Để mất rừng trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu

06:10, 21/10/2019

Sau liên tiếp nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng bị phát hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà đã tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Sau liên tiếp nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng bị phát hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy Lâm Hà đã tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cá nhân có liên quan. Cùng với đó, công tác trồng lại rừng ngay trên diện tích bị phá, điều tra các đối tượng vi phạm… cũng được địa phương này triển khai đồng bộ, nhằm hạn chế thấp nhất những áp lực đang đe dọa lên rừng.
 
Bình yên những cánh rừng phía bắc huyện Lâm Hà. Ảnh: M.Đạo
Bình yên những cánh rừng phía bắc huyện Lâm Hà. Ảnh: M.Đạo
 
Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo vệ rừng
 
Xác định rõ tầm quan trọng về rừng cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị 30 ngày 26/3/2015 về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, quản lý lâm sản”. Chỉ thị này có nội dung yêu cầu cụ thể việc cần tiến hành: Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không làm tròn trách nhiệm hoặc vi phạm; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Bởi vậy, việc xử lý cán bộ và người đứng đầu các địa phương khi để xảy ra mất rừng là điều cần thiết và cấp thiết. Đặc biệt là tại các địa bàn xảy ra những vụ mất rừng nghiêm trọng.
 
Sau nhiều vụ ken cây, phá rừng xảy ra, tại Hội nghị giao ban Thường trực Huyện ủy Lâm Hà diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, nội dung tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật đối với cán bộ các ngành, địa phương liên quan đến việc để xảy ra tình trạng ken cây, phá rừng trên địa bàn được quyết định thực hiện song song giữa bên chính quyền và bên Đảng. Theo đó, về mặt chính quyền, UBND huyện Lâm Hà đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo các xã: Tân Thanh, Gia Lâm, Đông Thanh, thị trấn Nam Ban; lãnh đạo các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, Hạt Kiểm lâm và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
 
Diện tích thông bị bỏ hóa chất gây chết tại Khoảnh 2, Tiểu khu 292, xã Tân Thanh.
Diện tích thông bị bỏ hóa chất gây chết tại Khoảnh 2, Tiểu khu 292, xã Tân Thanh.
 
Thẩm tra, xác minh và thi hành kỷ luật
 
UBND huyện Lâm Hà đã ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc kiểm điểm cán bộ có liên quan. Tiếp đó, UBND huyện đã thành lập Hội đồng Kỷ luật để xem xét việc xử lý kỷ luật đối với các cán bộ để xảy ra các vụ việc về rừng. Bên cạnh đó, Thường trực Huyện ủy cũng đã giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra trách nhiệm của 9 cá nhân có liên quan. Theo đó, các đoàn kiểm tra đã tiến hành thẩm tra, xác minh chi tiết trách nhiệm của từng cá nhân đối với các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua. Qua đó, những nguyên nhân khách quan và chủ quan được nêu ra cụ thể. Đơn cử như tại xã Tân Thanh, đối với vụ phá rừng tại Tiểu khu 292, thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà trên diện tích 107.850 m 2 với tổng trữ lượng thiệt hại hơn 909 m 3 (3.421 cây thông 3 lá nhóm 4), người đứng đầu chịu trách nhiệm là ông Trần Quang Thân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Công tác kiểm tra được tiến hành chặt chẽ. Theo đó, nguyên nhân khách quan được xác định là do xã Tân Thanh có địa bàn rộng, phức tạp, diện tích rừng rộng, tiếp giáp với nhiều khu vực dân cư sinh sống, canh tác nương rẫy. Đối tượng vi phạm từ nhiều địa phương khác đến nên việc nắm bắt, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, không chủ động phối hợp với địa phương và các cơ quan có liên quan trong công tác bảo vệ rừng. Ban Lâm nghiệp xã chủ yếu là cán bộ, công chức kiêm nhiệm, chế độ phụ cấp thấp, chưa dành nhiều thời gian đi tuần tra, nắm bắt tình hình, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan cũng được đoàn kiểm tra xác định: Chưa sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trong công tác bảo vệ rừng. Công tác phối hợp với chủ rừng, các cơ quan có liên quan trong công tác tuần tra truy quét xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp còn hạn chế, chưa thường xuyên. 
 
Trước tình hình diễn biến các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; đơn vị chủ rừng tập trung thực hiện các giải pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Trong đó, có nội dung kịp thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo quy định. 

Hay đối với ông Trương Quang Trung - Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà, đoàn kiểm tra xác định việc xảy ra phá rừng tại địa bàn các xã Gia Lâm và thị trấn Nam Ban nguyên nhân khách quan là do diện tích rừng không tập trung, nằm rải rác trên nhiều địa bàn, xen kẽ giữa các vườn cà phê và gần khu dân cư sinh sống nên rất khó quản lý. Giá đất tăng cao, nhu cầu mua đất của người dân lớn, tạo cơ hội cho các đối tượng mua bán, sang nhượng đất lấn chiếm. Đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi chủ yếu vào ban đêm, nhất là lúc thời tiết mưa gió, có tổ chức canh gác để thực hiện… Nguyên nhân chủ quan được đoàn kiểm tra xác định: Cán bộ phụ trách địa bàn chưa làm hết trách nhiệm, trong đó có trách nhiệm của Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà. Công tác phối hợp với các ngành, địa phương còn lúng túng. Ông Trương Quang Trung mới về nhận nhiệm vụ nên chưa nắm bắt hết các vấn đề, dẫn đến việc chỉ đạo, điều hành còn hạn chế…

Các đoàn kiểm tra đã tiến hành thẩm tra, xác minh rõ trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, đơn vị và đề xuất hình thức kỷ luật với Thường trực Huyện ủy. Trên cơ sở đó, Hội đồng Kỷ luật huyện Lâm Hà tiếp tục họp kiểm điểm trách nhiệm của 9 cá nhân. Đồng thời, đối chiếu các quy định liên quan đến rừng cũng như Quy định 102 ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khóa XII để xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Sau khi phân tích kỹ lại ưu, khuyết điểm của các cá nhân, Hội đồng Kỷ luật bỏ phiếu tán thành 6 cá nhân chưa tới mức phải chịu hình thức kỷ luật, 1 cá nhân có áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Riêng 2 cá nhân gồm ông Trần Quang Thân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh và ông Đồng Văn Tuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm huyện đã có khuyết điểm vi phạm Điểm C, Khoản 1, Điều 29, Quy định 102, cụ thể “Thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cấp dưới thực hiện sai hoặc quyết định sai” thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
 
Để mất rừng trước hết xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Việc này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đồng thời điều này còn được xem như tiếng chuông đốc thúc hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các địa bàn khác. Những cán bộ lãnh đạo bị xử lý, các đối tượng phá rừng bị bắt, rừng nhanh chóng được trồng lại trên diện tích bị mất…, những động thái đó đã củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 
 
N.NGÀ - H.YÊN