Tự hào "nghề" kiểm tra, giám sát (Kỳ 1)

06:09, 30/09/2019

Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Muốn đạt được hiệu quả, trước hết, bản thân mỗi đảng viên cần trang bị đầy đủ về lý luận;...
 

Hội thi của tổng hợp trí tuệ 
 
Công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) có vị trí cực kỳ quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Muốn đạt được hiệu quả, trước hết, bản thân mỗi đảng viên cần trang bị đầy đủ về lý luận; và khi có vững vàng nền tảng tri thức thì mới chủ động và sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. Đảng bộ huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng là đơn vị tiên phong trang bị kiến thức về công tác KTGS thông qua tổ chức Hội thi rất thành công trong toàn Đảng bộ. 
 
Sôi nổi vòng sơ khảo ở cụm thi IV. Ảnh: M.Đạo
Sôi nổi vòng sơ khảo ở cụm thi IV. Ảnh: M.Đạo
 
Sinh động và hấp dẫn 
 
Công tác KTGS và kỷ luật của Đảng được Trung ương quan tâm hàng đầu. Gần đây nhất, ngày 26/7/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng. Từ những kiến thức nền được quy định tại văn bản này và các văn bản liên quan khác, dựa vào thực tiễn, ngày 7/6/2019, Huyện ủy Đạ Tẻh quyết định tổ chức Hội thi “Cán bộ làm công tác KTGS giỏi” trên địa bàn. Mục đích và yêu cầu nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác KTGS của Đảng, nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, “Tạo phong trào thi đua, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực công tác của người đứng đầu cấp ủy; trao đổi kinh nghiệm của cán bộ làm công tác KTGS trong đảng bộ huyện”. Qua Hội thi, ban tổ chức cũng hướng đến sẽ góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về ý thức phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng. 
 
Hội thi diễn ra 2 vòng (sơ khảo và chung khảo), gồm 3 phần: chào hỏi, nghiệp vụ chuyên môn và xử lý tình huống. Tại vòng sơ khảo, toàn Hội thi có 19 đội tham gia, bao gồm 14 đảng bộ cơ sở và 25 chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Để thu hút nhiều người tham dự và phù hợp với đặc điểm, tính chất, ban tổ chức chia thành 5 cụm thi. Chuẩn bị công phu, đầu tư nghiêm túc; nhiều đội đã thể hiện màn “chào hỏi” ấn tượng bởi tính sinh động, thông qua hình thức sân khấu hóa, có đạo cụ, âm thanh, ánh sáng và hình ảnh video... Nội dung được gửi trước đến ban tổ chức để thẩm định. Đội thi do đó vừa đảm bảo việc chuyển tải các nội dung bắt buộc như giới thiệu về đội dự thi, ý nghĩa tham gia hội thi, lịch sử hình thành và phát triển của ngành Kiểm tra Đảng; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác KTGS, kỷ luật đảng và việc thực hiện Nghị quyết số 04/NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương; vừa không khô khan và kém hấp dẫn. 
 
Toàn diện và hệ thống
 
Nội dung phần thi “nghiệp vụ chuyên môn” là các quy định của Đảng và công tác KTGS, thi hành kỷ luật trong Đảng được thể hiện qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm. Các đội trải qua 15 câu đề, mỗi câu có 4 đáp án; mỗi cụm thi có hệ thống câu đề sắp xếp khác nhau. Thí sinh trả lời bằng cách giơ bảng, đáp án công khai trên màn hình. Hình thức này vừa thể hiện tính minh bạch, vừa một lần ôn tập kiến thức đối với người tham gia và người tham dự. Ví dụ một vài nội dung câu hỏi: “Theo quy định của Điều lệ Đảng, cấp nào có quyền quyết định khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng vi phạm? a. Cấp ủy cùng cấp; b. Cấp ủy cấp trên trực tiếp; c. Cấp ủy cấp trên cách một cấp; d. Ủy ban kiểm tra cấp trên trực tiếp”. Hoặc: “Theo quy định, thời hạn đình chỉ sinh hoạt Đảng và sinh hoạt cấp ủy là bao nhiêu ngày làm việc? a. 30 ngày; b. 45 ngày; c. 60 ngày; d. 90 ngày”; và “Theo quy định hiện hành, đảng viên chính thức bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì xử lý bằng hình thức nào ? a. Khiển trách; b. Cảnh cáo; c. Cách chức; d. Khai trừ”...
 
