đảng bộ giảm, nhưng tính thực chất ngày càng được coi trọng, hạn chế đánh giá hình thức và chạy theo thành tích. Theo kết quả đánh giá, phân tích chất lượng TCCSĐ và đảng viên từ 2008 đến nay thì tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh và tỷ lệ đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm sau so với năm liền kề thì chất lượng TCCSĐ và chất lượng đảng viên từng bước được nâng lên và đúng thực chất hơn.
 
Yếu tố con người là quyết định
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Mai - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Mrông: “Trong thực hiện tất cả các nhiệm vụ, vấn đề con người luôn mang tính chất quyết định; bởi vậy việc tăng cường sức mạnh cho đội ngũ đảng viên để xây dựng vững chắc nhịp cầu giữa Đảng, chính quyền địa phương với bà con nhân dân là nhiệm vụ thiết yếu hàng đầu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương”.
 
Xác định con người là yếu tố quyết định trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung và nội dung Nghị quyết 22 nói riêng, công tác quản lý, giáo dục đảng viên ở Đam Rông được quan tâm thường xuyên. Nhiều đảng viên mới đã phát huy được tính tiền phong gương mẫu, là hạt nhân trong các phong trào quần chúng ở các cơ quan, đơn vị, địa phương và đó cũng là nhân tố tích cực, là nguồn bố trí nhân sự cho các  đơn vị trong hệ thống chính trị ở cơ sở. 
 
Cùng với đó, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo và củng cố thường xuyên. Toàn huyện đã có trên 100 cán bộ được đào tạo về chuyên môn, trên 300 cán bộ được đào tạo lý luận chính trị, trên 90% bí thư chi bộ, cấp ủy viên được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng. Hiện nay, số cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên là 171/188 (tỷ lệ 90,9%), trong đó, cao đẳng, đại học chiếm 91 (tỷ lệ 48,4%); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên là 127 (tỷ lệ 67,6%).
 
Thời gian qua, huyện đã tiếp nhận 30 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chính quy về làm trí thức trẻ tình nguyện ở các xã theo Đề án 30a của Chính phủ về xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Hầu hết số trí thức trẻ này sau khi về cơ sở đã phát huy tốt, nhiều em được kết nạp vào Đảng và xét bổ nhiệm vào ngạch công chức theo quy định, một số được bầu vào cấp ủy và trở thành cán bộ chủ chốt. Công tác điều động, đề bạt bổ nhiệm cán bộ được thực hiện mạnh mẽ, từ năm 2008 đến nay đã điều động, luân chuyển 85 lượt cán bộ (trong đó, từ xã này sang xã khác là 12; từ huyện xuống xã và xã lên huyện là 32; từ phòng, ban này sang phòng, ban khác trong huyện là 41). Ban Thường vụ Huyện ủy đã mạnh dạn xem xét, cất nhắc một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để đáp ứng yêu cầu bố trí cán bộ chủ chốt ở địa phương; đồng thời kết hợp việc giáo dục, rèn luyện cán bộ. 
 
Đến nay, bộ máy cán bộ từ huyện đến cơ sở đã dần đi vào ổn định, nhiều vị trí đã phát huy được vai trò trong công tác quản lý địa phương, đơn vị mình, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị. 
 
Để siết chặt và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng bộ huyện Đam Rông cũng được tiến hành chặt chẽ. Trong 10 năm qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Cũng trong chừng ấy năm, 140 đảng viên vi phạm đã bị xử lý kỷ luật nhằm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng TCCSĐ và chất lượng cán bộ, đảng viên.
 
10 năm là một chặng đường dài đủ để năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhiều khởi sắc ở huyện nghèo Đam Rông. Nhưng cùng với đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi Đam Rông cần có nhiều nỗ lực giải quyết để tinh thần Nghị quyết 22 thực sự thấm sâu vào cuộc sống; để năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự chuyển biến; để thúc đẩy huyện nghèo “chuyển mình” mạnh mẽ bên dòng Krông Nô.
 
NGỌC NGÀ