Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về giáo dục nghề nghiệp

05:06, 21/06/2019

(LĐ onlilne) - Chiều ngày 21/6, dưới sự chủ trì của ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ Quốc hội, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chương trình làm việc với nội dung giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp được diễn ra.

(LĐ onlilne) - Chiều ngày 21/6, dưới sự chủ trì của ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ Quốc hội; ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chương trình làm việc với nội dung giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp được diễn ra. Buổi làm việc còn có sự tham dự của các thành viên đoàn giám sát, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
 
Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh
Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ Quốc hội làm việc với UBND tỉnh
 
Trong những năm qua, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo sâu sát. Các chính sách về giáo dục nghề nghiệp được được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Gắn hỗ trợ đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau học nghề, phối hợp tốt với doanh nghiệp trong đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
 
Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh Lâm Đồng, một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Công tác quản lý cơ sở dạy nghề còn bất cập, tuyển sinh khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu tự chủ trong tình hình mới.
 
Ngân sách địa phương hạn chế, nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp còn hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề.
 
Phía UBND tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với đoàn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập như: kiến nghị Bộ LĐ - TB - XH tăng cường nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm của địa phương. Đầu tư Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt chất lượng cao đến 2020, đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm về nguồn lực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đảm bảo tiêu chuẩn quy định và phát triển đội ngũ nhà giáo về các tiêu chuẩn chuyên môn ở hạng cao hơn. Đề nghị Bộ LĐ - TB - XH tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhóm nghề phi nông nghiệp.
 
Nhiều ý kiến của các đại biểu đặt ra cho Lâm Đồng, đó là để hướng tới tự chủ, công lập đòi hỏi vấn đề đặt ra là cho cả người học nghề và dạy nghề, nguồn nhân lực của Việt Nam cơ bản là thấp. Đội ngũ tư vấn hướng nghiệp yếu, mỏng nên việc phân luồng cũng còn hạn chế.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa giải trình những nội dung liên quan của Đoàn giám sát về giáo dục nghề nghiệp tại Lâm Đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa giải trình những nội dung liên quan của Đoàn giám sát về giáo dục
nghề nghiệp tại Lâm Đồng
 
Tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Phan Văn Đa đã giải trình thêm một số vấn đề mà đoàn giám sát hỏi, cho phù hợp trường trọng điểm quốc gia, ngành nghề quốc gia trọng điểm khối ASEAN. Đề nghị Trung ương sớm có đề án cụ thể, lộ trình khả thi, gói ngân sách nhất định, hình thành một số Trung tâm dạy nghề trọng điểm, vốn đầu tư công chỉ nên đầu tư vào một số trường trọng điểm, một số vùng trọng điểm, còn lại đều phải hoạt động theo mô hình xã hội hóa.
 
Trong xây dựng khung chính sách, sửa đổi luật, phải có lộ trình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường nghề để bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước. Cần có bộ khung tiêu chuẩn cụ thể trong đào tạo ngành nghề. Đề nghị Ttrung tâm kiểm định phải hội đủ tầm vĩ mô về năng lực, nhân lực để thẩm định sát thực tiễn, đảm bảo công bằng trong giáo dục nghề nghiệp.
 
UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của đoàn trên tinh thần xây dựng để hoàn chỉnh báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa Giáo dục TNTNNĐ Quốc hội.
 
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Triệu Thế Hùng ghi nhận, đánh giá cao những việc làm quyết liệt của tỉnh, các trường nghề triển khai pháp luật về giáo dục nghề nghiệp. Đây là nội dung bổ ích, đoàn đã ghi nhận nhiều thông tin để bổ sung tổng thể trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp vùng Tây Nguyên. Đoàn giám sát chia sẻ những khó khăn mà Lâm Đồng gặp phải trước những bất cập trong lĩnh vực này. Đây là căn cứ quan trọng, là cơ sở để Ủy ban Văn hóa giáo dục TNTNNĐ Quốc hội kiến nghị các bộ ngành điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp đề khi ban hành Luật giáo dục nghề nghiệp sát thực tiễn, đi vào cuộc sống. 
 
NGUYỆT THU