Vạch trần thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng

08:10, 11/10/2019

(LĐ online) - Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) vừa ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, thì lập tức số đối tượng cực đoan bắt đầu"khua môi"! Phạm Chí Dũng...

(LĐ online) - Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị (khóa XII) vừa ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, thì lập tức số đối tượng cực đoan bắt đầu“khua môi”! Phạm Chí Dũng (Chủ tịch cái gọi “Hội nhà báo độc lập”) đã tán phát bài viết “Vì sao bỗng kiểm soát quyền lực vào lúc này?” Xuyên tạc, chống phá Đảng và nói xấu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hết sức phản động…
 
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng không phải chuyện bây giờ
 
Khẳng định vấn đề này để Phạm Chí Dũng không cần phải lập lờ tỏ ra “ngây ngô” dùng câu hỏi làm tiêu đề bài viết sặc mùi phản trắc! Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời và trải qua 89 năm lãnh đạo cách mạng luôn chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật với mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; đảng viên phải thực sự là “Người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm, mục tiêu nhất quán này bất cứ đảng viên nào cũng rõ, thấm nhuần. (Từng là đảng viên, không lẽ Phạm Chí Dũng không biết ?!).
 
Mở đầu bài viết, Phạm Chí Dũng giả vờ ngạc nhiên: “Nguyễn Phú Trọng bất ngờ ký ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Dũng nên biết, việc ban hành Quy định số 205, trước hết là nguyện vọng của Nhân dân mong muốn làm trong sạch bộ máy, nhất là trong Đảng; là tâm huyết, trí tuệ và sự thống nhất cao trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng chứ không phải ý chí riêng cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng! Hai là, cùng với kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua (đang được Nhân dân hết sức ủng hộ, đồng tình), Đảng ta nhận thức cần tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết tâm đấu tranh phòng, chống những thói hư tật xấu trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; trong đó,“Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền” được xem là nguyên cơ, gốc rễ của vấn đề.
 
Nghiên cứu 15 Điều của Quy định 205, một lần nữa thấy rằng công tác cán bộ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Qua đó khẳng định chủ trương của Đảng kiểm soát để phòng và chống sự tha hóa quyền lực; mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và bằng trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. 
 
Lược lại các thời kỳ có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam để Phạm Chí Dũng thấy, chỉnh đốn Đảng, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống sự tha hóa quyền lực đã được các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính sống còn của Đảng, của chế độ. Cụ thể, năm 1939 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích”; năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; năm 1958 Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”; đến năm 1969, tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”; và, trước lúc “đi xa”, Bác Hồ kính yêu đã để lại Bản Di chúc lịch sử... Đây là những tác phẩm có giá trị của Người về cách mạng Việt Nam, về con đường đi lên CNXH của nước ta; đặc biệt công tác xây dựng Đảng.
 
Qua các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, quy định nhằm tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng; rèn luyện đạo đức, phẩm chất chính trị, phát huy năng lực của cán bộ, đảng viên như: Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của BCH Trung ương “về những điều đảng viên không được làm”; Quy định 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của BCH Trung ương “về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của BCH Trung ương về“Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của BCH Trung ương “về nêu gương của cán bộ, đảng viên; trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương”. Và, đến nay là Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.
 
Như vậy, chúng ta có thể thấy, từ khi thành lập cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm, những quy định để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thế nhưng, Phạm Chí Dũng cố tình lập lờ, trâng tráo rằng: “Sau đại hội 12, chủ đề kiểm soát quyền lực bỗng lắng hẳn trên diễn đàn của đảng… cũng không còn được nhắc tới vào các năm 2017 và 2018”(?). Rõ ràng, đây là sự “ngây ngô” có chủ đích của Dũng!
 
Phạm Chí Dũng cho rằng: “kiểm soát quyền lực mang màu sắc tư bản, nhạy cảm chính trị với chế độ XHCN…. đây là lần đầu tiên trong đảng cầm quyền xuất hiện một đảng văn về kiểm soát quyền lực”… Dũng lý sự: “kiểm soát quyền lực” được đảng áp dụng từ “hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng” và “rộ” lên vào những năm 2012, 2015 khi mà các phe phái đấu đá tranh giành quyền lực???
 
