Phát huy truyền thống "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"

06:10, 17/10/2019

Trong chế độ phong kiến, với quan niệm "trọng nam khinh nữ", vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội bị coi thường, đánh giá thấp. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại hầu hết mọi nơi trên thế giới... 

Trong chế độ phong kiến, với quan niệm “trọng nam khinh nữ”, vai trò và vị trí của người phụ nữ trong xã hội bị coi thường, đánh giá thấp. Đây từng là một hệ thống tư tưởng tồn tại hầu hết mọi nơi trên thế giới. Hiện nay quyền phụ nữ được công nhận nhưng hệ thống pháp luật trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại ở một số quốc gia... 
 
Tham gia sự nghiệp giải phóng con người, các lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, những bậc hiền minh trên thế giới luôn đề cao nữ giới - một “nửa” của nhân loại. C.Mác cho rằng: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”... 
 
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị thế phụ nữ nước nhà ngày càng phát huy. Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) chính thức thành lập. Đánh dấu sự kiện bước ngoặt vô cùng có ý nghĩa này, ngày 20/10 hằng năm đã được chọn làm ngày truyền thống “Ngày phụ nữ Việt Nam”, đồng thời cũng là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Gần 90 mùa Thu Cách mạng qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, kiến thiết nước nhà ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, phụ nữ Việt Nam cũng thật vinh dự và xứng đáng với 8 chữ vàng được Bác Hồ tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. 
 
Phát huy truyền thống yêu nước, quật cường từ thời những nữ anh hùng hào kiệt như Bà Trưng và Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân, trong chế độ xã hội chủ nghĩa, người phụ nữ Việt Nam yêu nước có điều kiện để nâng cao tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm tới lợi ích xã hội và cộng đồng. Trong công cuộc đổi mới đất nước, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ lại được tiếp tục khẳng định và phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Thật tự hào vì trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ miền xuôi đến miền núi, từ thành phố đến nông thôn, từ công trường đến đồng ruộng... đã xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, điển hình tiêu biểu với những cống hiến xuất sắc trong lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc…
 
Xúc động làm sao khi sau 50 năm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ trước lúc Người đi xa, vẫn còn nguyên giá trị: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. 
 
Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã và đang quan tâm đến nữ giới, ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, kỷ niệm ngày 20/10 thêm khắc ghi lời dặn dò thấm đẫm tính nhân văn, trách nhiệm như “biển rộng, núi cao” của Bác Hồ, phụ nữ Việt Nam lại như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để nỗ lực vượt qua khó khăn, luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
 
LAN HỒ