Lâm Đồng: Những vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

08:10, 04/10/2019

Công tác cán bộ là khâu "then chốt" trong xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm trang bị tri thức, văn hóa và trình độ chuyên môn làm cơ sở nâng cao hiệu quả lãnh đạo. Nhiệm vụ này cần được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học và hiệu quả.

Công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm trang bị tri thức, văn hóa và trình độ chuyên môn làm cơ sở nâng cao hiệu quả lãnh đạo. Nhiệm vụ này cần được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học và hiệu quả.
 
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là nhân tố quyết định trực tiếp hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ảnh: H.My
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ là nhân tố quyết định trực tiếp hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ảnh: H.My
 
Nhiều giải pháp được triển khai
 
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, năng lực và tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ Nhân dân, bên cạnh các khía cạnh khác nhau của công tác tổ chức cán bộ còn cần phải có các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả. Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Lâm Đồng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng, bước đầu đạt được những kết quả khả quan. 
 
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, đối với công chức, viên chức: Từ năm 2010 đến nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đã cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Theo đó, về chuyên môn: Đào tạo tiến sĩ: 34 người; thạc sĩ: 740 người; đại học trên 4 ngàn người. Về chính trị: Cử nhân: 8, cao cấp: 885, trung cấp: 2.678. Quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp: 66 người, chuyên viên chính: 551 người, chuyên viên: 1.978... 
 
Khái quát về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay trên địa bàn tỉnh, ông Đàm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: “Bên cạnh việc đào tạo, tỉnh Lâm Đồng còn chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm và bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo quản lý. Đặc biệt là tập trung bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, đạo đức công vụ cho công chức các cấp, các ngành. Theo đó, các trường, cơ sở đào tạo của tỉnh đã chủ động triển khai các loại chương trình, tài liệu và thực hiện phân công mở lớp theo Nghị định số 18 ngày 5/3/2010 của Chính phủ. Đồng thời phối hợp với các trường của bộ, ngành để mở lớp. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã mở nhiều lớp bồi dưỡng cho 29.338 lượt cán bộ, công chức về chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, thuyết trình, đạo đức công vụ”.
 
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đẩy mạnh các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngành: Hành chính, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính đi đào tạo sau đại học trong nước và nước ngoài. Lâm Đồng cũng đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với một số trường đại học trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực như các trường: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lâm nghiệp... để tổ chức đào tạo sau đại học tại tỉnh Lâm Đồng đối với các chuyên ngành trọng yếu như: Quản trị kinh doanh, môi trường, trồng trọt, lâm nghiệp, thú y, quản lý đất đai, kinh tế nông nghiệp. Các trường: Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội đã phối hợp đào tạo các ngành: Tài chính - ngân hàng, luật, quản lý giáo dục... Thời gian qua, toàn tỉnh có 821 người được đào tạo sau đại học, trong đó có 2 nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Các chương trình đào tạo đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, thông thạo chuyên môn, nghiệp vụ, đạt chuẩn theo chức danh, theo ngạch công chức, viên chức. Tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ công chức hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp hóa, có trình độ chuyên môn cao.
 
Nhiều vấn đề đặt ra
 
Qua đào tạo, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng lên cả về trình độ chuyên môn, kiến thức và kỹ năng, kinh nghiệm công tác và năng lực thực thi công vụ.
 
Theo số liệu thống kê, hiện nay tổng số công chức hành chính từ cấp huyện trở lên trên 2.500 người. Trong đó nữ chiếm 32,6%. Trình độ chuyên môn từ đại học trở lên là trên 2.200 người, chiếm 84,78%. 100% cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học về chuyên môn, trình độ cao cấp lý luận chính trị. 90% cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định. 98,1% công chức hành chính đạt chuẩn theo quy định. 9,6% công chức hành chính có trình độ chuyên môn trên đại học... Tổng số viên chức hiện nay trên 25 ngàn người. Trong đó trên 70% là nữ. 100% viên chức đạt chuẩn chuyên môn chức danh nghề nghiệp theo quy định.
 
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, từ năm 2010 đến nay, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã dần hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Về chuyên môn có 8 thạc sĩ; đại học, cao đẳng 327 người. Về lý luận chính trị: Cử nhân 9 người, cao cấp: 31 người, trung cấp: 548 người. Ngoài ra các chương trình dạy cán bộ tiếng dân tộc đã giúp trên 600 cán bộ có khả năng nghe, nói tiếng của bà con. Điều này hỗ trợ rất lớn trong thực hiện các nhiệm vụ. Ngoài ra các lớp ngắn hạn về bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và các kỹ năng đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ cho trên 8.400 người.
 
Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cụ thể, công tác này thời gian qua còn lúng túng nhất là trong quy hoạch và đào tạo lại. Cụ thể, việc đào tạo chưa thật sự gắn với quy hoạch, chưa gắn với đầu ra, thậm chí còn tình trạng tự phát, dàn đều. Vì vậy, còn tình trạng công chức phải học qua nhiều khoá đào tạo, tốn nhiều thời gian, kinh phí nhưng vẫn thiếu kiến thức chuyên môn và kỹ năng cần thiết cho công việc.
 
 Dựa vào tình hình thực tế, trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Việc đào tạo, bồi dưỡng sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, đạt về chất lượng. Trong đó tập trung thực hiện tốt những giải pháp trọng tâm như: Xây dựng quy hoạch tổng thể công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, sát với nhu cầu thực tế, gắn với việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và phát huy năng lực sau đào tạo và cơ cấu đội ngũ theo vị trí việc làm. Xác định cụ thể nhu cầu và phạm vi, lĩnh vực cần đào tạo, bồi dưỡng. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn công việc được giao.
 
HOÀNG MY