Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

06:10, 09/10/2019

Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân là nhiệm vụ tiên quyết để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có Đam Rông. Để làm được điều này, huyện Đam Rông đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp...

Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân là nhiệm vụ tiên quyết để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có Đam Rông. Để làm được điều này, huyện Đam Rông đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo suốt 5 năm qua. 
 
Các địa phương ở Đam Rông chú trọng tổ chức đối thoại với Nhân dân ngay tại cơ sở để kịp thời lắng nghe tiếng nói, tâm tư và kiến nghị của Nhân dân. (Trong ảnh: Lãnh đạo xã Đạ Long tổ chức đối thoại với bà con các thôn). Ảnh: N.Ngà
Các địa phương ở Đam Rông chú trọng tổ chức đối thoại với Nhân dân ngay tại cơ sở để kịp thời lắng nghe tiếng nói, tâm tư và kiến nghị của Nhân dân. (Trong ảnh: Lãnh đạo xã Đạ Long tổ chức đối thoại với bà con các thôn). Ảnh: N.Ngà
 
Theo kết quả đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông, suốt 5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên môn đã ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ này từ các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh phù hợp với tình hình địa phương. Định kỳ tổ chức giao ban giữa khối nội chính và ban chỉ đạo cải cách tư pháp của huyện để đánh giá, phân tích những vấn đề còn tồn tại trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đam Rông, công tác tiếp dân từ huyện đến cơ sở được duy trì nghiêm túc, nhất là việc đối thoại trực tiếp với người dân. Hầu hết các vụ việc phát sinh được giải quyết kịp thời, hạn chế kéo dài gây bức xúc trong Nhân dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm theo các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, không để phát sinh điểm nóng về đơn thư, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển.
 
Ban tiếp công dân huyện Đam Rông thống kê, từ năm 2014 đến nay, ủy ban kiểm tra các cấp đã tiếp nhận hơn 64 đơn thư. Trong đó, có 61 đơn tố cáo liên quan đến 1 tổ chức đảng và 60 đảng viên. Ngoài những đơn giấu tên, mạo tên, tất cả những đơn khác đều được xem xét và xử lý. UBND huyện đã tiếp nhận 54 đơn khiếu nại, tố cáo. Trong đó có 4 vụ việc khiếu nại đông người. Hiện 100% các vụ việc đã được giải quyết. Đối với những vụ việc khiếu nại phức tạp, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại và phân công cụ thể trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết tránh gây bức xúc khiếu kiện vượt cấp. Từ tháng 8/2014 đến nay, khi Ban tiếp công dân của huyện được thành lập, tại trụ sở luôn niêm yết công khai nội quy tiếp dân, lịch tiếp dân của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các ngành, tạo thuận lợi cho người dân trong theo dõi và tham dự. Theo đó, Ban tiếp công dân huyện đã tiếp thường xuyên 555 lượt công dân và tiếp định kỳ 198 lượt công dân. Trong đó có 12 đợt công dân đông người. UBND các xã đã tiếp trên 2.200 lượt công dân. Qua đó, đã tiếp nhận hơn 400 ý kiến phản ánh chủ yếu xoay quanh các lĩnh vực đền bù, thu hồi đất, tái định cư, đề nghị cấp hoặc thẩm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kiến nghị về thực hiện các chính sách hộ nghèo... Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên tham gia tiếp dân định kỳ hàng tuần, tháng, quý, sáu tháng, năm theo quy định để kịp thời lắng nghe những vấn đề trong Nhân dân. Riêng Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch HĐND huyện Đam Rông tiếp công dân 1 lần/tháng, Chủ tịch UBND huyện tiếp dân 3 lần/tháng. Đến nay đã có 174 lượt tiếp công dân. Qua đó, tiếp nhận 126 vụ việc và ban hành 126 văn bản giao cơ quan có thẩm quyền xác minh giải quyết đơn. Đã có 111 vụ việc được trả lời, số còn lại vẫn đang tiếp tục giải quyết. 
 
Ngoài việc tiếp dân theo quy định, những trường hợp đột xuất, hoặc những ý kiến khiếu nại, tố cáo, phản ánh qua điện thoại, tin nhắn, lãnh đạo các địa phương tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân để giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở. Điều này góp phần hạn chế tối đa các trường hợp khiếu nại vượt cấp.
 
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại việc một số đơn khiếu nại, tố cáo giải quyết chưa đảm bảo đúng thời gian quy định. Một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng nhiều đến công tác này nên thủ tục còn rườm rà, gây phiền hà trong Nhân dân. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết những trường hợp khiếu nại, tố cáo vẫn còn bất cập. Cụ thể như: tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, một số vụ việc không sớm giải quyết ngay tại cơ sở dẫn đến bức xúc kéo dài. Đội ngũ làm công tác tiếp dân còn thiếu kinh nghiệm nên lúng túng trong giải quyết, xử lý các vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp...
 
Lãnh đạo huyện Đam Rông xác định rõ, cần tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa sự đồng thuận trong Nhân dân nên huyện đã có những chỉ đạo cụ thể để cả hệ thống chính trị thực hiện nội dung này. Đặc biệt, lãnh đạo huyện đã yêu cầu các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong thực hiện, chỉ đạo công tác này phải phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Gắn việc thực hiện nội dung này với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức đối thoại với Nhân dân ngay tại cơ sở để kịp thời lắng nghe tiếng nói, tâm tư và kiến nghị của Nhân dân. Chỉ khi tất cả các nội dung này được thực hiện hiệu quả sẽ nâng cao hơn nữa sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
 
N.NGÀ