Phần thi “xử lý tình huống” càng hấp dẫn và phong phú do tính chất gay cấn. Mỗi đội có 5 thành viên, sau khi bốc thăm câu hỏi, chuẩn bị 3 phút, không sử dụng tài liệu và thời gian trả lời trong 5 phút. Tôi rất ấn tượng về hệ thống bộ đề và đáp án, bởi đã đạt được tính toàn diện và tính hệ thống. Thảo luận nhanh, thống nhất dứt khoát, nhưng các thành viên còn lại cũng được bổ sung câu trả lời của đội mình. Nhờ vậy, vừa tăng tinh thần đoàn kết tập thể, vừa tạo kỹ năng làm việc theo nhóm của thành viên, và tiệm cận tối đa tính chính xác. Trong thời gian ban thư ký tổng hợp điểm, Hội thi còn dành một phần thi công khai cho những người tham dự. Nó tiếp tục tạo tính ảnh hưởng, sức lan tỏa sâu rộng và thú vị của Hội thi.  “Xử lý tình huống” có 24 câu hỏi, yêu cầu trả lời chính xác như đáp án, nhất là nội dung có gắn với các văn bản cụ thể. Ví dụ, “Câu 3: Đảng viên A bị tố cáo do vi phạm quy định trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ chức đảng có thẩm quyền đã giải quyết tố cáo và quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, không đồng ý với quyết định kỷ luật, đảng viên A đã làm đơn khiếu nại lên tổ chức đảng cấp trên. Trong thời gian này, đồng chí A có quyết định luân chuyển công tác. Theo đồng chí, quyết định luân chuyển công tác đối với đảng viên A đang trong thời gian giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng có đúng quy định của Đảng không, vì sao? Trả lời: Việc điều chuyển công tác đối với đồng chí A đang trong thời gian có khiếu nại kỷ luật đảng là không đúng quy định, vì: Khoản 11, Điều 2, Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định: “Không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, phong tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật”. Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, việc điều chuyển công tác đối với đồng chí A đang trong thời gian thi hành kỷ luật và đang có khiếu nại kỷ luật đảng là không đúng quy định”. Hoặc, “Câu 9: Chi bộ có 12 đảng viên chính thức. Khi chi bộ họp biểu quyết quyết định kỷ luật đảng viên, có 12 đảng viên tham dự; kết quả bỏ phiếu như sau: 5 phiếu cách chức, 3 phiếu cảnh cáo, 4 phiếu khiển trách. Khi tính kết quả bỏ phiếu, có hai ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất: Trường hợp này phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, vì kết quả cộng dồn phiếu thì hình thức cảnh cáo có 8/12 phiếu, đạt tỷ lệ theo yêu cầu. Ý kiến thứ hai: Trường hợp này phải bỏ phiếu biểu quyết lại hoặc báo cáo lên cấp trên vì không có hình thức kỷ luật nào có đủ số phiếu biểu quyết theo quy định. Theo đồng chí, ý kiến nào đúng, vì sao? Trả lời: Ý kiến thứ nhất đúng, vì: Điểm 1.2, Điều 38, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng, quy định: “...Trường hợp biểu quyết quyết định các hình thức kỷ luật cụ thể mà không có hình thức nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định thì lấy hình thức kỷ luật đó để quyết định”. Theo quy định trên, thì trong trường hợp này xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo”...
 
MINH ĐẠO