Bằng lối lập luận suy diễn, cảm tính với cái tâm đen tối, đầy thù hận, Phạm Chí Dũng không hề giấu diếm chỉa thẳng mũi lao vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Bịa đặt trong nội bộ đấu đá tranh giành quyền lực giữa phe cánh Nguyễn Tấn Dũng với Nguyễn Phú Trọng - Trương Tấn Sang; “lo sợ chiếc ghế bị đe dọa” nên Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “kiểm soát quyền lực”; “kiểm soát quyền lực trở nên thiết yếu với đảng và thiết thân đối với Nguyễn Phú Trọng”!...
 
Ngoài xuyên tạc mối quan hệ trong nội bộ Đảng ta, nói xấu cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Phạm Chí Dũng lộ diện một kẻ phản động khi lộng ngôn cho rằng “kiểm soát quyền lực nhằm phục vụ cá nhân với ý đồ riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc củng cố phe phái, thế lực riêng của mình”(!).
 
Vạch trần thủ đoạn chống phá Đại hội XIII của Đảng 
 
Thực tế trong những năm qua, “chạy chức, chạy quyền” diễn ra ở một số bộ, ngành và địa phương; đây là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực, lỗ hổng trong công tác cán bộ; là ung nhọt, căn bệnh nguy hiểm đã được Đại hội XII của Đảng chỉ ra: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý  hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước; đặc biệt việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.
 
Do đó, Quy định 205 của Bộ Chính trị (khóa XII) đặt ra không chỉ nhằm “thanh lọc” đội ngũ cán bộ trước thềm Đại hội XIII mà có giá trị lâu dài trong công tác cán bộ của Đảng.
 
 Quay lại cách đặt tựa đề bài viết:“Vì sao bỗng kiểm soát quyền lực vào lúc này?”. Dũng lý luận, hiện nay Nguyễn Phú Trọng “không còn đối thủ”, “vậy tại sao chủ đề kiểm soát quyền lực lại được nêu ra, thậm chí còn trở thành một quy định của đảng và do đích thân TBT Nguyễn Phú Trọng ký ban hành…”?. Theo suy luận “vỉa hè”, Dũng cho rằng quy định này “sẽ nhắm tới công tác cán bộ tại Hội nghị Trung ương 11 và duy trì liên tục từ đây đến đại hội 13; giai đoạn này, TBT Nguyễn Phú Trọng “đang lo ngại khả năng đảm bảo quyền lực tập quyền trung ương và vấn đề tập quyền cá nhân của ông sẽ bị đe dọa..”. Vì vậy, Phạm Chí Dũng đã tự mình “làm công tác nhân sự” cho Đại hội XIII của Đảng!!!
 
Phạm Chí Dũng võ đoán rằng, “Nếu quy định về kiểm soát quyền lực phát huy tối đa tác dụng của nó mà nhờ đó sẽ không thể xuất hiện một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Trọng, ông ta sẽ yên tâm ngồi tiếp tại đại hội 13, thậm chí còn “ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi”. Đây chính là vấn đề mà từ đầu bài viết Phạm Chí Dũng đặt ra nghi vấn dụng ý xuyên tạc nội dung Quy định 205-QĐ/TW, lái vấn đề theo một hướng khác bịa đặt, chia rẽ nội bộ, chống phá sự lãnh đạo của Đảng; nói xấu, bôi nhọ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng !...
 
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thực hiện các nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng; trong đó, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước trong chặng đường mới sắp tới. Lợi dụng sự kiện chính trị quan trọng này, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã và đang tập trung xuyên tạc, chống phá. Luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng ta của Phạm Chí Dũng là một ví dụ, cần phải kịp thời vạch trần, lên án, quyết liệt đấu tranh…
 
THẠCH TÂM